Cái đẹp cần Mạnh Thường Quân

Chủ Nhật, 24/07/2005, 07:31

Cái đẹp bao giờ cũng cần Mạnh Thường Quân. Có thể đến khi nào đó, cái đẹp, như văn hào Nga Dostoievski nói, sẽ "cứu thế giới", nhưng hiện giờ, cái đẹp đích thực luôn cần được nâng đỡ, bảo vệ.

Chính vì thế nên hầu như chính phủ quốc gia văn minh nào cũng bảo trợ cho văn hóa, nghệ thuật. Ở ta cũng vậy, hình như bao giờ những kinh phí văn hóa cũng chiếm phần đáng kể trong ngân sách quốc gia.

Ngay trong thời chiến trước kia, ở cơ chế bao cấp, văn hóa nghệ thuật đã được chăm lo rất nhiều và không ngẫu nhiên chính khi đất nước trong cảnh đạn bom, chúng ta đã tạo dựng nên được một nền nghệ thuật cách mạng với những thành tựu đáng tự hào không chỉ ở phương diện quốc gia, mà cả trên trường quốc tế. Chính những nghệ sĩ được may mắn đào tạo đến nơi đến chốn thời đó cho tới giờ vẫn đang tiếp tục giữ vai trò quan trọng và nổi bật trong nhiều ngành nghệ thuật biểu diễn của chúng ta hiện nay.

Trong cơ chế thị trường, nghệ thuật, nhất là nghệ thuật biểu diễn, cũng như nhiều mặt hoạt động khác của con người, đang được dần dà xã hội hoá, đặng huy động thêm được nhiều nguồn lực trong xã hội vào việc bảo trợ và chăm lo cho cái đẹp vật chất và tinh thần. Đó là một chủ trương đúng mang tính chất lâu dài của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, ở đây có một số vấn đề nảy sinh trong cách hiểu và cách thực hiện chủ trương này liên quan đến các môn nghệ thuật biểu diễn. Chúng tôi trong bài viết nhỏ này xin phép được lạm bàn về một trong những vấn đề đó: Nhà nước nên bảo trợ những gì trong quá trình xã hội hoá nghệ thuật hiện nay?

Thứ nhất, xã hội hoá nghệ thuật hoàn toàn không có nghĩa là "bỏ rơi" nghệ thuật đó cho thị trường tuỳ nghi sử dụng. Một nền nghệ thuật dân tộc bao giờ cũng rất đa dạng về chủng loại bộ môn và nhất là trình độ, tài năng.

Cơ chế thị trường bao giờ cũng thiên về theo đuổi những mục tiêu mang tính thời điểm, chiến thuật, những nhu cầu tức thì của số đông. Trong khi đó, một nền nghệ thuật cân đối, hợp lý và có giá trị đích thực lại không thể thiếu vắng những bộ môn tinh hoa, những tên tuổi lớn, có thể chưa mang tính quần chúng do đặc điểm hàn lâm và những đòi hỏi nâng cao về trình độ thưởng thức.

Chính những bộ môn tinh hoa và những gương mặt tiêu biểu đó có thể không quá thiết thân trong đời sống hàng ngày, nhưng lại góp phần tạo ra những tiêu chí nghệ thuật đích thực để nâng tầm nền văn hóa chung mà bất cứ một quốc gia nào cũng phải chú tâm xây dựng. Những bộ môn đó cần tiếp tục được Nhà nước bảo trợ, với mức độ ngày càng tăng, tuỳ theo sự phát triển vật chất và tinh thần của nhân dân ta.

Có giai đoạn, khi vừa bước vào cơ chế thị trường, chúng ta ở đâu đó đã nhất tề giảm đồng loạt việc bao cấp các môn nghệ thuật biểu diễn và đã làm ảnh hưởng không ít đến chính sự phát triển liên tục của những bộ môn mang tính bác học. Các tài năng lớn khi không được đối xử đặc biệt cũng sẽ khó có điều kiện duy trì và trau dồi ưu thế của mình.

Thứ hai, cần tiếp tục trợ giúp ở mức cao nhất cho những môn nghệ thuật mang tính truyền thống, lưu giữ trong mình những tinh hoa ngàn năm của nền văn hoá dân tộc. Đành rằng, mỗi thời đại đều có hơi thở riêng của nó và những gì đã qua thì hẳn đã qua. Nhưng kho báu nghệ thuật dân tộc không thể không được cẩn trọng giữ gìn, một khi chúng ta muốn giữ bản sắc dân tộc của mình.

Chính vì thế nên vấn đề mấu chốt nằm trong chính cách lựa chọn của cơ quan quản lý nhà nước những trọng tâm cho chính sách phân phối kinh phí: Ai? Được bao nhiêu? Việc phân bố kinh phí theo kiểu bình quân chủ nghĩa để "mưa cho khắp" xem ra đã không còn mang ý nghĩa tích cực nữa.

Chúng ta vẫn nuôi được đông đảo nghệ sĩ nhưng thực chất, trong rất nhiều trường hợp đó vẫn chỉ là ở mức độ duy trì sự tồn tại của họ. Nghệ thuật vì thế khó phát triển lên tầm cỡ cao hơn. Trước mắt cần lựa chọn đúng những "trọng tâm" nghệ thuật cần được đầu tư vượt bậc để tạo lại gương mặt sáng đích thực cho nghệ thuật biểu diễn nước nhà. Đó là những nhà hát mang tính bác học thực sự, những đơn vị nghệ thuật dân tộc tinh hoa. Cần loại ra khỏi danh sách bảo trợ của Nhà nước những đơn vị chủ yếu mang tính kinh doanh nghệ thuật biểu diễn như các đoàn ca nhạc nhẹ...

Bao cấp và xã hội hoá nghệ thuật biểu diễn thực chất chỉ là hai mặt hữu cơ của một quá trình thống nhất. Chính trong quá trình này, sự lựa chọn đúng đắn đối tượng để bao cấp hay xã hội hoá mang tính quyết định đối với tương lai của nền nghệ thuật nước nhà

La Văn Tiến
.
.
.