Sự sụp đổ của European Super League (ESL)

"Cái chết" của cuộc cách mạng không chính danh

Thứ Sáu, 23/04/2021, 07:55
Một cách tình cờ, những diễn biến của ESL từ khi nó tạo thành quả bom trên các phương tiện truyền thông cho đến lúc các thành viên lần lượt “rũ bỏ”, “quay về với chính nghĩa” thật phù hợp với tựa phim “Lật mặt 48h”. Mang tham vọng rất lớn với những kế hoạch khủng khiếp như “cứu rỗi thế giới bóng đá”, những người đứng sau ESL đã quên mất một yếu tố quan trọng nhất để thành công trong mọi cuộc cách mạng, đó là tính chính danh.


Những thời khắc khó quên

Bóng đá thế giới đã trải qua những ngày đáng nhớ. Lần đầu tiên trong lịch sử, sự tồn tại và phát triển của môn thể thao này thực sự là mối bận tâm của toàn thế giới. Mọi thứ không còn gói gọn trong thảm cỏ xanh giới hạn bằng hai khung thành, khi từ các chính trị gia cho đến giới CĐV đều chính thức tham dự một trận đấu mà kết quả của nó có thể vĩnh viễn thay đổi trò chơi được yêu thích nhất.

23h30 ngày 18/4, M.U nổ phát súng đầu tiên khi đăng dòng trạng thái trên trang cá nhân thông báo việc tham dự ESL, giải đấu quy tụ những đội bóng hàng đầu châu Âu và ly khai khỏi hệ thống giải do UEFA tổ chức. Lần lượt sau đó, 5 đội bóng khác của Premier League đồng ý đi theo “Quỷ đỏ”. Cùng với đó là 3 đại gia Tây Ban Nha cùng 3 đội bóng lớn nhất Italia. 12 “kẻ phản loạn” sở hữu tổng cộng 40 chức vô địch Cúp C1/Champions League chính thức “giương cờ” chống lại UEFA và các tổ chức bóng đá chính thống khác. "Chiến tranh" bắt đầu.

Chủ tịch  UEFA Aleksander Ceferin.

Rất nhanh sau đó, UEFA với “tổng tư lệnh” Aleksander Ceferin bắt đầu cuộc phản pháo. UEFA nhận được sự ủng hộ từ các liên đoàn thành viên. Rồi giới HLV, chính trị gia, cầu thủ và các CĐV cũng ngả về phía họ trong “thành trì” bảo vệ những giá trị vững bền của bóng đá. Ngay chính trong lòng các đội bóng dự ESL, mâu thuẫn nổ ra khi các cầu thủ phản ứng lại quyết định của CLB. Các CĐV lũ lượt kéo đến sân vận động biểu tình, chăng băng rôn biểu ngữ tố cáo giới chủ tham tiền, phá vỡ truyền thống của CLB. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng vào cuộc, tuyên bố bằng mọi cách không để ESL ra đời.

Ở phía bên kia, “tổng tư lệnh” trên danh nghĩa Florentino Perez hoàn toàn cô đơn. Ông chỉ có một bài phỏng vấn ngắn nói về các kế hoạch của ESL, cam kết và hứa hẹn đủ thứ. Phản ứng của Perez chẳng khác nào ném sỏi vào đoàn tàu đang chạy. Làn sóng phản đối càng dữ dội hơn theo từng phút, đồng đội của ông bắt đầu dao động và “lật mặt”. 21h20 ngày 20/4, chưa đầy 48h sau khi lời tuyên chiến phát đi, “chiến sỹ” Man City buông súng đầu tiên.

Lần lượt các đội bóng sau đó rời đi theo Man City, để cuộc cách mạng ESL tan vỡ từ trong trứng nước. Nhưng chắc chắn, mọi chuyện sẽ chưa kết thúc ở đây. Nếu nhìn nhận một cách công bằng nhất, ESL có lý do để ra đời, và lý do đó cũng chính là thứ mà các tổ chức bóng đá như UEFA và FIFA phải nhìn vào để cải tổ các giải đấu của mình.

Mọi thứ xoay quanh quyền lợi

ESL là một ý tưởng không hề “bẩn thỉu” nếu truy rõ căn nguyên, bởi đó chỉ là một hình thức tổ chức giải đấu theo cách hoàn toàn khác với truyền thống.

Như đã nói, Florentino Perez chỉ là “tổng tư lệnh” của cách mạng ESL trên danh nghĩa, thực sự đứng đằng sau nó là những người Mỹ. Họ là những người chống lưng cho giải đấu ra đời và vận hành theo hình thức nhượng quyền franchise vốn phổ biến trong thể thao Mỹ.

Trong hình thức này, mọi đội bóng tham gia đều có giá trị nhượng quyền, tạo nên tổng giá trị cho giải đấu. Doanh thu sẽ được cộng vào và chia sẻ theo cách công bằng nhất. Với mô hình này, thể thao Mỹ đã có những CLB với giá trị nhượng quyền lên đến nhiều tỷ USD. Tất nhiên, điểm trừ của nó là việc các giải đấu không có lên xuống hạng dẫn đến giảm tính cạnh tranh.

Các đội bóng tham dự ESL trước hết bởi quyền lợi rõ ràng mà họ được hưởng so với các giải đấu khác trong hệ thống chính thức. Dự kiến doanh thu một mùa ở ESL có thể gấp đến 4 lần đá Champions League. Sự chênh lệch đó ngoài tiền tài trợ, chủ yếu nằm ở chỗ các đội bóng sẽ được nhận toàn bộ khoản doanh thu mà họ kiếm ra, không phải chia sẻ cho các tổ chức như UEFA hay những đội bóng nhỏ hơn. Hãy lấy một ví dụ đơn giản, “đại gia” Real Madrid chắc chắn muốn chia sẻ doanh thu với “đại gia” Man City để cùng nhau đầy túi hơn là phải gồng gánh cho một anh nhà nghèo nào đó.

ESL thua là bởi họ đã sai lầm khi đưa mình vào thế đối địch với cách thức tổ chức bóng đá truyền thống đã tồn tại cả chục năm qua mà không có một chiến lược truyền thông định hướng dư luận rõ ràng. UEFA đã quá cao tay khi đưa ra được những đòn tấn công nhanh mạnh, toàn diện dù chính họ mới là những người bị động hơn khi cuộc chiến bắt đầu. Việc khơi gợi được ở tất cả mọi người thấy tính chất “phi nghĩa”, “tham tiền”, “ích kỷ”… của những nhà tổ chức ESL và các đội bóng tham gia đã giúp cho thế trận đảo chiều chóng mặt và khiến 12 kẻ phản loạn dần dần tự rút lui, không còn cam kết “mãi bên nhau bạn nhé” như khi bắt đầu.

Nhưng về lâu dài, ESL hay một ý tưởng tương tự sẽ quay trở lại. Đây là một bài học lớn cho UEFA và buộc họ phải tính đến những cải cách trong tương lai, trong đó quan trọng nhất là để Champions League trở về đúng nghĩa với cái tên “giải đấu của những nhà vô địch”, là nơi tập hợp những đội bóng tinh hoa nhất. Bên cạnh đó, minh bạch doanh thu và tăng miếng bánh lợi ích cho các đội bóng lớn cũng là điều bắt buộc. Thỏa mãn quyền lợi các bên là cách thức để duy trì hòa bình bền vững nhất!

Ed Woodward rời M.U

Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của M.U là người đầu tiên từ chức sau 48h hỗn loạn của bóng đá châu Âu. Ông sẽ tại vị đến hết năm 2021 trước khi rời nhiệm sở. Trong phát biểu chính thức, Ed Woodward cho biết: "Tôi vô cùng tự hào khi được cống hiến cho MU. CLB đang có tương lai xán lạn và tôi rất buồn khi phải rời đi vào cuối năm".

Trước đó Ed Woodward được “quy hoạch” là 1 trong 4 phó chủ tịch của ESL sau chủ tịch Perez, bên cạnh Joel Glazer – chủ sở hữu MU, John Henry – chủ tịch tập đoàn Fenway sở hữu Liverpool và Andrea Agnelli, chủ tịch Juventus.

Các đội bóng nổi loạn nhiều khả năng sẽ không phải đối mặt với án phạt  từ UEFA sau khi tự nguyện rút lui.

Đơn Ca
.
.
.