Các nhà sưu tập tư nhân... sợ đăng ký Bảo vật quốc gia

Thứ Ba, 02/11/2004, 20:37

Sau hai tháng vận động, Cục Di sản (Bộ Văn hoá Thông tin) chỉ nhận được rất ít đề nghị tấn phong các di vật, cổ vật thành Bảo vật quốc gia. Các bảo tàng lớn không mặn mà. Các nhà sưu tập tư nhân hồi hộp và sợ vì nếu không chứng minh được nguồn gốc, cổ vật của họ sẽ bị tịch thu.

Một di vật, cổ vật được xét duyệt, tấn phong trở thành Bảo vật quốc gia, là  niềm tự hào của bảo tàng hay của cá nhân sở hữu chúng. Giá trị của cổ vật, di vật sẽ tăng lên gấp nhiều lần khi được khoác thêm vòng hào quang như vậy. Nhưng lạ thay, sau hai tháng vận động, khuyến khích, chỉ có vài bảo tàng cấp tỉnh gửi phiếu xét chọn với một lượng rất nhỏ cổ vật, di vật. Nhiều bảo tàng lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đều không dự xét chọn. Cục Di sản (Bộ VHTT) cho rằng, các bảo tàng lớn thì có nhiều cổ vật, di vật có giá trị quá nên chưa biết chọn "cái gì" để gửi đi, những bảo tàng nhỏ thì cũng đang chuẩn bị... gửi.

Tuy nhiên, các bảo tàng chậm trễ và chần chừ cũng có cái lý của họ. Quy trình xét duyệt Bảo vật quốc gia được bắt đầu bằng việc gửi cổ vật đến Cục Di sản sau đó được Hội đồng di sản văn hoá quốc gia thẩm định, cuối cùng Thủ tướng Chính phủ sẽ ra quyết định công nhận.

Cục Di sản gia hạn cho các bảo tàng và sưu tập tư nhân rằng đến 30/10 là hết hạn nộp danh sách đề cử Bảo vật quốc gia. Thế nhưng cho đến nay, tổ chức "đóng dấu chất lượng" cho cổ vật, di vật vẫn chưa được thành lập. Hội đồng di sản vẫn đang chờ xin thành lập. Vậy nên, các bảo tàng, sưu tập tư nhân lại càng hiểu thêm rằng, hồ sơ di vật, cổ vật của họ có gửi lên thì cùng được xếp chồng lên nhau để chờ. Một công việc mà sự kết thúc không xác định được thời gian thì người ta ngần ngại và chần chừ là phải. Hơn nữa, chính Cục Di sản cũng tuyên bố rằng sẽ còn có nhiều đợt xét duyệt tiếp theo nữa, thế cho nên các bảo tàng tha hồ mà "dềnh dàng".

Trái với sự thờ ơ của các bảo tàng Nhà nước, các nhà sưu tập tư nhân lại rất hồi hộp vì chuyện xét duyệt Bảo vật quốc gia. Còn điều gì tuyệt vời hơn khi Nhà nước sẵn sàng đóng dấu chất lượng và quyền sở hữu cho tài sản của họ mà không thu bất kỳ một loại phí nào. Đây chính là một cơ hội lớn cho các nhà sưu tập cá nhân, vì cho dù họ có sành sỏi mấy trong nghề thì sự thẩm định của một hội đồng chuyên môn cấp quốc gia có giá trị và uy tín hơn sự thẩm định của cá nhân họ. Khi một di vật, bảo vật của cá nhân trở thành Bảo vật quốc gia, nhà sưu tập tư nhân sẽ được tư vấn miễn phí cách bảo quản... Với tất cả những điều kiện thuận lợi như vậy, tưởng rằng các nhà sưu tập tư nhân sẽ đổ xô đến đăng ký. Nhưng không, sự dè dặt và... sợ vẫn thấy ở họ.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Di sản, Cục Di sản, nguyên nhân chính mà các nhà sưu tập tư nhân sợ đăng ký xét duyệt Bảo vật quốc gia là, nếu một di vật, cổ vật khi đăng ký bị các chuyên gia chứng minh được là đồ ăn trộm ở một di tích, một bảo tàng nào đó thì di vật, cổ vật đó sẽ bị tịch thu. Đây quả là lời đe dọa đáng sợ với các nhà sưu tập tư nhân. Nhưng nếu các chuyên gia không chứng minh được nguồn gốc của chúng thì sao? Điều này rất dễ xảy ra vì hệ thống quản lý cổ vật, di tích của chúng ta trước đây hoạt động chưa có hiệu quả lắm. Những cổ vật, di vật dù không có nguồn gốc rõ ràng nhưng các chuyên gia cũng bó tay thì, theo như ông Nguyễn Thế Hùng, vẫn có thể được xét thành Bảo vật nếu như chúng có giá trị thực sự

Diễm Nhi
.
.
.