Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã khẳng định chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc như thế nào?

Thứ Hai, 09/06/2014, 08:59

Nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Quang Đức cho biết: trong cuốn sách Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi lời vua Lê Thánh Tông nói với Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy năm 1471: “Thước núi tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho lấn dần. Nếu chúng không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc, nói rõ điều ngay gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, tội phải tru di!”. Nhiều tư liệu như các văn bản hành chính của các triều đình phong kiến xưa, những bộ sử tập, Át lát địa lý cổ, sách dạy lịch sử bằng chữ Hán và chữ Nôm cũng là minh chứng rõ ràng về ý thức chủ quyền lãnh thổ dân tộc tự bao đời.

Có thể nói, khi đất nước thoát khỏi 1000 năm Bắc thuộc, bắt đầu xây dựng nền phong kiến độc lập tự chủ, ông cha ta đã có ý thức về bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền, cương thổ của tổ quốc. Từ thời Đinh, Tiền Lê, đến đời Lý, Trần, ý thức về toàn vẹn lãnh thổ ngày càng mạnh mẽ, rõ ràng hơn.

Không chỉ có ý thức về biên giới trên đất liền, ý thức về lãnh hải cũng hình thành từ xa xưa, cùng với quá trình mở mang bờ cõi của cha ông. Trong cuốn ''Biện Di luận'' của Khắc Trai Lý Văn Phức viết năm 1841 có đoạn: “Huống hồ, từ thời Trần - Lê, quốc thổ An Nam ngày càng mở rộng, đến nay đã gấp bội phần. Phía Bắc giáp ba tỉnh Quảng Đông - Quảng Tây - Vân Nam của Trung châu; phía Tây khống chế các tộc man mọi, tiếp với các nước Nam Chưởng, Miến Điện; phía Đông trông ra biển lớn, ôm lấy các đảo; phía Nam cũng chạm tới biển, vòng qua phía Tây Nam sát vách với Xiêm La. Ngoài ra các thuộc quốc, man di nội phụ khác nhau đều đủ cả. Thực là một đại quốc sừng sững giữa vòm trời đất!".

Qua những tư liệu của triều đình phong kiến đã đề cập ở trên có thể thấy rằng, việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ là quá trình lâu dài, với tư tưởng và quan điểm nhất quán của triều đình Đại Việt. Bước sang triều Nguyễn, tư liệu, sách vở hiện còn nhắc đến nhiều vấn đề lãnh hải. Tâm thức về biển vì thế cũng rõ ràng hơn. Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho biết thêm: “Sách vở, tư liệu ở triều Nguyễn có thể nói nhiều hơn bất kì tư liệu nào khác ở những triều đại trước đó về sự sở hữu biển đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa”.

19 châu bản triều Nguyễn là một trong những bằng chứng quan trọng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là hai quần đảo của Việt Nam.

Tư liệu từ thời Nguyễn mà chúng ta vừa đề cập chính là các văn bản hành chính, trong đó có Châu bản triều Nguyễn vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày 14/5 vừa qua.

Trong hơn 700 châu bản được lưu giữ thì có khoảng 19 tờ châu bản thể hiện rất cụ thể việc triều Nguyễn thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này. Theo tài liệu châu bản triều Nguyễn thì các chúa Nguyễn và vua triều Nguyễn đã từng sai người đi thăm dò, khảo sát đường biển, vẽ bản đồ cắm mốc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán - Nôm đưa ra ví dụ: “Trong một bản tấu của Bộ Công năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) ghi rõ nhà vua chuẩn y sai Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền, mỗi thuyền mang theo 10 cọc gỗ, viết to khắc sâu dòng chữ, ghi năm Minh Mệnh thứ 17 đến Hoàng Sa để cắm mốc, đánh dấu”.

Không chỉ dừng lại ở việc thể hiện ý thức về chủ quyền lãnh hải của dân tộc mà các triều đại phong kiến Việt Nam còn luôn luôn khẳng định biên giới lãnh thổ của Tổ quốc trên đất liền. Bên cạnh đó, sự khẳng định này cũng không chỉ dừng lại ở việc ghi chép trong những bộ sử, địa chí hay trong văn bản hành chính, mà nó còn hiện diện trong phương châm giáo dục, đó là cách dạy lịch sử bằng chữ Hán và chữ Nôm cho các thế hệ con cháu.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường, tác giả công trình “Nghiên cứu sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm" đã chỉ rõ: “Mặc dù việc trình bày chuyên sâu về cương vực là công việc của môn địa dư nhưng do tính chất quan trọng của nó đối với quốc gia cũng như sự liên quan chặt chẽ của nó với quốc sử, cương vực luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu trong các sách dạy lịch sử Việt Nam bằng chữ Hán và chữ Nôm. Tuy mức độ trình bày kĩ càng về cương vực giữa các sách không giống nhau, có sách chỉ lướt qua, có sách trình bày lẫn trong các thời đại, có sách dành cả một chuyên mục về vấn đề này nhưng vấn đề cương vực luôn được các tác giả biên soạn sách dạy lịch sử đề cập đến”.

Như vậy, nhìn từ xưa mà ngẫm đến nay, ý thức chủ quyền về lãnh thổ được ví như sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Sự nhất quán, tôn trọng tuyệt đối quyền lợi quốc gia dân tộc luôn được coi là điều tối thượng. Dù trong mỗi thời kì, giai đoạn, việc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ có thể bằng nhiều phương pháp, hình thức khác nhau, nhưng độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ vẫn là tư tưởng nhất quán

Cảnh Vũ - Bảo Trân
.
.
.