Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tiếp tục khó khăn

Chủ Nhật, 30/08/2020, 09:25
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, đến nay đa số các doanh nghiệp kinh doanh thị trường quốc tế đã thông báo tạm ngưng hoạt động dài hạn và một số đơn vị đề nghị trả giấy phép kinh doanh lữ hành để rút số tiền ký quỹ hoạt động chi trả lương cho nhân viên.

Đến thời điểm này, có khoảng 90 - 95% doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn đã tạm ngưng hoạt động; chỉ một số ít còn mở cửa để xử lý các công nợ với đối tác, khách hàng. Nhiều khách sạn cắt giảm nhân sự, chia ca làm việc 2 - 3 ngày/tuần, công suất phòng giảm 91,5% so với cùng kỳ 2019. Số lượng lao động giảm 61% so với cùng kỳ, trong đó 87,4% lao động nghỉ không lương và 12,6% chấm dứt hợp đồng lao động.

Lượng khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh trong 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1.385.750 đạt 15,35% kế hoạch năm 2020, giảm 34,2% so với cùng kỳ. Về tổng thu du lịch trong 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 27.055 tỷ đồng, đạt 19,33% kế hoạch năm 2020, giảm 21,8% so với cùng kỳ. 

Số lượng khách và doanh thu của doanh nghiệp lữ hành giảm mạnh, từ 50% trở lên, đặc biệt thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông giảm từ 70 - 90% so với cùng kỳ.

 Các thị trường khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề do diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp và tâm lý e ngại sự lây lan của dịch bệnh nên đã hủy hàng loạt các chương trình tham quan trong nước và quốc tế.

Du khách tìm hiểu tour du lịch Địa đạo Củ Chi tại Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh năm 2020.

Công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú du lịch từ 3 - 5 sao đạt khoảng 30% - 50%. Đối với các cơ sở lưu trú du lịch từ 1 - 2 sao, khách lưu trú chủ yếu là khách thuê giờ hoặc khách lẻ.

Đến tháng 4/2020, do thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội trong 3 tuần đầu tiên, ngành Du lịch thành phố gần như “đóng băng”, các doanh nghiệp du lịch đều đóng cửa tạm ngưng hoạt động.

 Đến tháng 5/2020, sau thời gian giãn cách xã hội, một số doanh nghiệp lữ hành đã hoạt động trở lại và đều xác định tập trung phát triển thị trường du lịch nội địa. Một số ít doanh nghiệp chuyên thị trường quốc tế hoạt động lại để xử lý các công nợ với đối tác, khách hàng và theo dõi tình hình, khảo sát thêm các điểm du lịch, dịch vụ trên cả nước để chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa trong giai đoạn bình thường mới. Đối với các doanh nghiệp chuyên đón khách quốc tế vào Việt Nam, vẫn tạm ngưng hoạt động kinh doanh do tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp.

Anh Minh Hùng, Giám đốc Công ty TYT Travel cho biết, công ty hoạt động lữ hành du lịch hơn 10 năm chuyên các tour nước ngoài, sau đợt dịch đầu, công ty tổ chức được một số tour nội địa. Khi đợt dịch thứ hai xảy ra thì “coi như xong”, anh trả mặt bằng, cho nhân viên nghỉ không lương. Còn giám đốc thì chuyển sang làm trưởng phòng nhân sự của một công ty lĩnh vực khác. Ngoài ra, anh cũng tranh thủ bán hàng online để có thu nhập lo cho gia đình.

Mặc dù còn những khó khăn, nhưng sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát (tháng 5 đến 7/2020), khoảng 35 - 40% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại; Ngành Du lịch cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng bước vào giai đoạn phục hồi gắn với việc phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, tuy nhiên, từ ngày 25/7/2020, tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại tại một số tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành vừa mới phục hồi.

Theo các doanh nghiệp lữ hành, đa số khách hàng đã hủy các chương trình du lịch đến Đà Nẵng, các tuyến du lịch Miền Trung, Phú Quốc, Nha Trang, Hà Nội, Đà Lạt cho đến tháng 9/2020; chỉ 3 - 5% số chuyến so với dự kiến ban đầu đến các địa phương không có người nhiễm COVID-19 như: Vũng Tàu, Phan Thiết và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Vietravel, tính theo tour đến tháng 9, khoảng 50.000 khách hoãn huỷ, công ty thiệt hại cả trăm tỷ đồng.

Trước những khó khăn, thiệt hại nặng nề do dịch bệnh gây ra, thành phố đã có những chính sách kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. 7/50 doanh nghiệp (lữ hành, cơ sở lưu trú) gặp khó khăn được ngân hàng giảm lãi suất cho vay, 453 cơ sở lưu trú du lịch được giảm 10% giá bán điện, 21 công ty lữ hành và 436 hướng dẫn viên được hưởng chính sách giảm phí, lệ phí... Tuy nhiên, các doanh nghiệp lữ hành vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ; hầu hết người lao động, doanh nghiệp lữ hành vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ. Do không có tài sản thế chấp nên các doanh nghiệp khó tiếp cận các gói vay tín chấp của ngân hàng.

Để chuẩn bị phục hồi ngành du lịch của thành phố, Sở Du lịch vừa xây dựng xong kịch bản và trình Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch xem xét. Kịch bản thứ nhất, nếu dịch bệnh COVID-19 được khống chế trong tháng 9, thành phố sẽ tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa trên cơ sở liên kết các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển, các điểm tham quan để có những sản phẩm mới, hấp dẫn an toàn và cạnh tranh.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền để doanh nghiệp du lịch và du khách đảm bảo các tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người dân và du khách khi tham gia các chương trình du lịch. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh khác như đã ký kết hợp tác.

Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài đến hết quý IV năm 2020, bên cạnh các nhóm giải pháp trên, thành phố sẽ tập trung các nhóm giải pháp tái cơ cấu, đào tạo lại nguồn nhân lực trong ngành Du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu, định hướng lại thị trường khách du lịch và xây dựng các sản phẩm mới chuẩn bị tái khởi động kinh doanh khi dịch bệnh được khống chế.

Sở Du lịch thành phố đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp cụ thể, thiết thực để tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch tiếp cận các gói hỗ trợ như hỗ trợ các doanh nghiệp chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng trong năm 2020 trong khoảng thời gian từ 6 đến 12 tháng; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong năm 2020; tiếp tục giảm tiền điện, nước, phí dịch vụ Internet.

Kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp vay 50% tiền ký quỹ hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành. Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành Du lịch để duy trì và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng lao động nhằm tái khởi động ngành Du lịch khi dịch bệnh được khống chế.

Nguyễn Cảnh
.
.
.