Các Sao Mai 2007 “sợ” dấn thân vào con đường ca hát?

Thứ Bảy, 28/07/2007, 13:27

Gần một tháng sau khi đăng quang ở ngôi vị Sao Mai, các ca sĩ trẻ đều đang có những kế hoạch để khẳng định tên tuổi của mình. Thế nhưng, 2 trong số 3 Sao Mai năm nay khi được hỏi đều rất “sợ” phải dấn thân vào con đường ca hát chuyên nghiệp.

Ca sĩ Đinh Thị Thành Lê: Không muốn đánh đổi hạnh phúc riêng tư

Ấn tượng ban đầu đối với cô gái đến từ Hà Tĩnh này là vẻ đẹp trong sáng, nhẹ nhàng dù đã sống ở đất Hà thành hơn 7 năm rồi. Mặc dù được giải cao nhất ở phong cách dân gian nhưng Lê thành thật cho biết, mục tiêu lớn nhất của cô là trở thành giảng viên thanh nhạc chứ không phải là một ca sĩ chuyên nghiệp. 

Thành Lê.

- Lý do nào đưa Lê đến quyết định thi Sao Mai?

- Khi mới vào Nhạc viện, em chỉ là một sinh viên có học lực trung bình khá. Sau 7 năm (từ trung cấp lên đại học), em cũng đã trưởng thành hơn rất nhiều nhưng vì bản tính rụt rè và nhút nhát. bạn bè phải động viên nhiều lần em mới quyết định đi thi chỉ với mục đích là “rèn luyện bản lĩnh sân khấu”. Không ngờ lại giành giải cao nhất.

- Từ sau Sao Mai, cuộc sống của Lê có gì thay đổi không?

- Em bắt đầu nhận được những cuộc điện thoại mời đi diễn. Trước đây, ngoài việc học, em vẫn dành thời gian đi biểu diễn. Nhưng cảm giác hát bây giờ khác lắm, hãnh diện và tự tin hơn nhiều.

- Theo dõi Lê từ chung kết khu vực miền Trung, thành thật mà nói, tôi không thực sự ấn tượng lắm với bài “Xa khơi” (Nguyễn Tài Tuệ), ngoại trừ một phong cách biểu diễn rất có cảm xúc. Nhưng càng về sau, nhiều người cũng cho rằng Lê hát ngày càng “xuất thần” hơn. Phải chăng, Lê có một sự “hậu thuẫn” nào đó?.

- Người giúp đỡ em nhiều nhất là ca sĩ Phương Thảo, người đã đoạt giải Sao Mai 2003 và cũng là bạn thân của em. Khi chọn ca khúc này, em rất sợ cảm giác bị so sánh với những người đi trước nên đã phải thuê riêng thầy đệm piano cho mình. Đến ca khúc “Hà Tĩnh mình thương” trong đêm chung kết, em cảm giác là mình may mắn khi chọn đúng bài hợp với chất giọng và cũng là do cảm xúc dâng trào khi hát về chính quê hương của mình. Có nhiều đoạn còn khiến em suýt khóc vì cảm động.

- Với bước đệm của Sao Mai, kế hoạch lâu dài của Lê là gì?

- Mong muốn lớn nhất của em là trở thành giảng viên để vừa được làm nghề vừa có thể hoàn thành thiên chức làm vợ, làm mẹ. Với tính cách của mình, em tự nhận thấy mình không đủ bản lĩnh để sống trọn với con đường ca hát. Được làm nghề là một chuyện, việc đứng được trong lòng khán giả lại là chuyện khác. 

Ca sĩ Lê Anh Dũng: Sẽ làm mới dòng nhạc thính phòng

Anh Dũng ngoài đời hiền khô và ít nói. Trên sân khấu Sao Mai, Dũng đã lập một cú “hattrick” với sự bình chọn của giám khảo và khán giả, còn ở trường, Dũng cũng là một sinh viên xuất sắc của khoa Thanh nhạc.

Anh Dũng.

- Được đánh giá là thí sinh có chất giọng đẹp, kỹ thuật tốt, vậy từ khi nào Dũng nhận ra khả năng âm nhạc của mình?

- Hồi còn đi học, em cũng hay đi hát ở trường nhưng chưa bao giờ em nghĩ mình hát hay. Năm đầu thi đại học, em chọn trường Y và Lâm nghiệp. Vì  không đỗ nên em mới học một lớp thanh nhạc của tỉnh Thanh Hoá. Năm sau, mọi người khuyến khích em thi vào Nhạc viện. Kết quả là em đỗ tới 3 trường nghệ thuật liền.

- Ca khúc “Dương cầm thu không em” Dũng thể hiện trong đêm chung kết vừa rồi được đánh giá tốt không chỉ ở chất giọng, mà còn ở phong cách thể hiện và làm mới ca khúc. Đó là ca khúc do Dũng tự chọn?

- Em cho rằng, việc chọn bài hát quyết định 70-80% sự thành công cho thí sinh. “Dương cầm thu không em” được em lựa chọn từ lúc thi ở vòng loại và giành được số điểm cao nhất. Khi em chọn ca khúc này, cũng có nhiều người khuyên em nên đổi bài vì thấy nó thiên về phong cách nhạc nhẹ nhiều hơn. Nhưng em vẫn quyết tâm chọn bài này, bởi chủ trương của em là muốn làm mới phong cách nhạc thính phòng, tức là hát nhạc nhẹ theo phong cách thính phòng (bán cổ điển).

- Được giải cao nhất, vậy con đường âm nhạc tới đây của Dũng sẽ như thế nào?

- Trước mắt, em vẫn tập trung cho việc học để lấy bằng tốt nghiệp. Giải thưởng với em như một mốc son để phát triển con đường âm nhạc sau này. Đây cũng là trách nhiệm khiến em phải cố gắng hơn nữa. Em vẫn sẽ theo dòng nhạc thính phòng này nhưng sẽ làm mới nó lên.

Ca sĩ Phạm Hà Linh: Ấm ức vì “sự cố” đêm chung kết

Hà Linh được đánh giá là một sự bất ngờ thú vị của cuộc thi này. Không có nhiều kỹ năng âm nhạc, nhưng ở Linh lại có sẵn tố chất thiên phú và sự nhạy cảm trong cách xử lý ca khúc. Cô đến với cuộc thi là để khám phá chính mình, bên cạnh những khả năng “trời cho” khác là thơ và vẽ.

Hà Linh.

- Là kẻ “ngoại đạo” nhưng thành tích trong âm nhạc của Linh ngay từ khi còn là sinh viên cũng thật đáng nể. Vậy, Linh đến với lĩnh vực này như thế nào?

- Em đến với âm nhạc hoàn toàn rất vô tư, chỉ là để hát cho mình và bạn bè nghe. Năm 2007, em đoạt giải Giọng hát hay Sinh viên, NSƯT Bích Việt bảo em có chất giọng tốt nhưng không có kỹ thuật và khuyên em nên học để thi Sao Mai. Nhưng em nghĩ, mình không đủ sức nên cũng không để ý nhiều đến nó. Đến khi hết hạn nộp hồ sơ, có lẽ vì tiếc cho em nên cô Bích Việt đã phải “thân chinh” xin để cho em nộp hồ sơ vào phút chót. Nộp hồ sơ xong, em đã đăng ký học cấp tốc 3 tháng về thanh nhạc để làm “gia tài” đi thi.

- Việc chọn bài của Linh cũng được BGK đánh giá là rất thông minh. Linh có người tư vấn cho mình không?

- Việc chọn bài hoàn toàn là do em quyết định. Sau đó, em sẽ tìm đến chính tác giả để tìm hiểu kỹ hơn về bài hát và nhờ họ tư vấn về cách xử lý sao cho có được cái riêng của mình.

- Vậy tại sao đêm chung kết, Linh chỉ thể hiện được khoảng 60% khả năng của mình ở vòng loại?

- Bản thân em cho đến tận bây giờ, nghĩ đến đêm đó vẫn rất ấm ức vì đã không thể hiện được hết những gì mình có. Lý do là vì bộ trang phục do em tự thiết kế không hiểu sao lại bị lỏng lẻo. Em vừa phải chú ý hoàn thành tác phẩm vừa phải chuẩn bị tư tưởng nếu chẳng may cái cổ áo bị tuột xuống. Dù được số điểm cao nhất nhưng nghĩ lại, em vẫn thấy ấm ức vô cùng.

- Linh sẽ chọn âm nhạc hay con đường ngoại giao mà mình đang theo đuổi?

- Bây giờ em chưa thể nói trước, nhưng bố mẹ thì rất mong em đi theo con đường ngoại giao. Bản thân em cũng không muốn dấn thân vào con đường ca hát.

- Sẽ rất buồn khi 2 trong số 3 Sao Mai năm nay đều không biết nên hay không nên theo con đường âm nhạc, trong khi giải Sao Mai là sự nỗ lực hết mình mới có được.

- Bây giờ chị nói em mới nghĩ đến đấy! Nghĩ lại, mới thấy đúng là âm nhạc đã chọn em chứ em không chọn nó. Nhưng hiện tại, em cũng có nhờ nhạc sĩ Giáng Son dạy về xướng âm và nhạc lý. Tháng 8 này em sẽ bỏ tiền túi để sang Đức học một khóa về kỹ thuật thanh nhạc

Theo Thanh Hà (Gia đình & Xã hội)
.
.
.