Ký ức xúc động của các nhạc sỹ về những khúc hoan ca khải hoàn

Thứ Ba, 28/04/2015, 07:29
Mùa xuân năm 1975, dõi theo bước chân thần tốc của quân giải phóng là hàng triệu, hàng triệu người Việt Nam. Hoà cùng dòng chảy ấy, trái tim của những nhạc sỹ, ca sỹ cũng háo hức, bồi hồi. Và rồi, những lời ca, tiếng hát của họ đã thăng hoa cùng cả dân tộc với niềm vui Bắc – Nam sum họp một nhà. Phóng viên Báo CAND đã gặp lại họ - Những người đã góp một phần tạo nên khúc hoan ca khải hoàn mùa xuân năm 1975 vào đúng dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm 40 năm nước nhà thống nhất.

Nhạc sỹ Phạm Tuyên: “Như có Bác trong ngày đại thắng” - Sự lan toả của bài hát ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Tết Ất Mùi vừa qua, nhạc sỹ Phạm Tuyên nhận từ Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam bảng hiệu chúc mừng thượng thọ. “Đúng ra, tôi năm nay 86 tuổi chứ không phải 85”, nhạc sỹ Phạm Tuyên “khoe” với tôi. Tôi nhìn người nhạc sỹ lừng danh với “gia tài” 700 ca khúc đầy ngưỡng mộ. Thấy tôi tấm tắc trước tủ sách đồ sộ của mình, ông nhỏ nhẹ: Phải đọc nhiều, mới viết được những câu chữ đơn giản. Sự đơn giản xuất phát từ trái tim, từ trải nghiệm, từ khát khao…

“Như có Bác trong ngày đại thắng” - một trong những khúc ca khải hoàn dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát và dễ… sáng tác. Để đạt được những cái “dễ” này, nhạc sỹ Phạm Tuyên mất “2 giờ cộng với cả cuộc đời”. “Sự lan toả của bài hát ngoài sức tuởng tượng của tôi”, nhạc sỹ nói. Nhưng rồi cũng chính ông bộc bạch: “Trái tim của tôi cùng nhịp đập với mọi người nên có sự cộng hưởng”. Cũng bởi sự cộng hưởng này, mà chỉ trong 2 giờ, những ca từ dung dị nhưng thể hiện cả sự khái quát lẫn cụ thể trong một giai đoạn lịch sử của nước nhà trong “Như có Bác trong ngày đại thắng” đã ra đời.

Nhạc sỹ Phạm Tuyên và bản viết tay ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng”.

40 năm sau khi nhắc lại những ngày mùa xuân năm 1975, nhạc sỹ Phạm Tuyên vẫn rất bồi hồi. Ông kể rằng, tháng 4, ta phát động chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông Trần Lâm, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhắc: “Sắp có chiến thắng lớn, nên có tác phẩm chào mừng”. Cũng như mọi người dân, ông luôn dõi theo bước chân quân giải phóng. Với lợi thế công tác ở đài Tiếng nói Việt Nam, nên thông tin mới ông được cập nhật nhanh hơn. 

Quân ta giải phóng Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng… Bồi hồi, háo hức, xúc cảm… là những trạng thái tình cảm khi “bám” theo hành trình Nam tiến của quân giải phóng. “Lúc đó, tôi có cảm giác viết nhạc không theo kịp bước chân bộ đội ta”, nhạc sỹ nói. 

Cũng tại thời điểm này, ông nghĩ phải viết một bản hợp xướng 4 chương mới đủ độ hoành tráng để ngợi ca. Thế nhưng, đầu óc lúc đó không tập trung bởi trái tim đang loạn nhịp. 

Dù vậy, ông cũng kịp hoàn thành phác thảo hợp xướng, với chương I: Miền Bắc lũy thép; chương II: Miền Nam thành đồng; chương III: Vui ngày chiến thắng; chương IV: Ngày toàn thắng. Thế rồi, phác thảo này đã không bao giờ thực hiện bởi cao trào của cảm xúc đã khiến ông viết “Như có Bác trong ngày đại thắng” vào đêm 28/4/1975.

“Lúc 21h30 ngày 28/4/1975, thời sự phát tin ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi nghĩ, đến Tân Sơn Nhất rồi, đến Sài Gòn rồi, giải phóng đến nơi còn gì. Thế là tôi cầm bút và 2 giờ sau hoàn thành”, nhạc sỹ nói. Chính bài thơ chúc Tết của Bác với những câu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Bắc Nam xum họp xuân nào vui hơn” đã gợi cho nhạc sỹ Phạm Tuyên tứ để đặt tên bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng”. 

Rồi những câu: “Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng. Ba mươi dành độc lập non sông. Ba mươi chiến đấu, ba năm thành công”… cứ thế tuôn ra. Đó là những câu chữ dung dị nhưng hàm chứa cả chiều dài lịch sử trọng đại của dân tộc, là niềm khát khao chiến thắng cháy bỏng của toàn dân ta. Bác Hồ đã mất nhưng trong xúc cảm của nhạc sỹ lúc đó, Người như đang sống. 

Khi kết thúc bài hát với câu từ lặp lại đầy hào sảng: “Việt Nam - Hồ Chí Minh. Việt Nam - Hồ Chí Minh” đã thể hiện rất rõ tình cảm của nhạc sỹ với người cha già dân tộc. Và cũng chính ông đã nói hộ những chiến sỹ đang tiến về Sài Gòn, nói hộ hàng triệu người Việt Nam trong những giờ phút huy hoàng tình cảm biết ơn, trân trọng người cha già của dân tộc.

Sáng 29/4, nhạc sỹ đạp xe lên Đài Tiếng nói Việt Nam và đưa bản nhạc cho Hội đồng duyệt. Có ý kiến cho rằng, trên yêu cầu viết bài hoành tráng, lại chỉ viết có bấy nhiêu. Nhưng cũng có ý kiến bảo, sẽ thu thanh để phát vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5.

11h30 ngày 30/4, Tổng Giám đốc Trần Lâm gọi điện thông báo, quân giải phóng đã cắm cờ chiến thắng và hỏi ông đã có bài hát gì chưa? Chiều nay, Trung ương công bố tin toàn thắng trên toàn thế giới. Nghe xong, nhạc sỹ vội đạp xe đến đài và gặp Tổng Giám đốc ngay ở chân cầu thang. Nhạc sỹ  hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” cho ông Trần Lâm nghe. Ông Trần Lâm ra lệnh tập bài hát này ngay. “Đó là một buổi thu thanh đặc biệt. Cả người dàn dựng và người hát đều khóc”, nhạc sỹ bồi hồi nhớ lại. Chỉ huy dàn nhạc hôm đó là Cao Việt Bách và sự tham gia của đoàn hợp xướng khoảng 20 người.

17h ngày 30/4, Đài Tiếng nói Việt Nam phát tin toàn thắng. Cùng với đó là giai điệu hào sảng, rổn rang của “Như có Bác trong ngày đại thắng” vang lên. Bài hát này được phát đi, phát lại nhiều lần trong ngày 30/4 lịch sử. Sáng 1/5, khi ông đạp xe đến Bồ Hồ thì gặp đoàn quân nhạc và đoàn ca nhạc của Nhạc viện Hà Nội đang hát “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Nhạc sỹ thấy lạ, mới hỏi:“Bài này chưa in, chưa xuất bản, sao các bạn lại biết thì nhận được câu trả lời, “chúng tôi nghe đài”.

Cứ thế, “Như có Bác trong ngày đại thắng” được mọi người từ Bắc chí Nam đều hát. Bài hát lan toả nhanh, thành công “ngoài sức tưởng tượng của tôi”, như cách nói của nhạc sỹ Phạm Tuyên. Cũng bởi thành công này mà một thời gian ngắn sau ông nhận được Huân chương Lao động. Đây cũng là một trong những tác phẩm được ghi nhận để ông được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước.

“Đất nước trọn niềm vui” là dấu ấn chọn nghề của tôi

Lời ca rộn ràng: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay…”, cùng giai điệu hào sảng thể hiện đúng tâm trạng vui sướng, hoan hỉ của hàng triệu, hàng triệu người Việt Nam cách đây 40 năm. Tôi gặp nhạc sỹ Hoàng Lương, con trai nhạc sỹ Hoàng Hà, tác giả “Đất nước trọn niềm vui” để được anh cung cấp những tài liệu về sự ra đời của bài hát này. Và cũng để được nghe anh tâm sự về ảnh hưởng của “Đất nước trọn niềm vui” đối với việc chọn nghề nhạc của anh.

Tôi trò chuyện với nhạc sỹ Hoàng Lương trên căn phòng tầng 4, tại ngôi nhà gia đình anh đang ở trong khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam, tại phố Vọng, Hà Nội. Anh mở máy tính cho tôi xem những file tài liệu, trong đó có cả những đoạn clip về cha mình. Nhờ đó, tôi được “gặp” nhạc sỹ Hoàng Hà dù ông đã là người thiên cổ.

Nhạc sỹ Hoàng Hà và con trai - Nhạc sỹ Hoàng Lương tại Côn Đảo. 

Khi nghe tôi nói: “Anh lưu giữ tài liệu tốt thật”, nhạc sỹ Hoàng Lương nhỏ nhẹ: “Đó là nhờ bố tôi đấy. Chính ông là người đã tặng tôi chiếc máy tính đầu tiên và cũng là người thầy dạy cách sử dụng đấy”. Nhạc sỹ Hoàng Hà là người đam mê công nghệ thông tin. Ông tự mày mò cách sử dụng và học cách làm nhạc trên máy tính. Một nhạc sỹ già, về hưu mà tự cập nhật công nghệ mới ở cái thời kỳ, máy tính đang là cái gì đó còn rất mới mẻ với nhiều người như Hoàng Hà quả là đặc biệt.

Cũng nhờ computer mà hôm nay, tôi được nghe chính nhạc sỹ Hoàng Hà tâm tình rằng: “Năm 1975, năm sáng tác nhạc sôi động nhất đời tôi. 5h chiều, ngày 26/4, mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi vô cùng sung sướng. Cả đêm tôi viết “Đất nước trọn niềm vui”. Sáng hôm sau, tôi đưa Phạm Tuyên và anh Triều Dâng xem. Anh Dâng bố trí ngay việc thu thanh”.

Theo tư liệu của nhạc sỹ Hoàng Hà, khi viết bài hát này, ông đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và chưa từng vào Sài Gòn. Từ giữa tháng Tư, không khí Hà Nội rất sôi động. Sau chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, bộ đội ta đánh xuống đồng bằng, thần tốc tiến vào Nam, tin chiến thắng dồn dập hằng ngày. Trong bối cảnh đó và cả quá trình tích luỹ đã giúp ông viết nên ca khúc này. 

Trong bản viết về sự ra đời “Đất nước trọn niềm vui”, nhạc sỹ nêu: "Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh". Đây rồi ! Mệnh lệnh của đất nước đã ban ra, quyết tâm toàn thắng đã khẳng định. Thế là, những hình ảnh thời tôi theo đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô với rừng cờ, rừng người náo nhiệt tái hiện như một cuốn phim tư liệu sắc nét. 

Sài Gòn bừng hiện ra trong tâm trí tôi như một ảo ảnh sống động với những câu chuyện tôi đã nghe, những dũng sĩ kiên cường, những sĩ quan quân đội Sài Gòn thảm hại tôi đã gặp, ký ức về những trận chống càn thắng lợi, về ngày giải phóng Thủ đô... Từng nét nhạc, từng ý, từng lời, cứ bật ra từ trong sâu thẳm lòng mình, phơi phới "Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay !" ..."Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông...",  "Ôi, hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em những lời yêu thương !". 

Cảm xúc dào dạt lên tới cao trào, bỗng bật ra giọng "Hò Đồng Tháp" của chị văn công Giải phóng năm nào, hình tượng tiêu biểu của con người miền Nam tôi vẫn hằng ấp ủ trong tim, cứ vút cao đưa tâm hồn tôi bay lên, say trong không gian của non sông anh hùng ngày hoàn toàn giải phóng. "Đất nước trọn niềm vui" được viết và hoàn thành như vậy. Chiến dịch Hồ Chí Minh chính là một tín hiệu thần kỳ, như một "giọt nước tràn ly", một "động tác bấm nút" cho tác phẩm "Đất nước trọn niềm vui" xuất hiện.

“Trách nhiệm của người nhạc sĩ sáng tác là phải cố gắng hết sức mình để ghi lại phần nào tình cảm điển hình trong những phút giây lịch sử điển hình của đất nước”, nhạc sỹ Hoàng Hà từng viết như vậy. Và tôi xin lấy ý kiến này của ông để kết thúc cho bài viết này. 

Nhạc sỹ Hoàng Lương:

Năm 1975, tôi đang học lớp 10, đang đứng trước việc chọn nghề. Trong tôi là câu hỏi, “vào trường đại học nào, chọn nghề gì?”. Tôi có may mắn là trước đó, bố tạo điều kiện cho học nhạc, vẽ, văn. Vì ấn tượng với “Đất nước trọn niềm vui”, nên tôi quyết định chọn nghề nhạc. Bài hát khiến cả nước phơi phới. Ngay ở tiêu đề đã thấy sự trọn vẹn. Một tháng sau, tôi thi vào Nhạc viện Hà Nội. Bài hát này chính là dấu ấn chọn nghề của tôi và cho đến hôm nay, tôi thấy mình đúng. Có nhiều người hát bài này. Nếu nhìn một sản phẩm âm nhạc chuyên nghiệp, phải nhìn: 10 năm; 20 năm; 30 năm… Tôi thường hay đánh giá tác phẩm đúng lúc nó cần vang lên. Người đầu tiên thể hiện bài hát này là NSND Trung Kiên. Ông đóng góp vào thành công của tác phẩm.

NSND Trung Kiên: Hát khúc ca reo vui

NSND Trung Kiên là người đầu tiên và cũng là ca sỹ thể hiện thành công nhất bài “Đất nước trọn niềm vui”. Trò chuyện với nghệ sỹ, ông vui vẻ chia sẻ hồi tưởng về thời điểm trọng đại của đất nước khi là người hát khúc ca reo vui.

NSND Trung Kiên.

Phóng viên (PV): Sáng nay, em vừa đến chỗ nhạc sỹ Hoàng Lương, con trai bác Hoàng Hà. Anh Lương luôn miệng nhắc, NSND Trung Kiên là người hát “Đất nước trọn niềm vui” thành công nhất đấy ạ.

NSND Trung Kiên: Những ngày cuối tháng 4/1975, tôi cùng anh Quý Dương luôn túc trực ở Đài Tiếng nói Việt Nam để hát theo bước chân quân giải phóng. Huế, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Nha Trang…, đoàn quân tiến đến đâu, chúng tôi thu thanh đến đấy. Không khí hồ hởi, cả Hà Nội rào rào. Tôi đã hát bài hát này vào đúng thời khắc, hoà bình lập lại trên toàn cõi Việt Nam. Cái quan trọng nhất để tôi hát bài này thành công chính là thời điểm. Lúc đó, tôi và mọi người đều có chung tâm trạng reo vui. Bài hát này hợp với cảm xúc của tôi.

PV: Nhạc sỹ Hoàng Lương còn cho rằng, nếu không phải là NSND Trung Kiên hát đầu tiên và thể hiện rất thành công, có thể bài hát sẽ bị lãng quên?

NSND Trung Kiên: Nhạc sỹ Hoàng Hà rất tài tình. Ông sáng tác ca khúc này rất kịp thời nhưng để lại ấn tượng sâu sắc, khó có bài nào được như thế. “Đất nước trọn niềm vui” vừa có ý nghĩa lịch sử, vừa có giá trị nghệ thuật. Tiết tấu âm nhạc rộn ràng, hát ra người ta hưởng hứng ngay. Cảm xúc nhập vào tôi rất tự nhiên. Lúc đó, tôi không thể nói, mình hát hay mà cái cảm xúc của mình nó như thế.

PV: Cảm xúc của sự trông đợi ngày toàn thắng?

NSND Trung Kiên: Trước đó, tôi đã có mặt tại nhiều chiến trường như binh trạm 559, đường sông, đường 9 Nam Lào, Vĩnh Linh… để biểu diễn. Tôi tận mắt chứng kiến cuộc sống, chiến đấu của bộ đội, của thanh niên xung phong. Tôi đã 27 lần đi vào chiến trường. Chúng tôi hát bên hố bom, hát trong ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu, hát qua điện thoại người lính đang ở trận địa nghe… Và đôi khi đang hát, báo máy bay đến lại phải dừng lại. Cũng như những người lính chiến, chúng tôi mong ngày toàn thắng.

PV: Và vào ngày toàn thắng ấy, nghệ sỹ đã nhận bản nhạc “Đất nước trọn niềm vui” để hát. Tiếng hát của ông đã “bay” trên làn sóng phát thanh, đến với mọi người, mọi nhà, mọi miền đất nước để báo tin thắng trận?        

NSND Trung Kiên: Đúng thế. Tôi đã hát khúc ca reo vui bằng cảm xúc rất thật của chính mình, vào thời điểm lịch sử của đất nước. Đấy là hạnh phúc của người nghệ sỹ. Tôi không biết khi viết, nhạc sỹ Hoàng Hà có nhắm vào mình không nhưng giọng rất hợp.

PV: Cảm ơn nghệ sỹ về cuộc trò chuyện này!

Cao Hồng (thực hiện)
.
.
.