Cất cao những bài ca không quên

Chủ Nhật, 03/05/2015, 14:30
Ngày 30/4/1975, hai miền Nam - Bắc liền một dải. Thế hệ ca sĩ gắn bó với dòng nhạc truyền thống cách mạng ở miền Nam xuất hiện nhiều gương mặt mới. Họ, có người hòa chung ngày toàn thắng, có người chỉ được chứng kiến đất nước hồi sinh sau chiến tranh nhưng đều chọn cho mình dòng nhạc nhắc nhớ về một thời lên đường cứu nước, ngợi ca hòa bình. 40 năm, giọng hát của họ vẫn âm ỉ cháy trong lòng hàng triệu người Việt để rồi thổi bùng lên khi Tổ quốc gọi tên...

Tự hào lời ru đất nước

Nhắc đến thế hệ ca sĩ trưởng thành với dòng nhạc truyền thống cách mạng sau năm 1975 phải kể đến các tên tuổi như: Cẩm Vân, Tạ Minh Tâm, Cao Minh, Quang Lý, Thanh Thúy....

Sinh năm 1959, ca sĩ Cẩm Vân được coi như cánh chim đầu đàn của thế hệ ấy. Nhớ về bài ca để đời, chị kể: “Năm 1981, tôi gặp nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tại Đoàn Ca nhạc nhẹ Tháng Tám. Anh hỏi tôi hát tông cao nhất là gì. Một thời gian sau, anh đến gặp tôi và đưa tôi ca khúc “Bài ca không quên”. Sau này, tôi mới biết đó là ca khúc anh viết cho nam ca sĩ hát trong một bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Văn Thông.

Trước đó đã có nhiều nam ca sĩ thể hiện, vì lời bài hát nói lên tâm trạng của một nhân vật nam trong phim. Đó là một anh bộ đội, sau khi hòa bình thống nhất, trở về với cuộc sống đời thường, cưới vợ nhưng sống không mấy hạnh phúc. Khi nhân vật nam chạy trong mưa, hướng về những cánh rừng nơi mà đồng đội anh có người đã ngã xuống cho màu cờ Tổ quốc thì bài hát cất lên”.

Ngày ấy, cô ca sĩ Sài thành hát “Bài ca không quên” hồn nhiên bằng sự cảm nhận của trái tim. Chất giọng trầm ấm, sâu lắng, rung cảm của Cẩm Vân đã làm bao người thổn thức. Tiếp nối sự thành công này, Cẩm Vân nổi lên với loạt những ca khúc gây tiếng vang khác như “Triệu đóa hoa hồng”, “Nhớ về Hà Nội”, “Đêm thành phố đầy sao”... và đặc biệt là những ca khúc của Phạm Minh Tuấn: “Đất nước”, “Sao biển”, “Khát vọng”, “Tình yêu và nỗi nhớ”...

Nếu nhắc đến Cẩm Vân là nhắc đến“Bài ca không quên” thì khi nhắc đến NSƯT Tạ Minh Tâm, người ta lại nghĩ ngay đến giai điệu tưng bừng của “Đất nước trọn niềm vui”. Tạ Minh Tâm thường bảo rằng: “Nếu không có ngày 30/4/1975 thì chẳng bao giờ có một Tạ Minh Tâm bây giờ”.

Vào những ngày miền Nam mới giải phóng, lớp lớp thanh niên lên đường, người ra nông trường, người lên biên giới kiến thiết quê hương. Khí thế hừng hực ấy đi vào phong trào văn nghệ quần chúng với các đội, nhóm ca múa ở hầu khắp các thôn xóm. Mê đàn hát, cậu học sinh 15 tuổi người An Giang Tạ Minh Tâm hòa chung khúc hát tự hào của thế hệ lớn lên trong hòa bình, tự do. Anh được tiếp xúc với những giai điệu hùng tráng, những hình tượng, ca từ mới mẻ của “Tình ca”, “Lá đỏ”, “Nổi lửa lên em”, “Giải phóng quân ta đi”... 

Có lẽ được sống và chứng kiến thời khắc thiêng liêng và sôi động của lịch sử đất nước nên anh thể hiện những khúc ca reo vui và lay động hồn người đến vậy. Ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” giúp Tạ Minh Tâm đoạt Huy chương vàng trong Liên hoan Ca múa nhạc không chuyên toàn quốc lần thứ I được tổ chức tại TP HCM. Bây giờ, dù bận bịu đóng phim, làm MC, giảng dạy tại Nhạc viện, Tạ Minh Tâm vẫn luôn dành tâm huyết cho các ca khúc cách mạng.

Ngày bé, Cao Minh đã thấy tang thương phủ khắp Long An quê mình. Những bài nhạc vàng, tình khúc não nề, chán chường rỉ rả vào tâm hồn cậu thiếu niên. Ngày giải phóng cũng là lúc âm nhạc cách mạng như làn gió mới đầy khí thế, lạc quan thổi vào lòng cậu bé miền Nam. Cao Minh thuộc lòng tất cả bài ca khi đó và mang ao ước trở thành ca sĩ dòng nhạc đỏ khi thi vào Nhạc viện. Anh được coi là giọng ca vàng hát về Bác Hồ. Cao Minh tâm sự: “Tôi thành công với nhạc cách mạng, ca ngợi Hồ Chủ tịch vì tôi hát bằng tất cả xúc cảm hân hoan khi đất nước hòa bình và lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ”.

NSƯT Thanh Thúy sinh ra sau ngày đất nước thống nhất. Chị chia sẻ: “Hồi nhỏ theo ba đi xem các chương trình văn nghệ, tôi thường mong ước sẽ trở thành một nữ văn công. Tôi hát những khúc ca hào sảng ca ngợi ý chí, vẻ đẹp tâm hồn của quân, dân”. Dù sở hữu chất giọng mezzo soprano có thể hát được nhiều loại nhạc nhưng Thanh Thúy vẫn chọn nhạc cách mạng làm người bạn đường thủy chung khi trở thành ca sĩ Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7. Rất nhiều bài hát cách mạng do chị thể hiện đã đi vào lòng người: “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Gần lắm Trường Sa”, “Xuân chiến khu”...

Từ trái qua phải: NSƯT Tạ Minh Tâm, NSƯT Thanh Thúy, Ca sĩ Cao Minh, Ca sĩ Cẩm Vân.

Những bài ca không bao giờ quên

Với ca sĩ Cẩm Vân, mỗi lần nghe các ca sĩ hát lại ca khúc của mình, nhất là “Bài ca không quên”, chị lại nôn nao nhớ về thập niên 80 đi hát phục vụ tại các xí nghiệp, nhà máy, nhớ những ngày lưu diễn ở xứ người xa xôi. Có anh bộ đội bị cưa hai chân ở chiến trường Campuchia, trong ranh giới tử sinh, anh vẫn muốn nghe Cẩm Vân hát “Bài ca không quên”. Chị vừa hát vừa khóc. Năm năm sau, trong một đêm nhạc của Cẩm Vân tại TP HCM, một người thương binh lăn xe lăn đến tặng hoa cho chị. Một lần nữa chị rơi nước mắt, đó là người thương binh năm ấy. “Dù ở Triều Tiên, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Úc, Hoa Kỳ..., hầu hết kiều bào đều muốn tôi hát “Bài ca không quên”” – chị kể. Khán giả vừa hòa giọng: “Bài ca tôi đã hát, bài ca tôi đã hát với em yêu, với đồng đội với cả lòng mình, tôi không thể nào quên. Tôi không thể nào quên...” vừa khóc với chị. Có người đã từng là thanh niên xung phong, có người từng tiễn người yêu ra trận, có người mãi không biết người thân nằm lại đâu nơi cánh rừng xanh lá...

Cũng bởi cái tình và cái đẹp đầy chất bi tráng của các ca khúc cách mạng mà ca sĩ Cao Minh thủy chung son sắt với dòng nhạc này. Ông chia sẻ: “Ở đó, tôi tìm được sự lạc quan, yêu đời, cổ vũ tinh thần nhân dân mà không quá lên gân hay khô khan. Tôi còn tìm thấy chất lãng mạn tuyệt đẹp. Chẳng hạn như bài “Hành khúc ngày và đêm” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có thể thấy nỗi nhớ tình yêu đôi lứa mãnh liệt vượt trên cả đạn bom. “Bài ca Trường Sơn” lại có hình ảnh chú nai vàng ngơ ngác, có suối hát lưng đèo và đóa hoa trên mũ anh bộ đội trên đường hành quân”.

Là người hát dòng nhạc đỏ gần 40 năm qua, NSƯT Tạ Minh Tâm quả quyết: “Nếu một đêm biểu diễn nhạc đỏ mà vắng người xem thì do người tổ chức kém chứ không phải do công chúng không thích nghe”. Đồng quan điểm, ca sĩ Cao Minh khẳng định: “Dòng nhạc đỏ sẽ trường tồn cũng thời gian bởi vì nó mang tính lịch sử, rất tinh túy, lắng đọng và trở thành đời sống tinh thần của con người”.

Những ca khúc truyền thống cách mạng không bao giờ cũ vì chạm vào những khía cạnh của thân phận con người. Dù dòng nhạc này thường được xem là dạng ca khúc cổ động và tuyên truyền, rất quen thuộc nhưng nó luôn tươi mới vì nằm ở tâm thế nhắc nhớ, làm sống lại những xúc cảm hào hùng của dân tộc. Nếu thời chiến, tiếng hát cổ vũ tinh thần chiến đấu thì những năm tháng sau giải phóng, nó là nguồn động viên cho nhân dân trong năm tháng khó khăn, kiến thiết đất nước. Và ngày nay, khi đất nước đổi mới, hội nhập, những bài ca cách mạng như xoa dịu những mất mát, hy sinh mà thế hệ cha anh đã đánh đổi, là lời nhắn nhủ đến thế hệ trẻ rằng đừng bao giờ quên quá khứ của dân tộc.

Mai Quỳnh Nga
.
.
.