Ca sỹ Lan Anh: Khi thanh âm cũng bất lực như lời…

Chủ Nhật, 07/06/2009, 17:38
Đôi mắt thăm thẳm đen, nụ cười trong veo loang loáng nắng, Lan Anh xuất hiện, làm dịu mát cả khoảng hiên nhà chang chang trưa tháng 6. Dép lê loẹt xoẹt, quần áo ngắn dài, trông cô như một nữ sinh vừa được trở về sà vào lòng mẹ trong kỳ nghỉ hè, không thấy đâu cái dáng vẻ yêu kiều sang trọng của con họa mi vẫn lảnh lót những bài ca "nhạc đỏ" trên màn hình vô tuyến.

Cuộc sống náo nhiệt đời thường dường như bị chặn đứng ngoài xa xăm, để cô ca sỹ nức tiếng với chất giọng soprano trời phú được riêng mình thảnh thơi trong ngôi nhà yên bình giữa một ngõ vắng Hà Đông nay đã thành quận của Hà Nội…

1. Ngôi nhà nhỏ lặng thinh, tịnh không thấy tăm hơi âm nhạc. Chỉ có tấm áp phích khổ lớn căng tràn chân dung Lan Anh tuyệt đẹp vốn là hình in trên bìa album mới nhất, choán gần hết bức tường nghiêm nghị là nhắc nhớ sự hiện diện của một nữ nghệ sỹ biểu diễn.

Ca sĩ Lan Anh.

Nhưng chẳng cần mấy đến những giai điệu và ca từ chuẩn mực, tiếng líu lo liên hồi của cậu bé trai 30 tháng tuổi đã khiến ngôi nhà giản dị lúc nào cũng ngập tràn thanh âm. Quốc An luôn chân luôn tay "chọc phá" mẹ, hiếu động và tinh nghịch như bất kỳ một cậu bé trai khỏe mạnh nào vào độ tuổi ấy.

Cái tên Quốc An đặt cho con như điềm báo của số phận, vô tình đến với Lan Anh giữa một giấc mơ kỳ lạ ngay từ lúc trong cô còn chưa tượng hình cậu bé. Trong mơ, cô nâng niu một bé trai rồi gọi tên nó là Quốc An và khoe với chồng. Nỗi khát khao làm mẹ đã khiến ngay thời trẻ trung xuân sắc nhất, Lan Anh vẫn gạt sang bên rất nhiều cơ hội đi tu nghiệp ở những quốc gia vốn là thiên đường của âm nhạc bác học như Italia và Áo…

Cô, chưa một lần gợn lên sự tiếc nuối khi lựa chọn như thế. Cả thời khắc này, con đường du học vẫn đang thênh thang rộng mở, nhưng mới nghĩ đến chuyện phải xa Quốc An là cô đã lóng cóng run rẩy hết cả người…

Tự cho phép mình có một ngày nghỉ giữa kỳ chấm thi căng thẳng "nội bất xuất, ngoại bất nhập" ở Nhạc viện Hà Nội, Lan Anh díu chân tại nhà, thỏa thuê nô đùa với con và vòi vĩnh mẹ, quên phắt đi mớ công việc bộn bề đã khiến cô thường nhật phải mẫn cán như bao công chức "đồng hồ" khác. Khoa Thanh nhạc mùa tổng kết cuối năm, sinh viên đến hẹn trả bài và các thầy cô giáo dán mình căng sức trong phòng biểu diễn từ sáng đến tối, không điện thoại, không máy nhắn tin, không Internet và không cả những lào xào có thể khiến người đang hát mất tập trung phân tán.

Học trò của Lan Anh, đầy những cái tên sớm thành danh trên thị trường âm nhạc. Những "Sao Mai" Tân Nhàn, Thu Hà, giải nhất giải nhì của dòng dân gian ở cuộc thi Tiếng hát truyền hình năm 2005 và 2007… đã con bìu con díu, kịp có công ăn việc làm tử tế. Nhưng dẫu thế nào, những "ngôi sao" kia vẫn coi Lan Anh như người thầy không thể thiếu, "tâm phục khẩu phục" và cũng yêu cô y hệt một người chị thân tình, hơn cả tuổi đời, tuổi nghề cũng như tài năng lẫn sự ghi nhận của số đông công chúng.

Dạy thêm kèm thêm cho học trò mà chả bao giờ dám nhận tiền bồi dưỡng, vì thương chúng cũng nghèo như mình ngày đi học, nhưng Lan Anh vẫn phải tất tả với đủ các chương trình biểu diễn và ghi âm để nhận lĩnh cát sê bù vào đồng lương sư phạm ít ỏi.

Nhiều khi ngồi nghe học sinh hát, cô đắng lòng vì xót xa thương, lại những "con thiêu thân" 18, đôi mươi tự nguyện lao vào quầng sáng bỏng rẫy và ma mị của nghệ thuật, y như mình 15 năm trước… Những "con thiêu thân" đang tuổi thanh xuân, đầy mộng mơ trước hào quang của sự nổi tiếng, mà chưa thể tỉnh táo để ngộ ra rằng: quầng sáng ảo ảnh kia có thể sẽ bắt lửa và thiêu cháy chính mình…

15 năm về trước, ngấp nghé tuổi 18, hành trang là giọng hát cao vút hiếm có, Lan Anh rời Nam Định bẽn lẽn dự thi vào Nhạc viện Hà Nội. Cũng những ngày hè rực màu hoa phượng, cô bắt đầu bước những bước đầu tiên để tiến tới hoàn thiện ước mơ ấp ủ từ thời thơ bé của mình. 10 tuổi, nhỏ nhắn xinh xắn, cô bé Lan Anh đứng trên sân khấu Nhà thiếu nhi Nam Định, lúng búng trong miệng: "Em muốn làm ca sỹ" khi một chị phóng viên từ Hà Nội về, ngỡ ngàng trước giọng hát non tơ đầy triển vọng đã đưa ra câu hỏi: "Sau này em muốn làm nghề gì?".

Chất chứa những chiêm nghiệm của riêng mình, nên không dễ khi cô phải đối mặt với một vài học trò trẻ tuổi đầu xanh, đầy đam mê nghệ thuật nhưng lại chưa đủ năng khiếu và quá ít tố chất nghệ sỹ để đeo đẳng con đường chuyên nghiệp. Lan Anh đã nhiều lần tần ngần lựa chọn cách thức nào đó, ít gây ra trầy xước tổn thương nhất giúp học trò mình, những người kém may mắn vì thiếu tài năng sớm nhận chân sự thật, kịp rẽ ngang sang một con đường khác. Bởi nghệ thuật, không có chỗ cho sự nửa vời và những người muốn trưng đức tính cần cù để mong bù lấp cho khả năng thiên phú.

2. Gia đình Lan Anh không hẳn đã "ngoại đạo" với nghệ thuật như nhiều người thường nghĩ. Lan Anh thừa hưởng gen hát hay của mẹ, một hạt nhân chủ chốt của đội văn nghệ quần chúng Nhà máy tơ Nam Định nức tiếng trong thời bao cấp. Bà Ngọc Bích cũng xúng xính quần chùng áo dài đi biểu diễn khắp nơi, vào Nam ra Bắc suốt mấy mươi năm như một ca sỹ chuyên nghiệp. Mang thai Lan Anh được 6 tháng, mẹ còn lên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội biểu diễn mừng ngày giải phóng miền Nam.

Lan Anh chỉ đắp cho đầy ước mơ chưa tròn vẹn của mẹ. 4 tuổi cô bé đã mê hát. Ai đó cho viên phấn cũng hát. Có người đem ra tờ giấy trắng nhem nhẻm bảo hát đi vẫn hát rồi cầm tờ giấy chạy về nhà mà cũng chẳng biết dùng nó vào việc gì. Mẹ cô bây giờ, đầy hãnh diện về con gái, tự nhận lãnh trách nhiệm "Ôsin" kiêm "bảo mẫu" cho Quốc An, để sẻ chia phần nào những phấp phỏng lo toan của vợ chồng Lan Anh khi ngày lại ngày phải lao mình ra ngoài dòng đời không hiếm những bất trắc rủi ro khó lường trước…

Quen chồng chưa đầy năm đã cưới, Lan Anh bảo khi đó bạn bè, người thân và cả cơ quan anh, ai cũng biết cô là ca sỹ nổi tiếng. Riêng anh cán bộ ngân hàng lành hiền, mãi rất lâu sau này mới biết Lan Anh là ai. Trong con mắt anh Minh khi đó, Lan Anh không phải người của công chúng, chỉ đơn thuần là một cô gái dễ thương, ngoan hiền như những người con gái khác. Nhưng rồi, tình yêu đã khiến chồng Lan Anh quan tâm hơn đến âm nhạc, hiểu sứ mạng cô đang gánh vác và trân trọng cô thêm gấp bội phần…  

15 năm vèo trôi kể từ mùa hè rực sắc phượng năm 1994, Lan Anh đã có quá đủ đầy những cái gạch đầu dòng cần phải có của một ca sỹ chọn dòng nhạc thính phòng làm lối đi cho mình. Khi cô gái nhỏ nhắn cất tiếng hát những bài ca Cách mạng, một vùng ký ức lại trỗi dậy sống động trong biết bao người.

Nghe Lan Anh hát, không ít khán giả nhớ đến NSND Lê Dung. Nhưng với Lan Anh, NSND Lê Dung là một biểu tượng không để so sánh và không thể thay thế. Dù không được trực tiếp thọ giáo NSND Lê Dung, chỉ dám "kính nhi viễn chi" nhưng sự ra đi đột ngột của giọng nữ cao số một Việt Nam vẫn khiến Lan Anh chuếnh choáng, u buồn. Năm 2000, lần duy nhất NSND Lê Dung nghe Lan Anh hát ở quán Aladin, ngỏ lời ngợi khen đã thành ấn tượng đẹp theo Lan Anh đến mãi sau này.

Mỗi lúc chạm trán với một ca khúc đã thuộc về NSND Lê Dung, trong cô lại cồn cào nỗi dấm dứt và sự tiếc nuối khó lấp đầy. Rồi, nung nấu ý định làm sang cho dòng nhạc thính phòng, và muốn lưu lại chút gì đó của riêng mình cho sau này, Lan Anh chịu chơi bỏ ra cả một gia tài để đầu tư làm bộ DVD và CD "Hãy yêu nhau đi". 500 triệu đồng cho chỉ 7 bài hát, với thời gian hơn một năm ròng và sức lực bao bạn bè đồng nghiệp, cái được với cô không chỉ là sự đón nhận nhiệt tình của người hâm mộ mà còn cả những người trong nghề. 500 triệu cô có thể dành mua ôtô làm phương tiện thu ngắn quãng đường dài, nhưng nghệ thuật cũng lại là cuộc chơi không tính toán và khó lòng đong đếm.

Dòng nhạc thính phòng chỉn chu và khe khắt khiến cô trở nên đằm thắm, hướng nội khác xa với những ồn ào bề nổi như vốn dĩ phải có của một nữ nghệ sỹ trẻ đang thời đỉnh cao. Ngày ngày Lan Anh vẫn lặng lẽ ngược xuôi trên con đường dằng dặc từ Hà Đông ra Hà Nội để ào vào với cả mớ công việc như bất kỳ một nữ viên chức bình thường nào khác. Con đường của cô, bình lặng nhưng chắc chắn, bền bỉ, một con đường thủy chung có thể đồng hành cùng cô trong suốt cả cuộc đời dài rộng này

Ngô Hương Sen
.
.
.