Ca sĩ Mỹ Hạnh: Hành trình cô độc của niềm đam mê

Thứ Sáu, 16/06/2006, 08:24

Mỹ Hạnh giống Thu Minh ở điểm không thể sống hai mặt. Nhưng chị cũng không thể thay đổi tích cực như Thu Minh. Và cuối cùng, chị vẫn hoàn toàn là "cây lẻ bạn".

Phòng trà 2B ngày thứ hai thưa khách, khán phòng đầy ắp tiếng nhạc. Mỹ Hạnh hát "Xin còn gọi tên nhau", mắt ầng ậng nước, nghe như chị chưa từng hát khác xưa. Tôi ngồi chờ chị hai giờ, vì những công việc của phòng trà, vì lo toan cho các ca sỹ và ban nhạc. 22h30’, đó là lúc chị có thể tạm xong việc, chúng tôi ngồi ngoài hành lang của phòng trà nói chuyện.

Tôi muốn bắt đầu câu chuyện bằng hai chục năm ca hát của chị. Nhưng với Mỹ Hạnh, phòng trà vẫn luôn là chuyện khởi đầu cho những câu chuyện khác. Bởi đây là cuộc sống của chị, nơi chị được hát từng đêm, nơi chị có tình yêu và hạnh phúc sau nhiều tháng năm buồn đau và gian khó của một đời ca hát bạc bẽo và đầy biến động.

Nhà xưa đã khác xưa

Mỹ Hạnh vẫn luôn nghĩ rằng, đến một lúc nào đó chị sẽ về lại Nha Trang, sau khi đã không còn mê mỏi bởi đời sống tại Sài Gòn. Vì Nha Trang là nơi chị có những ngày giàu có nhất, đó là tuổi thơ bên biển và đoàn ca múa Hải Đăng, nơi mẹ và anh trai chị đưa cô bé Mỹ Hạnh đi theo và dần đưa cô vào con đường ca hát. Khi chị về đoàn cũng là khi sân khấu nhạc nhẹ cả nước trở nên hưng thịnh với các đoàn nhạc nhẹ ăn nên làm ra, khán giả đón nhận nồng nhiệt.

15 tuổi, cô bé con ngày ấy theo đoàn đi diễn trên toàn quốc tới 9 tháng. Và chị luôn được cưng chiều, được mọi người chờ đợi và kỳ vọng. Chị yêu nhà hát của mình như yêu chính mái nhà sinh ra chị. Cũng chính vì thế, khi vào tuổi 19, đoạt giải nhất giọng hát nhạc nhẹ toàn quốc cùng với Hồng Nhung, một bước đi thuận lợi để có thể trở thành một ngôi sao trên các sân khấu lớn tại Hà Nội, nhưng Mỹ Hạnh đã cất tấm huy chương vào túi và trở về đoàn, tiếp tục công việc của mình để sống như những ngày trước chị từng đã sống.

Chị yêu nhà hát của mình để rồi phải chứng kiến những tháng ngày gian khó nhất của nó. Sự suy tàn không tránh khỏi khi kinh tế thị trường bắt đầu vươn cánh và Hải Đăng buộc phải đối diện với cuộc mưu sinh. Khó khăn và buồn nhất là không có sân khấu, không khán giả để hát. Nhưng Mỹ Hạnh cứ dùng dằng, vì vẫn muốn hy vọng vào những ngày Hải Đăng sẽ lại sáng.

Mười năm cho sự dùng dằng đó, những bạn cùng lứa như Ngọc Thuý, Kim Nguyệt đã ra đi, và Mỹ Hạnh là người cuối cùng rời đoàn. Giờ chị vẫn về lại Hải Đăng, mỗi lần về đều réo từ tầng 1 lên tầng 5, để gặp được những người quen và để cùng nhớ về những tháng ngày đã ăn sâu vào huyết quản chị. Nhà xưa đã khác xưa, nhưng chị vẫn dành cho nơi ấy một tình yêu thiêng liêng và nếu cho chị bắt đầu lại, Mỹ Hạnh vẫn lại bắt đầu từ đó.

Nỗi buồn chưng cất như rượu quý

Mỹ Hạnh hát chưa bao giờ vui cả. Giọng hát cũng là sự thể hiện rất rõ bản tính con người. Người ta thấy Hồng Nhung sống kỹ lưỡng, hát cũng kỹ lưỡng. Thanh Lam bản năng và bột phát, hát dữ dội. Phương Thanh quậy phá và hát cũng gào thét. Còn Mỹ Hạnh hát bản năng và từng lời hát buồn bã, day dứt.

Chị nói mình không cô đơn, có thể nói đến giờ cuộc sống ổn định và hạnh phúc. Nhưng trên hành trình ca hát thì Mỹ Hạnh là người cô độc. Chị xuất hiện, tỏa sáng trong ngắn ngủi rồi lại chìm vào đời sống bộn bề cùng với những giọng ca cùng thời hát những bài tình ca mơ mộng, đắm say nhưng cũng đầy tiếc nuối. Ở Mỹ Hạnh không có được tố chất của một ngôi sao theo cách định nghĩa hiện đại. Chị hát hay, nồng nàn và có một ngoại hình gợi cảm, nhưng chị không… bon chen.

Sống trong khó khăn chị đã quá quen và ngày trước đến đoàn Hải Đăng chị hát không phải và không bao giờ vì tiền. Thành thử mọi thứ cứ trôi đi, những cơ hội phát sáng mạnh mẽ đến nhưng chị đã không nắm lấy. Và những chuyện buồn của đời sống cứ níu vịn như một thứ nghiệp chướng của cuộc đời. Chị hát và sống rất thật. Và nỗi buồn cũng đến từ sự chân thật đó.

Chị không có bạn, sự cô đơn của người ca sỹ luôn là như vậy. Vì nghề hát vốn bạc bẽo và sự cạnh tranh, bon chen trong nghề khiến người ta nghi kỵ và trở nên xa cách với nhau. Bạn của chị cũng đều là những người bản năng, sống thật thà. Nhưng những ai thành thật và thẳng thắn sẽ bị bật ra khỏi vòng quay chung của nghề.

Ngày trước, Mỹ Hạnh chơi thân với Thu Minh và chứng kiến người bạn của mình đã bị bầm dập thế nào khi thẳng thắn và không kéo bè kéo cánh cùng giới. Giờ thì Thu Minh "tỉnh" hơn, nên đã sống khôn ngoan hơn, biết cách để cùng tồn tại "chung chiến tuyến" với những người không ưa mình. Còn Mỹ Hạnh thì vẫn vậy. Chị giống Thu Minh ở điểm không thể sống hai mặt. Nhưng chị cũng không thể thay đổi tích cực như Thu Minh. Và cuối cùng, chị vẫn hoàn toàn là "cây lẻ bạn".

Chị và Thanh Lam cũng giống nhau ở một điểm, không biết sống sao cho khác đi với chính mình thế nên việc bị ganh ghét, bị nói xấu, bị bầm dập trong các mối quan hệ là điều khó tránh. Ngày mới vào TP Hồ Chí Minh, chị cũng kết thân với nhiều người, nhưng ngoảnh lại bạn thì chẳng có, chỉ toàn bè mà thôi. Rồi những người chị nghĩ là bạn thì lại tìm cách… chơi xấu chị. Đó là những ngày tháng buồn trong đời, chạy show kiếm sống hàng đêm và ngày lại ngủ vùi, khiến có lúc chị định về lại Hải Đăng, bởi dù sao thì đó mới là máu thịt của chị.--PageBreak--

Sau khi đoạt giải nhất nhạc nhẹ chuyên nghiệp, Mỹ Hạnh trở thành cộng tác viên của Đoàn Ca nhạc nhẹ TW, là ca sỹ được đi nước ngoài nhiều nhất thời gian đó. Và cũng từ những chuyến đi đó, người ta nói rằng Mỹ Hạnh nghiện ma túy. Tôi hỏi chị điều ấy, Mỹ Hạnh cười, liệu có ai tận mắt nhìn thấy Mỹ Hạnh nghiện và chích ma túy không? Nguyên nhân của những dư luận vẫn luôn bắt đầu từ sự không giấu giếm của Mỹ Hạnh.

Trong chuyến đi Nga vì thời tiết quá lạnh, chị và Thanh Lam có hút thuốc. Cộng thêm mái tóc ngắn, trang phục bụi bặm và giọng hát buồn bã nhừa nhựa trên sân khấu khiến thông tin đó càng dễ lan đi hơn. Có người nói, đoàn đã phải cho nghệ sỹ múa Lê Vi kèm cặp và giúp đỡ Mỹ Hạnh thoát khỏi tệ nạn? Mỹ Hạnh cười lớn, nếu thế thì tôi có còn là Mỹ Hạnh hôm nay được không? Tôi có nhiều chuyện buồn trong đời riêng, đã có nhiều mất mát và tổn thương, đã gặp nhiều chuyện xấu xa và đen đủi, nhưng có lẽ cái tin tôi nghiện ngập là cái tin buồn nhất. Tôi không thanh minh mình là người như thế nào. Nhưng đúng là sau những chuyện như thế, dường như không cố tình, nhưng mọi người bảo tôi hát càng buồn hơn.

2B, 20 & những niềm hy vọng

Đang trong cơn sốc nặng bởi mộng Sài Gòn đã vỡ, đang tính chuyện về lại Nha Trang thì Mỹ Hạnh gặp được người đàn ông của đời mình. Người đàn ông yêu vợ một cách đầy thiên vị này đã sẵn sàng mở một phòng trà riêng để vợ không phải bạc mặt chạy show và yên tâm ca hát. Anh có một xưởng sản xuất đồ chơi độc quyền của Disney tại Việt Nam và đêm đêm anh vẫn đến phòng trà cùng chị. Phòng trà 2B Lê Duẩn ra đời mà không hề tính đến chuyện lời lỗ, dù thời điểm nó xuất hiện đang là lúc cực thịnh của dòng nhạc thời trang. 2B chỉ hát nhạc trữ tình, tiền chiến, các ca sỹ không phải là ngôi sao và đúng gu của những người đứng tuổi.

2B cũng là phòng trà không có phép hát nhép, không hát theo đĩa thu sẵn mà ca sỹ buộc phải tập với ban nhạc, hát đều đặn từ thứ hai đến chủ nhật. Những cộng sự của chị, lớp lớn có Lan Phương, Đức Minh, Quang Minh, Thanh Hoa, lớp nhỏ có Hồ Bích Ngọc, Xuân Phú… những giọng ca phòng trà hàng đầu tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, những ngày đầu vắng khách, ế ẩm đến mức có lúc phải nghĩ đến việc đóng cửa. Nhưng dần mọi chuyện đã ổn lại. Chị lại được hát hằng đêm. Đó là hạnh phúc.

Đâu là khó khăn của chị khi kinh doanh phòng trà? Mỹ Hạnh nói, khó khăn thì chất chồng, nhưng chị cũng bớt lo vì có chồng bên cạnh. Ngày trước đi hát xong, lấy cát xê và về nhà, dù phòng trà vắng hay đông cũng vậy. Nhưng khi làm bà chủ, phải lo làm sao cho mấy chục con người và để phòng trà sống được, đó cũng là điều không dễ dàng. Hơn thế, từ vị trí đồng nghiệp lên vị trí bà chủ trả tiền cho ca sỹ, cũng là một việc khó. Làm sao để không tạo ra khoảng cách và vẫn trọn tình với nhau cũng không giản đơn.

Chị thường phải đi tìm những giọng ca mới, để rồi về "đẽo gọt" cho họ đứng cùng sân khấu với mình. Nhưng rồi, khi có chút tiếng tăm, khi nhiều lời chào mời là "từng đôi chim bay đi". Chị không hiểu nổi vì sao mà ca sỹ rất trẻ lại nói, chỉ hát trong chương trình lớn còn không hát thường xuyên. "Hình như mình là người cũ mất rồi, bởi lứa bọn mình làm ca sỹ như một cái nghiệp, được hát thường xuyên là mơ ước, là hạnh phúc. Vì đó là niềm đam mê. Còn bây giờ, nhiều ca sỹ trẻ đã coi ca hát là nghề kiếm tiền và danh tiếng. Họ chỉ hát khi có tiền mà thôi. Chính vì thế mà phòng trà 2B không bao giờ có ngôi sao".

20 năm đi hát, Mỹ Hạnh thấy mình đã sống hết mình với niềm đam mê ban đầu. Giờ thì cuộc sống tạm coi là ổn định, nhưng giọng hát của Mỹ Hạnh vẫn trầm ấm như xưa. Mỹ Hạnh tự nhận mình là người mù nhạc vì chưa từng có một trường lớp nào về ký xướng âm. Chị có thói quen tập bài theo cảm nhận của mình, rồi từ đó nghiền ngẫm để có thể hát theo tâm trạng và phong cách của mình. Đó là cách mà Mỹ Hạnh đã đi đến tận cùng của bản năng, có thể không kỹ thuật, nhưng cảm xúc lại đầy đặn hơn.

Chị có mọi thứ rồi, chắc từ nay sẽ toàn bài hát vui? Mỹ Hạnh cười, thoáng chút buồn trong mắt, có thể nói chị có cuộc sống hạnh phúc, nhưng mái ấm gia đình vẫn còn thiếu tiếng trẻ thơ. Chị cũng không còn trẻ nữa, nhưng nhiều thứ, rồi công việc cứ thế kéo chị đi. Nhưng cũng phải sinh con, không thể chậm trễ hơn nữa. Ca sỹ Phương Thanh đã  nói với chị, sang năm chị sinh con sẽ gặp hên. Và khi sinh con, Mỹ Hạnh sẽ không làm bà chủ, cũng không còn ca hát, lúc đó chị chỉ là một người mẹ mà thôi. Niềm hy vọng ấy đang lớn dần lên và chị đang chờ ngày vòng tròn hạnh phúc quay trọn vẹn

Toàn Nguyễn
.
.
.