Ca khúc và tác giả trẻ: Thiếu bản sắc Việt

Thứ Ba, 10/01/2006, 09:25

"Ca khúc và tác giả trẻ Việt Nam - thực trạng và giải pháp" là chủ đề chính trong cuộc bàn luận đầu năm mới tại Tp.HCM do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Có nhiều ý kiến, nhiều quan điểm của các nhạc sĩ nhiều thế hệ, các nhà chuyên môn, phê bình lý luận âm nhạc... được bày tỏ trong cuộc bàn luận ấy.

Nhạc sĩ trẻ - họ là ai?

Nhạc sĩ trẻ - theo nhạc sĩ Trần Xuân Tiến - Trưởng ban Văn nghệ Đài TNND Tp.HCM "định nghĩa", họ chính là bóng dáng của lớp nhạc sĩ già, nhạc sĩ đàn anh cách đây hàng chục năm trước, dù có khác nhau về bối cảnh, thời gian, lịch sử, có khác hơn về lượng và chất trong từng thể trạng, nhưng vẫn là lớp người sẽ tiếp nối vinh quang của lớp đàn anh đi trước. Nhớ lại thời trước, nhạc sĩ trẻ Văn Cao 17 tuổi đã viết "Buồn tàn thu", "Suối mơ"; Lưu Hữu Phước 22 tuổi đã viết "Hội nghị Diên Hồng", "Lên đàng"; Phan Huỳnh Điểu 20 tuổi đã viết "Đoàn vệ quốc quân", "Trầu cau"…

Nhìn công bằng, lớp nhạc sĩ trẻ hôm nay đã đóng góp khá lớn vào hoạt động âm nhạc nói chung, với một lượng ca khúc đã đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng. Lớp trẻ đã bổ sung cho lớp đàn anh phần trẻ trung, sôi động, tiết tấu hiện đại… Nhìn lại lớp nhạc sĩ lớp 5X có Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Đức Trung, Vũ Hoàng…; lớp 6X có Lê Quốc Thắng, Trần Minh Phi… Lớp nhạc sĩ này đã được xã hội công nhận và tôn vinh. Đến lớp 7X, họ có lửa, có nhiệt tình và cầu tiến, nếu bỏ đi những "râu ria", họ cũng đã có nhiều đóng góp cho đời, cho đất nước bằng âm nhạc, chẳng hạn Nguyễn Minh Châu với "Việt Nam gấm hoa"; Trần Quế Sơn với "Cõng mẹ đi chơi"; Vũ Quốc Việt với "Bóng cả", "Còn đó chút hồng phai"; Quốc An với "Cây đàn sinh viên"…

Những gì của nhạc trẻ, tác giả trẻ hiện nay đang bị lên án chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Nhạc trẻ và tác giả trẻ dưới cái nhìn của nhạc sĩ Thanh Nga, họ đang sáng tác ào ạt, ai cũng có thể làm nhạc sĩ, ai cũng có thể làm băng đĩa nhạc; các bài hát cũ và mới đan xen lẫn lộn. Nhạc trẻ Việt Nam đang ở trong một vòng xoay trước nhiều ngả rẽ mà nhạc Việt trong tương lai có phát triển hay không là quyết định của những người sáng tác trẻ hôm nay.

Ca khúc, tác giả trẻ - được và chưa được

Trước khi kết luận về thực trạng nhạc trẻ Việt những năm gần đây, nhạc sĩ Trương Quang Lục đã "thống kê" những điều đã làm được như số tác giả trẻ xuất hiện tăng vọt và khá năng động trong sáng tác; số lượng tác phẩm trong 30 năm qua khá nhiều so với trước đây, nhiều nhạc sĩ trẻ có tìm tòi và tạo được một số cái mới trong tác phẩm và vận dụng được cái hay của âm nhạc thế giới. Bên cạnh đó là những điều chưa được, chẳng hạn trong số tác giả trẻ, có nhiều người ít nắm vững chuyên môn nghề nghiệp, tác phẩm ra đời nhiều nhưng ít "thọ"; bài về tình yêu quá nhiều nhưng thể hiện theo lối mòn; thiếu bài về quê hương, đất nước, gương lao động xây dựng; bắt chước nhạc nước ngoài, thiếu sáng tạo… Danh xưng của các nhạc sĩ trẻ cũng là vấn đề đáng bàn luận mà theo nhạc sĩ Huy Phương cần phải trả lại giá trị đích thực của nó trước khi quá muộn.

Thật khó khi đổ hết trách nhiệm cho những tác giả trẻ đã có những ca khúc bị lên án với lời lẽ nặng nề. Ngay như Trần Quế Sơn, một nhạc sĩ trẻ, tốt nghiệp Nhạc viện Tp.HCM đã lên tiếng rằng: "Tôi nghĩ rằng những nhạc sĩ viết ca khúc thị trường kém nghệ thuật không có tội vì họ chỉ viết được đến đó và thế giới cũng không cấm những nhạc sĩ viết ca khúc bán chạy. Những nhạc sĩ đạo nhạc mới có tội. Nhưng tội lớn nhất làm tha hóa nền âm nhạc nước nhà là những người biên tập, những người xét duyệt cho những ca khúc ấy ra đời".

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên cũng cho rằng, bên cạnh trách nhiệm của các tác giả trẻ cũng có một phần trách nhiệm của "người lớn". Chính những người có trách nhiệm biên tập, sản xuất chương trình, xét duyệt và phổ biến các ấn phẩm âm nhạc cũng như các cơ quan truyền thông đại chúng thổi phồng quá đáng lớp trẻ cùng với những "con buôn" âm nhạc thời kinh tế thị trường đã vô tình hay cố ý đưa các bạn yếu tay nghề đến một hướng sáng tác bị xã hội lên án.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thế Bảo thì nhận định, những cái thiếu của nhạc nhẹ Việt Nam khiến nhạc nhẹ khó có thể vươn ra thế giới trong khi một số nhạc sĩ trẻ, ca sĩ đang nỗ lực tìm đường ra nước ngoài với tham vọng xuất hiện ở MTV châu Á… Tham vọng đó còn khá xa vời vì theo ông, ca khúc trẻ hiện nay thiếu yếu tố Việt, bản sắc Việt..

Hạnh Chi (ghi)
.
.
.