Ca khúc thiếu nhi: Thiếu bài hát hay

Thứ Năm, 26/05/2005, 07:17

Đời sống âm nhạc ở nước ta hiện nay nói chung chủ yếu vẫn ở lĩnh vực thanh nhạc. Đối với thiếu nhi điều này càng rõ. Chúng ta đã có rất nhiều bài hát hay trong mấy chục năm qua, góp phần dạy dỗ các em trưởng thành về tâm hồn, trí tuệ. Gần đây, do một số nguyên nhân nào đó, bài hát dành cho thiếu nhi dường như số lượng không nhiều và chất lượng thì có phần giảm sút.

Trong các hội diễn ca múa nhạc thiếu nhi hoặc học sinh phổ thông, rất ít thấy xuất hiện những sáng tác mới, hay của các nhạc sỹ chuyên nghiệp. Thường các em đưa lên sân khấu những bài hát từ ba nguồn: Một là, hát lại những bài hay, nổi tiếng, ra đời từ rất lâu vẫn còn lưu truyền đến hôm nay. Hai là, do những người sáng tác không chuyên, chủ yếu là người dàn dựng chương trình "tự biên" kịp thời "lấp chỗ trống" và cũng tiện dịp để giới thiệu mình. Ba là, một số em ở độ tuổi thiếu niên đã hát ca khúc dành cho người lớn. Việc thiếu vắng những sáng tác mới có giá trị, chất lượng đã làm nghèo nàn sinh hoạt âm nhạc của các em.

Trước đây, một số cơ quan như Ủy ban Thiếu nhi, nhi đồng Trung ương, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài phát thanh thường phối hợp tổ chức các cuộc vận động sáng tác bài hát cho thiếu nhi, do đó thu thập được nhiều tác phẩm cho các em và kích thích phong trào sáng tác. Nhưng từ năm 1979 - sau cuộc vận động của Ủy ban năm quốc tế thiếu nhi không thấy có một cuộc vận động chính thức nào. Thỉnh thoảng cũng có một vài cuộc nhưng do một số cơ quan, đoàn thể nào đó đứng ra "com-măng" một vài tác giả đã quen biết, chứ không vận động rộng rãi và chủ yếu là nhằm tuyên truyền cho cơ quan, đoàn thể, địa phương mình.

Cần thấy một điều là các cơ quan phổ biến tác phẩm âm nhạc là cực kỳ quan trọng đối với việc hấp thụ bài hát, trong đó các đài phát thanh và truyền hình có vị trí đặc biệt. Cần ghi nhận từ khi có hai phương tiện thông tin trên, rất nhiều bài hát mới đã đến được với các em. Nhưng một sự thực cũng nên được xem xét: Việc sử dụng, phổ biến những bài hát mới chủ yếu là vào những dịp kỷ niệm hoặc có những sự kiện thời sự chính trị nào đó. Còn những ngày tháng bình thường trong năm, những năm gần đây, hầu như rất ít giới thiệu tác phẩm mới.

Chúng ta đều biết mọi khái niệm về tư tưởng, đạo đức đối với các em chỉ có thể chuyển hóa thuyết phục được trong một tác phẩm âm nhạc nhờ cậy vào hiệu quả của thẩm mỹ âm nhạc. Bởi vậy, chất lượng bài hát vẫn phải được coi trọng hàng đầu. Bài hát ấy đề cập đến cái gì, biểu hiện vấn đề gì đã là quan trọng, nhưng quan trọng hơn phải là biểu hiện như thế nào, với một giai điệu, một ngôn ngữ âm nhạc ra sao.

Đối với tuổi thơ, tốt nhất là những bài hát hãy nói đến những gì gần gũi, thân thiết nhất với đời sống tâm hồn các em: Cảnh đẹp thiên nhiên, quê hương xứ sở, những quan hệ tình cảm đối với cha mẹ, ông bà, anh chị em ruột thịt, mái trường yêu dấu, các thầy, cô giáo, bạn bè. Mở rộng hơn nữa là những mơ ước về tương lai v.v...

Những khái niệm trừu tượng, từ ngữ sáo mòn sẽ xa lạ và không thể khiến các em cảm thụ. Ý tứ văn học độc đáo, lời lẽ giản dị tự nhiên, giàu hình tượng, đậm chất thơ là một yêu cầu không thể thiếu đối với việc soạn lời ca. Nhìn vào khối lượng phong phú bài hát cho các em suốt mấy chục năm qua, những bài có phần lời đạt yêu cầu trên không nhiều, ngay cả những bài có giai điệu hay, được các em truyền tụng...

Vấn đề cần thiết cấp bách cuối cùng phải đạt được: Ra đời nhiều bài hát mới, hay cho thiếu nhi. Việc ấy liên quan đến những cơ quan, đoàn thể, đến công tác tổ chức, vận động sáng tác.

Hiện nay, những cơ quan, tổ chức ấy đã dành bao nhiêu phần trăm chất xám và ngân sách cho công việc rất lớn lao, nhiều ý nghĩa đang bàn

Nguyễn Đình San
.
.
.