Buồn cười đến khóc được

Thứ Ba, 06/12/2005, 07:24

Đã nói chuyện học là nói đến sách giáo khoa. Sách giáo khoa là nội dung đào tạo, là chuẩn mực cho việc dạy và học. Sách giáo khoa càng ít thay đổi thì nội dung giảng dạy càng ổn định. Nghĩa lý và tri thức giảng dạy trong nhà trường không bị xáo trộn thì nền nếp, kỷ cương xã hội mới bền vững.

Khổng Tử là một nhà giáo dục vĩ đại thời cổ đại của Trung Hoa, sự nghiệp giáo dục của ông đã hình thành  hẳn một hệ thống triết học, đó là Nho học. Để làm được điều này, Khổng Tử đã dày công xây dựng bộ sách giáo khoa gồm 9 cuốn, có cuốn hàng trăm trang nhưng có cuốn chỉ vài chục trang, đời này truyền đời khác, qua nghìn năm chỉ có vài lần sách được học trò của ông mang tu chỉnh mà thôi. Cô đúc nhưng lại rộng đường cho sự sáng tạo khi dạy, “tứ thư, ngũ kinh” là bộ sách giáo khoa mẫu mực, bao đời nay chữ nghĩa phái Nho gia dù có thêm thiên kinh vạn quyển, vẫn không cuốn nào vượt được chưa nói là phản được sách “Thánh hiền”.

Ngay ở Việt Nam ta, vào giữa thế kỷ XX cũng đã có những bộ sách giáo khoa dùng mấy chục năm không đổi, vài ba thế hệ trong nhà cùng học một bài, nhiều người nay đã bảy tám mươi tuổi vẫn còn thuộc lòng nhiều câu thơ trong sách giáo khoa thuở thiếu thời.

Để có những bộ sách như thế cần những học giả lớn, những nhà sư phạm mẫu mực, tâm huyết với nghề giáo và cần một hội đồng duyệt sách đủ năng lực. Sách đã được duyệt thì ai in cũng được, chỉ cần hình thức đẹp, nội dung trung thành với bản gốc (giờ thì chỉ Nhà xuất bản Giáo dục độc quyền, nơi khác in dù thế nào cũng là sách lậu, vô lý thật!). Sách in từ những năm trước hay mới in giá trị như nhau, biết giữ gìn thì một cuốn sách dùng hàng chục năm, tiết kiệm nhiều tiền của cho xã hội (giờ ở ta sách dùng năm một, học xong là mang bán cân, nhà nghèo bạc mặt lo sách cho con, lãng phí hàng trăm tỉ đồng của dân mỗi năm, cũng vô lý thật!). Có tình trạng này là bởi nội dung giáo dục thay đổi luôn, chất lượng sách không tương xứng với yêu cầu dạy và học, tình trạng độc quyền trong các lĩnh vực kinh tế giáo dục (mỗi năm in sách giáo khoa và sản xuất đồ dùng dạy học lãi cả nghìn tỉ) và nhiều nguyên nhân khác nữa. Nhưng còn một nguyên nhân, đó là…

Tình trạng dốt nát và vô trách nhiệm của người soạn sách, nhất là các sách “đi kèm” (sách hướng dẫn dạy và học, sách tham khảo…) đã đến mức không thể ngồi yên.

 Chúng ta là nhà văn, vậy nên bàn đến sách văn. Lâu nay các lỗi trong sách giáo khoa  tiếng Việt và Văn đã được một vài người nhặt sạn. Đúng là người nhặt sạn không phải lúc nào cũng là người có học hành bài bản, có tư duy hệ thống, có thái độ đúng mực nhưng khi đến 80% những hạt sạn người ta nhặt ra là đúng thì cũng cần bình tĩnh tiếp thu mà sửa. Và sự sửa ấy tuy chậm chạp nhưng đã có, thế là điều mừng, không chỉ cho nhà giáo mà cho cả nhà văn.

Đã tưởng thế là ổn, không ngờ gần đây giới báo chí phanh phui ra cơ man nào những cuốn sách học thêm, sách hướng dẫn học văn, dạy văn… bất chấp văn bản, coi thường nhà văn và người đọc. Bị chìm trong một thị trường mênh mông những quyển sách lá cải khó có ai tự tìm đọc cho hết các sách nên phải cảm ơn công sưu tầm của các nhà báo. Một bài báo có tên là “Sách tham khảo văn học: Kinh dị” trên báo Công an nhân dân đã khiến mọi nhà văn phải… kinh hoàng.

Theo bài báo này, trong một cuốn luyện thi môn Văn THCS, các tác giả giải thích “chăn sui” (chăn làm bằng vỏ cây sui) là chăn… thổ cẩm (một thứ vải dệt thủ công của đồng bào nhiều dân tộc thiểu số) còn núi Ba Vì được chú thích là ở Lạng Sơn. Một cuốn sách khác giải thích câu Kiều “Cỏ non xanh rợn chân trời…” là “Cảnh xác xơ của mùa xuân trong mắt Thúy Kiều” và bình luận “Bài ca ngất ngưởng” là tâm thế “nép mình bên cửa Phật từ bi của… Nguyễn Công Trứ (?!).

Một bài báo và không chỉ một bài báo như thế. Một vài lỗi và còn hàng trăm lỗi như thế. Thật là khôi hài, khôi hài như “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái” (Nguyễn Khuyến) được giải thích đại khái là “những bông hoa nở trên giậu từ năm ngoái tuy đã khô nhưng vẫn chưa rụng” vậy. Nhưng cười rồi mà muốn khóc. Khóc vì văn chương bị quăng quật xô bồ, bị lợi dụng để kiếm ăn đến vậy mà  vẫn không ai lên tiếng bảo vệ các nhà văn. Muốn khóc vì cái sự học, cái sự kiếm ăn bằng nghề dạy người bây giờ sao mà suy vi thế

.
.
.