Vấn đề của các ĐTQG Việt Nam:

Bóng đá “xấu xí “

Thứ Tư, 27/10/2010, 10:17
CAND từng hơn một lần đề cập tới tình trạng "bóng đá xấu xí" ở ĐTVN và ĐT Olympic Việt Nam thời gian qua. Thứ bóng đá mà ở đó cầu thủ của chúng ta phạm lỗi triền miên, và cũng vì thế phải "ăn" thẻ triền miên. Nhưng xem ra căn bệnh xấu xí ấy không chỉ diễn ra ở ĐTVN và ĐT Olympic VN, mà đang lan rộng sang những đối tượng khác nữa.
>>Ai phạt “thẻ đỏ” cho… thẻ đỏ?

Mới đây, ở giải U.21 Báo Thanh Niên, chính những khán giả Việt Nam ngồi ở sân Thống Nhất cũng đã phải phẫn nộ trước phong cách chơi bóng của ĐT U.19 Việt Nam trong chiến thắng 2-1 trước U.21 Singapore.

Phẫn nộ là vì trong suốt 90 phút của trận đấu, có rất nhiều thời điểm cầu thủ U.19 Việt Nam bỏ bóng đá người, và đá theo đúng hình ảnh của những cú kungfu điển hình. Kết quả là cầu thủ U.21 Singapore đã liên tục phải nằm sân, và sau đó đã có những chấn thương rất nặng được xác định.

Ở đây phải thấy rằng giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên xét cho cùng chỉ là một giải đấu mang tính giao hữu. Ở một giải đấu giao hữu như vậy mà các cầu thủ trẻ Việt Nam còn "bốc hỏa", và còn thể hiện một thứ bóng đá xấu xí phản cảm cực độ thì ở những giải đấu chính thức, không biết là vấn đề sẽ bị đẩy xa tới cỡ nào.

Quá xấu hổ với kiểu "bỏ bóng đá người" của các học trò, nên buổi tối ngày diễn ra trận đấu, HLV Triệu Quang Hà cùng Trưởng đoàn Trương Hải Tùng đã phải họp khẩn, để từ đó gửi tới U.21 Singapore cùng người hâm mộ cả nước một lời "xin lỗi". Có thể tin rằng sau lời "xin lỗi" ấy, hình ảnh của ĐT U.19 sẽ khác đi.

Nhưng vấn đề đặt ra là: Vì sao chỉ trong một thời gian rất ngắn mà từ cấp độ U.19, Olympic cho đến cấp độ ĐTQG, BĐVN lại thể hiện một bộ mặt chém đinh chặt sắt đến như vậy? Có phải vì bây giờ mục tiêu giành chiến thắng được đặt lên cao hơn tất thảy, và người ta sẵn sàng bất chấp tất cả để biến mục tiêu ấy thành sự thực? Và có phải khi thấy những đàn anh của mình ở ĐTQG không ngại ngần chơi xấu thì những đàn em cũng sẵn sàng đá xấu theo anh?

Nên nhớ rằng bóng đá không chỉ đại diện cho một đất nước ở phạm trù thể thao, mà ở một góc độ nào đó, nó còn đại diện cho một đất nước ở góc độ "hình ảnh" nói chung. Thế nên chúng ta không thể vô cảm, và không thể chấp nhận cái thứ bóng đá “xấu xí" đang được các ĐTQG thi triển một cách có hệ thống nói trên.

Có lẽ, hơn lúc nào hết, vấn đề "tư tưởng cầu thủ" phải được VFF đặc biệt lưu tâm

Diệp Xưa
.
.
.