Bóng đá Việt Nam và câu chuyện ngày cuối năm 2013: Cầu thủ tiêu biểu tuổi 19

Thứ Ba, 28/01/2014, 09:21
Trước khi viết bài báo cuối cùng của năm 2013, một câu hỏi cứ cắc cớ vang lên trong tôi: rốt cuộc thì sự kiện nào của nền bóng đá trong 365 ngày qua là đáng nói, đáng viết, đáng chiêm nghiệm hơn tất cả?

BLV gạo cội Ngô Quang Tùng nhắc nhở: "Năm nay bóng đá không có dù chỉ 1 cầu thủ trong danh sách 10 VĐV thể thao tiêu biểu đâu nhé". Rồi anh Tùng bảo: "Ở một đất nước mà bóng đá là mối quan tâm số 1, là tình yêu, là sự đau khổ của không biết bao nhiêu con người mà lại diễn ra tình trạng này thì lạ thật". Hỏi ngược anh Tùng: "Nếu buộc phải chọn một cầu thủ trong năm, anh sẽ chọn ai?". Câu trả lời: tiền đạo Công Phượng của ĐT U.19.

Anh Tùng chia sẻ rằng mình không chỉ yêu đôi chân giàu kĩ thuật của Phượng mà còn rất yêu hình ảnh một Công Phượng bẽn lẽn, ít nói, ít giao tiếp trong gần như mọi cuộc tiếp xúc mà anh chứng kiến. Dễ thấy là ở một làng bóng với không biết bao nhiêu toan tính, bao nhiêu mưu ma chước quỉ thì hình ảnh một ĐT U.19 trong trẻo - một Công Phượng trong trẻo, hồn nhiên như tờ giấy trắng luôn có thể tạo ra một ấn tượng, một sự  rung cảm lớn lao.

Nhưng sau những rung cảm ấy, người ta lại phải đặt ra câu hỏi: Thế hệ U.19 của Công Phượng bây giờ rồi sẽ đi tới đâu? Trong hiện tại, họ sẽ đi sang Anh, sang Bỉ tập huấn dài ngày. Trong tương lai ngắn, họ sẽ gánh vác nhiệm vụ phải giúp BĐVN lọt vào top 4 VCK U.19 châu Á, qua đó giành vé dự VCK World Cup U.20 thế giới vào năm sau. Còn trong tương lai dài, tương lai xa, họ hoặc sẽ được bán cho một CLB nước ngoài (nếu đáp ứng được những đòi hỏi về năng lực), hoặc sẽ khoác áo Hoàng Anh Gia Lai chinh chiến ở đấu trường V.League (nếu HA.GL thấy đó là điều cần thiết). Và nếu nhìn một cách bao quát như thế, có thể thấy rằng "đường ra" của lứa U.19 hiện nay sáng láng hơn so với thế hệ đàn anh của mình rất, rất nhiều.

Tiền đạo Công Phượng của đội tuyển U.19.

Trong quãng thời gian làng bóng Việt nói nhiều đến triển vọng của lứa U.19 thì vẫn ở đây, ở xứ sở này lại diễn ra một nỗi buồn mênh mang mang tên Nguyễn Thái Sung. Ai cũng biết, năm 2009, Thái Sung là cầu thủ trẻ Việt Nam duy nhất nhận được học bổng đào tạo 3 năm của Học viện đào tạo Aspire (Qatar), và năm 2012, Thái Sung đã có những trận đấu rất tưng bừng trong màu áo ĐT U.19 Việt Nam tại giải vô địch U.19 Đông Nam Á. Thế nhưng, bây giờ thì niềm hy vọng một thời này lại không được CLB chủ quản SHB Đà Nẵng đăng ký thi đấu ở sân chơi V.League. Một phần vì Thái Sung bị chấn thương, nhưng phần nhiều, phần quan trọng nhất là "Sung được đào tạo bởi một triết lý bóng đá hiện đại, và triết lý ấy không phù hợp với các đội bóng Việt Nam" như lời cha em tiết lộ với truyền thông. Bất luận đấy là một nhận xét chính xác hay phảng phất màu sắc cảm tính thì cũng không thể không thấy rằng từ "cái mầm hy vọng" ngày xưa, Thái Sung đã và đang có nguy cơ trở thành một "cái cây cô độc".

Liệu câu chuyện của Thái Sung có lặp lại với Công Phượng và thế hệ U.19 của Công Phượng hiện nay? Liệu nếu vì một lý do nào đó mà bị tách khỏi tập thể U.19, giống như Thái Sung bị tách khỏi triết lý đào tạo của Học viện Aspine thì những cầu thủ như Công Phượng có trở nên đơn độc? Không ai mong câu trả lời là "có", nhưng đấy lại là một thực tiễn cần phải tính toán cho thấu đáo nên không muốn lãng phí những hạt mầm tốt mà chúng ta đang có.

Tôi đồng ý với anh Ngô Quang Tùng là trong một năm mà bóng đá Việt Nam đã phải chứng kiến quá nhiều ảm đạm thì một ĐT U.19 hồn nhiên, trong trẻo đã giúp chúng ta gỡ gạc lại rất nhiều cảm xúc. Và nếu phải chọn một cầu thủ của năm thì có lẽ chúng ta nên chọn một cầu thủ tiêu biểu của ĐT U.19 như Công Phượng.

Bây giờ, nếu có một điều ước thì tôi ước là 5, 7 năm tới đây nếu lại ngồi cùng nhau trong những ngày cuối năm để cùng chọn "một cầu thủ của năm" thì cái tên Công Phượng vẫn vang lên trong đầu óc chúng tôi giống như một cái tên của hiện tại, chứ không phải một cái tên của một thời quá khứ đã qua rồi!

Cả ta và người đều kỳ vọng lớn

Hơn bao giờ hết, bóng đá Việt Nam tin tưởng và kỳ vọng ĐT U.19 Việt Nam phải lọt vào top 4 VCK U.19 châu Á 2014, qua đó giành vé dự VCK U.20 thế giới năm 2015. Nhưng nên nhớ là xưa nay các ĐT U.16, U.19 Việt Nam cũng từng đá hay, đá tưng bừng ở vòng loại, song cứ vào đến VCK là lại chơi không như ý.

Ở góc độ khác, phải thấy rằng VCK U.19 châu Á năm nay, bên cạnh sự chuẩn bị dài hơi của những ĐT U.19 thuộc những nền bóng đá giàu sức mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, ngay cả những ĐT U.19 trong "cái ao" Đông Nam Á cũng đang đặt quyết tâm đặc biệt. U.19 Myanmar có lợi thế chủ nhà, còn U.19 Indonesia - đội bóng đã đánh bại U.19 Việt Nam ở trận chung kết giải vô địch U.19 Đông Nam Á cũng đang được một nhà tài phiệt Indo tài trợ kinh phí để đi tập huấn nhiều tháng ở châu Âu.

Rõ ràng là ta kỳ vọng, chuẩn bị thì những đối thủ của ta cũng đã kỳ vọng, chuẩn bị rất nhiều.

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.
.