Bóng đá Việt Nam nhìn từ những buổi tổng kết mùa giải: Thượng đế cũng phải cười

Thứ Ba, 01/10/2013, 11:53
Lễ tổng kết mùa giải 2013, bóng đá Việt Nam nóng ran hai câu chuyện: chuyện trọng tài và chuyện các đội bóng không được mua - bán suất chơi chuyên nghiệp như trước nữa. Nhìn vào hai chuyện ấy nhiều người lập tức nhớ đến nhan đề một bộ phim hài nổi tiếng: “Thượng đế cũng phải cười”.

Như Báo CAND đã đề cập, người đề nghị phải cải tổ, phải cách mạng công tác trọng tài chính là ông bầu Đoàn Nguyên Đức. Ông Đức còn xa gần, bóng gió cho biết mình rất muốn ngồi vào ghế Trưởng ban trọng tài. Vấn đề ông Đức đặt ra có đúng không? Đúng quá đi chứ, bởi quả tình V.League và giải hạng Nhất 2013 liên tiếp xảy ra những nghi án trọng tài, từ những nghi án chuyên môn, đến những nghi án ngoài chuyên môn. Những nghi án mà với nó và vì nó, hai lãnh đạo Ban Trọng tài thậm chí đã bị “tạm đình chỉ” để “phục vụ công tác điều tra” theo đúng từ ngữ xuất hiện trong công văn của VFF.

Điều đáng nói nằm ở chỗ, trong lễ tổng kết mùa giải 2 năm trước thì cựu bầu Nguyễn Đức Kiên – người được cho là có tư tưởng và phương châm hành động giống bầu Đức cũng đã kịch liệt lên án vấn đề trọng tài và đòi làm… cuộc cách mạng trọng tài. Chính vì đòi hỏi quyết liệt của bầu Kiên mà cái Hội đồng trọng tài tồn tại nhiều năm mới bị giải thể, và một hình thức, một cơ chế quản lý, điều hành trọng tài thực sự mới mẻ đã được khai sinh. Có nghĩa là vấn đề bầu Đức nói bây giờ cũng giống hệt với vấn đề bầu Kiên đã nói 2 năm về trước. Sự khác biệt có chăng chỉ nằm ở cách nói, ở thời điểm nói, ở tư thế nói mà thôi. Và như thế cũng có nghĩa là sau 2 năm cuộc cách mạng trọng tài không những không giúp vấn nạn trọng tài được giải quyết, mà còn đẩy vấn đề tới chỗ nặng nề, trầm kha hơn.

Lễ tổng kết mùa giải 2013: con người cũ- vấn đề cũ.

Vẫn ở lễ tổng kết mùa giải năm nay, trong khi bầu Đức tổng công kích chuyện trọng tài thì PCT VFF Lê Hùng Dũng lại tổng công kích chuyện mua – bán suất chơi V.League. Ông Dũng nói rằng với tình trạng CLB Kienlongbank Kiên Giang đang đói kém kinh tế, đứng trước nguy cơ không đủ điều kiện tham dự V.League 2014, đã có một số đội bóng hạng Nhất ngỏ ý muốn mua lại suất chơi V.League của Kiên Giang. Ông Dũng một mặt phê phán kịch liệt chuyện mua – bán, một mặt cho biết mọi sự mua – bán (nếu có) phải diễn ra trước tháng 12 năm 2013, bởi sau đó bóng đá Việt Nam cần phải đoạn tuyệt hoàn toàn với vấn nạn này.

Nghe những điều này, người ta không thể không nhớ đến vụ CLB Hải Phòng đã mua lại suất chơi V.League của Khánh Hoà cuối mùa giải năm ngoái. Đấy là một trong những vụ mua bán sốc nhất và ngoạn mục nhất trong lịch sử các vụ mua bán của bóng đá Việt Nam. Ngay sau phi vụ ấy dàn lãnh đạo VFF và VPF đã khẳng định đó là vụ mua bán cuối cùng. Đã khẳng định rõ ràng chắc nịch như thế, hà cớ gì bây giờ lại lo ngại chuyện sẽ có đội mua suất V.League của Kiên Giang? Chỉ có hai khả năng xảy ra: Hoặc là người ta đã sớm quên tất cả những gì mình khẳng định, hai là người ta không quên mà chẳng qua đang lèo lái vấn đề theo một cách nào đó để đạt một mục đích sâu xa nào đó?

Chuyện trọng tài, chuyện mua – bán suất chơi V.League, nó là những chuyện thuộc vào dạng cũ và rất cũ của bóng đá Việt Nam. Cái chuyện vốn đã được bàn đi bàn lại, thậm chí đã được khẳng định, được đóng chốt, thế mà bây giờ lại vẫn lôi ra (hoặc buộc phải lôi ra) để xem xét bàn bạc lại. Nhìn một cách tổng quan hơn, sau lễ tổng kết mùa giải năm nay, một tờ báo dẫn lời một đại biểu đề nghị phải xây dựng lại nền bóng đá Việt Nam. Xin mở ngoặc: Cứ sau một mùa giải, hoặc sau phần lớn các kỳ SEA Games, AFF Cup không như ý là chúng ta lại kêu gọi như thế. Kêu gọi nhiều tới mức cái cụm từ “xây dựng lại nền bóng đá” thậm chí còn tạo ra sự phản cảm, ức chế với rất nhiều fan hâm mộ.

Mất tiền bạc, thời gian, công sức để tổ chức lễ tổng kết mùa giải, rồi tổ chức hội nghị nọ hội nghị kia chỉ để bàn bạc thảo luận những vấn đề vốn đã được bàn bạc thảo luận không biết bao nhiêu lần trước đó  – bóng đá nhà ta khiến cho “thượng đế cũng phải cười” là vì vậy đấy!

Diệp Xưa
.
.
.