Giấc mơ World Cup bất ngờ rộng mở:

Bóng đá Việt Nam liệu đã sẵn sàng?

Thứ Bảy, 26/12/2020, 07:36
World Cup luôn là giấc mơ của mọi nền bóng đá và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Giấc mơ đó càng trở nên gần hơn khi FIFA triển khai kế hoạch tăng số đội tham dự của cả World Cup nam và nữ. Tuy nhiên biến mơ ước thành hiện thực chưa bao giờ là một câu chuyện dễ dàng.

Bước đi táo bạo của FIFA và cơ hội cho Việt Nam

Bóng đá Việt Nam từng hai lần góp mặt ở sân chơi mang tên World Cup. Ở nội dung futsal, tuyển Việt Nam vượt qua Nhật Bản để có vé dự World Cup Futsal 2016. Trong khi đó ở sân 11 người, U20 Việt Nam cũng khiến tất cả phải thán phục với việc giành quyền tới U20 World Cup 2017.

Dẫu vậy, World Cup dành cho các đội tuyển nam, nữ quốc gia vẫn là điều mà tất cả vẫn còn phải mòn mỏi chờ đợi.

Với bóng đá nam, mọi chuyện rõ ràng rất khó khăn. Trong khi đó, bóng đá nữ từng đến được rất gần mục tiêu nhưng rồi thất bại cay đắng trước Thái Lan ở trận play-off World Cup 2015.

Bóng đá nữ Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn với nhóm “ngũ đại” của châu Á.

Tuy nhiên việc FIFA quyết định thay đổi quy mô của cả World Cup nam và nữ sẽ mở ra cơ hội lớn cho bóng đá Việt Nam.

Cụ thể, ở giải của nam, kể từ World Cup 2026, FIFA sẽ tăng số đội từ 32 lên thành 48. Điều này giúp châu Á có 8,5 suất, thay vì 4,5 suất như trước đây.

Còn với bóng đá nữ, World Cup 2023 sẽ diễn ra với sự góp mặt của 32 đội, tăng thêm 8 đội so với giải đấu trước. Trong buổi họp diễn ra vào ngày 24/12, FIFA cũng quyết định điều chỉnh số suất tham dự của châu Á từ 5 lên thành 6 suất trực tiếp và 2 suất play-off.

Số suất tăng lên đồng nghĩa cơ hội cho bóng đá Việt Nam cũng tăng theo. Tuy nhiên con đường đến với World Cup vẫn còn đó vô vàn thử thách.

Từ sự đứt gãy thế hệ của bóng đá nam…

Trong thời gian qua, lãnh đạo VFF nhiều lần khẳng định sẽ tập trung đầu tư cho lứa cầu thủ sinh từ năm 1999 trở về sau (các đội U22, U19, U16 hiện tại), bởi đây được xác định sẽ là lực lượng nòng cốt của ĐT Việt Nam cho chiến dịch giành vé tham dự World Cup 2026.

Đó là tính toán hoàn toàn đúng đắn của những nhà hoạch định chiến lược, tuy nhiên nếu nhìn vào thực tế thì câu chuyện lại khá đáng lo. Giữa ĐT Việt Nam và lứa kế cận đang không có được sự kế thừa cần thiết, báo động một sự đứt gãy thế hệ có thể nhìn thấy rõ.

Nhìn vào danh sách tập trung U22 Việt Nam trong tháng 12 này, không có bất cứ cầu thủ nào từng tham dự SEA Games 30. Cả Văn Hậu và Văn Toản đều được lựa chọn cho ĐTQG. Ngoài hai cái tên này, những cầu thủ thuộc độ tuổi U22 ở ĐT Việt Nam lần này cũng chỉ còn có Hai Long và Việt Anh.

Đó thực sự là vấn đề lớn với bóng đá Việt Nam vào lúc này. Các cầu thủ ở đội U22 Việt Nam được thi đấu nhiều ở V.League như Mai Xuân Quyết, Dụng Quang Nho là rất ít. Số còn lại chủ yếu phải ngồi dự bị ở CLB, hoặc vật lộn ở giải hạng Nhất, hạng Nhì.

Điều này rất khác so với 2 năm trước, khi ĐT Việt Nam gần như là một phiên bản mở rộng của U23 Việt Nam, với việc có tới 15 cầu thủ ở độ tuổi U23 ở chức vô địch AFF Cup 2018.

Nhìn xa hơn xuống lứa kế tiếp, U19 Việt Nam cũng từng gây thất vọng lớn ở giải U19 Đông Nam Á 2019 khi bị loại từ vòng bảng. Đoàn quân của HLV Hoàng Anh Tuấn thậm chí còn không thắng nổi U19 Campuchia.

Với đội U16 Việt Nam, việc không giành được vé tham dự giải U16 châu Á cũng có thể coi là một tín hiệu đáng lo, dẫu cho các cầu thủ được thi đấu vòng loại ngay trên sân nhà.

Rõ ràng sau thế hệ của những Công Phượng, Quang Hải, bóng đá Việt Nam đang gặp phải bài toán nan giải về lực lượng kế cận. Và điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn tới sức mạnh của ĐTQG trong tương lai.

…cho đến câu chuyện của bóng đá nữ

Với bóng đá nữ châu Á, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc luôn luôn nằm ở nhóm dẫn đầu và 5 suất tham dự World Cup khó thoát khỏi tay họ. Thái Lan hay Việt Nam chỉ có cơ hội mơ đến World Cup khi Triều Tiên bị cấm tham dự.

Việc châu Á được tăng từ 5 suất lên thành 6 suất trực tiếp và 2 suất play-off giúp mở ra cơ hội cho nhiều đội tuyển. Tuy nhiên 5 suất gần như đã có chủ và các đội bóng nằm ngoài nhóm “ngũ đại” nói trên sẽ chỉ có thể hi vọng vào 1 suất trực tiếp còn lại và 2 suất play-off.

Tuy nhiên nếu vội nhận định cuộc chiến cho tấm vé trực tiếp còn lại chỉ gói gọn giữa Việt Nam và Thái Lan sẽ là một sai lầm.

Theo quan điểm của HLV Mai Đức Chung, cả Đài Loan (Trung Quốc), Uzbekistan, Jordan hay Iran cùng đều có sự đầu tư mạnh mẽ và chắc chắn sẽ trở thành những đối thủ đáng gờm.

“Việc World Cup nữ tăng số đội tham dự là cơ hội cho tất cả các đội, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Các nước khác họ cũng quan tâm, đầu tư rất lớn. Thái Lan đã từng đi World Cup rồi nhưng họ vẫn tiếp tục đầu tư. Rồi đến Đài Loan (Trung Quốc), Uzbekistan, Iran, Jordan… tất cả những đội đó đều đang cố gắng phấn đấu để có lần đầu tiên tham dự World Cup. Bởi thế sự cạnh tranh là rất lớn”.

Người hâm mộ Việt Nam đang mang trong mình nhiều mộng mơ về sân chơi World Cup sau những thay đổi của FIFA. Nhưng rõ ràng để biến giấc mơ thành hiện thực sẽ là điều không dễ dàng.

“Thành Rome không thể xây trong một ngày” và chắc chắn muốn góp mặt ở sân chơi World Cup, những người làm bóng đá Việt Nam sẽ còn phải nỗ lực hơn rất nhiều lần.

Vòng play-off liên lục địa của World Cup nữ diễn ra như thế nào?

Sẽ có 10 đội tham dự vòng play-off để giành 3 vé. Trong đó, châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ & Caribe, Nam Mỹ đều có 2 suất, còn châu Âu và châu Đại Dương mỗi khu vực có 1 suất.

10 đội bóng được chia thành hai nhóm theo bảng xếp hạng FIFA. Nhóm hạt giống gồm 4 đội có thứ hạng cao hơn (hạt giống 1,2,3,4) và nhóm không hạt giống.

Mỗi khu vực sẽ chỉ có 1 đội được vào nhóm hạt giống. Các đội được bốc thăm chia thành 3 bảng, đấu loại trực tiếp để chọn 1 đội xuất sắc nhất. Hai đội cùng châu lục không được phép nằm cùng bảng.

Bảng 1 gồm 3 đội, hai đội không hạt giống sẽ đấu loại trực tiếp, đội thắng sẽ gặp đội hạt giống số 1.

Bảng 2 gồm 3 đội, hai đội không hạt giống sẽ đấu loại trực tiếp, đội thắng sẽ gặp đội hạt giống số 2.

Bảng 3 gồm 4 đội, đội hạt giống số 3 và 4 sẽ được bốc thăm để đấu với hai đội không hạt giống. Sau đó hai đội thắng sẽ gặp nhau để giành vé.

An Khánh
.
.
.