Bóng đá Việt Nam: Hết thời sao nhập tịch?

Thứ Ba, 08/10/2013, 11:28
Cái tin thủ thành Phan Văn Santos đang bị một CLB hạng Nhất “phớt lờ” khiến người ta không thể không suy nghĩ đến số phận của những cầu thủ nhập tịch nói chung trong dòng chảy bóng đá Việt thời nay.

Phan Văn Santos là ai? Xin thưa ngay: là thủ thành người gốc Brazil, có cái tên Brazil là Fabio Santos. Với cái tên ấy, thủ thành này đã gắn bó với hai chức vô địch QG của CLB Đồng Tâm.Long An, và được nhìn nhận như một đứa con cưng của HLV danh tiếng Henrique Calisto. Năm 2008, khi Santos chính thức nhập tịch Việt Nam, và khi ông Calisto cũng nhiếp chính ở ĐTVN thì “Tốt” đã  nghiễm nhiên chiếm vị trí thủ thành số 1 trong màu áo Tuyển.

Hồi ấy ông Calisto ưu ái, tin dùng Santos tới độ nhiều thủ thành tài năng người Việt luôn đinh ninh minh viễn rằng mình chỉ là cái bóng cho Santos. Và cũng chính bởi sự đinh ninh minh viễn ấy mà đã có người xin rút khỏi ĐT với lý do… con ốm (?). Ít ai ngờ là đến Cúp bóng đá TP Hồ Chí Minh – một giải đấu tập huấn trước thềm AFF Suzuki Cup 2008, thì Santos lại mắc những sai lầm chết người, “góp phần” tạo nên 2 bàn thua không đáng có trong trận đấu với ĐT Turkmenistan, và sau giải đấu ấy thì chính Santos cũng xin rút, khỏi ĐT với lý do… vợ đẻ. Ông Calisto đã tức điên với kiểu xin rút mà ông cho là “thiếu ý thức, tinh thần trách nhiệm”, và đã để lại một câu nói nổi tiếng: “Tôi sẽ không bao giờ gọi cậu ấy vào ĐTQG”.

Cả cầu thủ ngoại lẫn cầu thủ ngoại nhập tịch đều không còn được trọng dụng như xưa. Ảnh: H.M.

Cuộc đời ĐT của Phan Văn Santos không thành công, nhưng ai cũng tin là cuộc đời CLB của anh vẫn đầy sáng láng. Nhưng kỳ thực thì từ năm 2009 đến nay, trải qua các CLB như Navibank Sài Gòn, Bình Dương, phong độ của Santos cứ tỷ lệ nghịch với độ béo phì của cơ thể. Kết quả là kết thúc V.League 2013, anh đã không được Bình Dương trọng dụng. Nghe đâu “Tốt” đang  muốn về đầu quân cho một đội bóng hạng Nhất – nơi được đánh giá là vừa tầm với mình hơn, nhưng trong thời buổi kinh tế khốn khó hiện nay thì ý muốn ấy gần như không trở thành hiện thực.

Ai cũng biết “Tốt” chính là cầu thủ nhập tịch đầu tiên ở làng bóng Việt Nam. “Tốt” cũng chính là cầu thủ nhập tịch tên tuổi nhất và tài năng nhất mà bóng đá Việt Nam có được. Một cầu thủ cỡ Phan Văn Santos còn đối diện với nguy cơ thất sủng thì nhiều cầu thủ nhập tịch khác, trong đó có những cái tên “hot” như Huỳnh Kesley, Đinh Hoàng Max, Hoàng Vissai, Nguyễn Hoàng Helio… hiện đang thất sủng cũng chẳng phải là điều gì quá bất ngờ. Điều đáng bàn nằm ở chỗ, điều gì đã khiến các cầu thủ nhập tịch từ đỉnh cao rơi tõm xuống vực sâu sau chưa đầy 5 mùa giải?

Thứ nhất, thực tế cho thấy những đội bóng sử dụng ồ ạt các cầu thủ nhập tịch như Ninh Bình, Bình Dương, Xi Măng Xuân Thành Sài Gòn (đã giải thể) đều là những đội bóng bấp bênh, không có tính bền vững cao. Có lẽ do mỗi một cầu thủ nhập tịch là một cá tính, và việc dung hoà những cá tính quá mạnh mẽ đó để hình thành một tập thể nền nếp, quy củ là điều không tưởng. Thứ hai, bản thân các cầu thủ nhập tịch sau khi được nhập tịch phần lớn đều sa sút phong độ so với chính mình trước đó.

Theo lý giải của các chuyên gia bóng đá thì có thể việc được coi như một cầu thủ nội, và không phải cạnh tranh 1 trong 3 suất thi đấu chính thức với các cầu thủ ngoại khiến các cầu thủ này tự đánh mất ý thức tập luyện, trui rèn bản thân. Và thứ ba, cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài khiến nhiều đội bóng Việt Nam không còn sẵn tay vung tiền chi trả cho cầu thủ ngoại và cầu thủ nhập tịch như trước nữa. Lúc này, ngoại trừ một vài đội bóng nhà giàu hiếm hoi như Bình Dương hay HN.T&T, các đội bóng còn lại hoặc tận dụng nguồn cầu thủ trẻ địa phương, hoặc chủ trương mua các cầu thủ nội vừa ổn định  về chất lượng vừa hợp lý về giá cả.

Cách đây vài năm, khi phong trào nhập tịch đang bùng phát và cả giá trị lẫn giá cả của cầu thủ nhập tịch đều ở giai đoạn “đỉnh đương”, VFF đã lo sợ sự xuất hiện ồ ạt của các cầu thủ dạng này sẽ làm hỏng cơ hội cạnh tranh của các cầu thủ Việt. Thế nên hồi ấy VFF từng có ý định đề nghị mỗi CLB được chỉ được đưa ra sân một số lượng hạn chế các cầu thủ nhập tịch, nhưng quy định ấy đã bị  các CLB “đánh” dữ dội vì cho rằng như vậy sẽ vi phạm đến “quyền lao động của công dân”. Bây giờ thì có lẽ VFF không còn phải lo lắng như trước nữa, vì bây giờ phần lớn các CLB cũng đang ngán ngẩm với việc sử dụng và trọng dụng những ông “Tây” nhập tịch.

Đúng là không ai ngờ được chỉ sau chưa đầy 5 năm, số phận các cầu thủ nhập tịch đã rơi từ đỉnh xuống vực như lúc này!

Diệp Xưa
.
.
.