Bóng đá Việt Nam: Cải tổ để phát triển

Thứ Hai, 24/01/2005, 08:55
Với lời xin lỗi người hâm mộ của Chủ tịch Mai Liêm Trực, án kỷ luật của một số quan chức đứng đầu Liên đoàn và cuộc "chuyển giao quyền lực" từ Tổng Thư ký cũ Phạm Ngọc Viễn sang ông Phan Anh Tú, bóng đá Việt Nam đã khép lại quá khứ…

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (LĐBĐVN), một ủy viên đã ví von những sự cố diễn ra trong thời gian gần đây giống như "cơn sóng thần" đổ bộ vào Liên đoàn, để rồi khi nhìn lại, tất cả đều tan hoang, đổ vỡ và quá bộn bề công việc phải giải quyết cấp bách.

Rõ ràng, với những gì đã xảy ra, LĐBĐVN bắt buộc phải đối diện với nhu cầu cải tổ, để đáp ứng được trách nhiệm lèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam mà người hâm mộ đã giao phó.

Thế nhưng, cải tổ không đồng nghĩa với việc làm nhanh, làm ẩu để đối phó, xoa dịu dư luận. Thái độ cân nhắc của các ủy viên Ban Chấp hành LĐBĐVN trước đề cương cải tổ do Chủ tịch Mai Liêm Trực trình bày trước Hội nghị, rất đáng trân trọng.

Việc tách bạch cấp quản lý với cấp điều hành của LĐBĐVN là ý tưởng đúng. Nó giúp Liên đoàn tránh được cảnh "vừa đá bóng, vừa thổi còi", cơ cấu tổ chức chồng chéo, giẫm chân lên nhau và không có ai chịu trách nhiệm trực tiếp. Thế nhưng, nếu áp đặt một cách máy móc mô hình quản lý của doanh nghiệp vào Liên đoàn thì  tính khả thi của việc cải tổ trở nên khá "trừu tượng" trên thực tế. Mục đích chi phối mô hình.

Mục đích của các doanh nghiệp là kiếm tìm lợi nhuận qua hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, mục đích của Liên đoàn đâu phải là kiếm được nhiều tiền và chắc gì có nhiều tiền là bóng đá sẽ phát triển. Hơn thế nữa, Liên đoàn dù xét dưới góc độ nào đi chăng nữa thì đó cũng là một tổ chức xã hội do các thành viên bầu ra, chứ không phải là một công ty có chủ sở hữu toàn quyền.

"Cuộc cải tổ cần phải bám vào 6 chữ Liên đoàn bóng đá Việt Nam", ý kiến của một ủy viên Ban Chấp hành, là điều đáng để những người đang giương cao ngọn cờ cải tổ phải lưu tâm. Hoặc trên góc độ pháp lý, "Tổng Công ty Liên đoàn" sẽ hoạt động theo "hành lang pháp lý" nào? Luật Doanh nghiệp chăng? Đó cũng là một câu hỏi khó được đặt ra.

Thực vậy, để hoạt động theo hướng đi mới này, Liên đoàn cần phải có một cơ chế riêng, gỡ bỏ những ràng buộc chi phối của các quy định chung từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.

Bên cạnh đó, mô hình cải tổ Liên đoàn cũng còn có những hạn chế, đặc biệt là cơ cấu tỏ ra quá cồng kềnh, không hợp lý như việc có tới 3 Phó Tổng thư ký. Việc tập trung quá nhiều quyền lực và trách nhiệm vào tay Tổng Thư ký cũng đặt ra những tiêu chí tuyển chọn cực kỳ cao đối với vị trí này.

Chủ tịch Mai Liêm Trực cho biết, Thường vụ LĐBĐVN sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề cương cải tổ với sự cầu thị. Trước khi đi vào thực tế, bản đề cương này sẽ được đem ra lấy ý kiến xã hội, sau đó trình Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Ủy ban Thể dục thể thao xem xét, phê duyệt

Bảo Hân
.
.
.