Bóng đá Việt Nam 2005: Từ A đến Z

Thứ Sáu, 30/12/2005, 06:50

M. Mất lòng tin vào nền bóng đá nước nhà là hội chứng đang lây lan như vết dầu loang trong hàng triệu CĐV Việt Nam sau hàng loạt vụ việc tiêu cực trọng tài và bán độ của một số tuyển thủ U.23 Việt Nam tại SEA

A. A. Riedl lần thứ 3 trở lại Việt Nam sau khi vượt qua HLV Calisto trong cuộc tuyển chọn HLV trưởng cho các đội tuyển quốc gia của LĐBĐVN. Trong năm 2005, dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân người áo này, đội tuyển U.23 đã đoạt ngôi vô địch ở LG.Cup và Agribank Cup, đồng thời lọt tới tận chung kết của SEA Games 23. Thế nhưng, điều đáng tiếc là "đoàn quân" của A.Riedl đã không thể đánh bại người Thái để mang về chiếc HCV SEA Games. Hơn thế, hành trình ở Philippines của thầy trò ông A.Riedl còn là điểm khởi đầu cho vụ án "Tổ chức đánh bạc và đánh bạc" của một số tuyển thủ U.23 Việt Nam.

B. Ba tỷ đồng là số tiền đền bù mà LĐBĐVN đã phải chuyển vào tài khoản cho HLV Letard theo phán quyết của Toà án trọng tài thể thao quốc tế (CAS) vào ngày 10/1/2005. 

C. Công Vinh đoạt danh hiệu cầu thủ thi đấu xuất sắc nhất của U.23 Việt Nam tại SEA Games 23 với phần thưởng là một chiếc xe Toyota Vios. Trước đó, vào trung tuần tháng 1/2005, tiền đạo này cũng đã được bình chọn là Quả bóng vàng Việt Nam năm 2004.

D. Delta - Đồng Tháp xuống hạng ở V.League 2005 khi chỉ giành được vỏn vẹn 15 điểm sau 22 lượt trận, xếp ở vị trí cuối cùng trên bảng tổng sắp chung cuộc.

Đ. Đại hội LĐBĐVN nhiệm kỳ 4 đã phải tổ chức trước thời hạn để bầu ra một Ban chấp hành mới, đồng thời cải tổ mô hình tổ chức và lề lối làm việc của Liên đoàn sau hàng loạt scandal. Kết quả, Phó Chủ nhiệm UBTDTT Nguyễn Trọng Hỷ đắc cử chức Chủ tịch LĐBĐVN và toàn bộ những vị trí chủ chốt khác của LĐBĐVN như Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký được thay bằng những con người mới.

E. Phan Văn Tài Em - Đội trưởng U.23 Việt Nam đã dũng cảm tố cáo hành vi bán độ và rủ rê bán độ của một số đồng đội tại SEA Games 23.

G. Gạch Đồng Tâm - Long An lần đầu tiên đăng quang ngôi vô địch tại V.League 2005 với 42 điểm sau 12 trận thắng, 6 trận hoà và 4 trận thua. Cũng trong năm 2005, thầy trò ông Calisto còn giành thêm một ngôi vô địch khác trên "mặt trận" Cup Quốc gia. 

H. Hạng Nhất nhiều chuyện. Giải hạng Nhất 2005 là giải đấu bê bối nhất trong năm khi có tới 2 đội bóng "dính" tới vụ án "Hối lộ trọng tài" là Đông Á.Thép Pomina và Tôn Hoa Sen.Cần Thơ. Thêm vào đó còn là scandal "mua chuộc cầu thủ bán độ" của Giám đốc Sở TDTT Huế Ngô Văn Trân với cầu thủ của đội Khánh Hòa.

I. Im lặng là "cái tội" khiến Phó Chủ tịch LĐBĐVN Lê Thế Thọ bị một số dư luận công kích mạnh mẽ với cáo buộc ông Thọ đã không báo cáo thông tin về một số tuyển thủ có ý định bán độ trước trận U.23 Việt Nam gặp Myanmar cho HLV trưởng A.Riedl. Sau SEA Games 23, ông Thọ đã rút lui khỏi LĐBĐVN.

K. Khánh Hòa trở lại mái nhà xưa khi giành chiếc vé thăng hạng chuyên nghiệp thứ nhất ở giải hạng Nhất 2005 bằng ngôi vô địch.

L. Lê Quốc Vượng - tuyển thủ U.23 này bị nghi ngờ là người cầm đầu trong vụ án bán độ của một số cầu thủ ở SEA Games 23. Sau khi từ Philippines trở về, Vượng đã bị cơ quan điều tra khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng với tội danh "Tổ chức đánh bạc".

M. Mất lòng tin vào nền bóng đá nước nhà là hội chứng đang lây lan như vết dầu loang trong hàng triệu CĐV Việt Nam sau hàng loạt vụ việc tiêu cực trọng tài và bán độ của một số tuyển thủ U.23 Việt Nam tại SEA Games 23 bị Cơ quan Công an đưa ra ánh sáng. 

N. Nguyễn Thành Vinh - vị HLV từng được coi như một “tượng đài” của bóng đá Việt Nam - bị cơ quan điều tra khởi tố và bắt giam vì dính líu tới vụ án "Hối lộ trọng tài" ở CLB Đông Á.Thép Pomina ngay sau khi ông cùng đội tuyển U.23 Việt Nam trở về từ chuyến tập huấn tại Áo.

O. Ông bầu Tuân của đội Hải Phòng được coi là người "to còi" nhất ở V.League 2005. Vào đầu giải, vị Chủ tịch CLB này hùng dũng tuyên bố: "Hải Phòng chơi bóng đá sạch. Không bán, không mua, không xin, không cho". Đến cuối giải, khi một số trận đấu của đội bị dư luận nghi ngờ "có mùi", ông này lại lên báo thề thốt: "Đội bóng mà chơi tiêu cực thì tôi không phải là con người". Ganh đua vị trí "nói to" với ông Tuân còn thêm một ứng cử viên khác là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính LĐBĐVN Lê Hùng Dũng với chiến dịch "6 tỷ đồng cho bóng đá Việt Nam" đã tạo ra "hiệu ứng nghịch" cầu thủ đòi tiền thưởng ở SEA Games 23.  

P. Phạm Ngọc Viễn - Tổng Thư ký LĐBĐVN nhiệm kỳ 3 và 4 đã phải đệ đơn xin từ chức sau hàng loạt scandal như vụ việc "bầu chọn Cầu thủ Vàng"; "thua kiện" HLV Letard; thất bại của Đội tuyển quốc gia tại Tiger Cup 2004.

Q. Quyến, cầu thủ nổi tiếng và cũng… tai tiếng nhất của bóng đá Việt Nam, đã "xộ khám" sau khi bị cơ quan điều tra khởi tố và bắt tạm giam với tội danh "Đánh bạc" vì dính líu tới vụ bán độ của một số tuyển thủ U.23 tại SEA Games 23.

R. Ra đi là nghịch cảnh mà Quyền Tổng thư ký LĐBĐVN Phan Anh Tú gặp phải trong Đại hội Liên đoàn. Được cử thế chỗ ông Viễn trong thời gian trước Đại hội, những tưởng ông Tú sẽ có nhiều cơ hội trên "đường đua" tới chức Tổng Thư ký LĐBĐVN khoá 5. Vậy mà kết quả là ông bị ứng viên Trần Quốc Tuấn, trẻ tuổi hơn, vượt qua trong cuộc bỏ phiếu của Ban Chấp hành LĐBĐVN. 

S. Sơn Đồng Tâm Long An là tên mới của CLB Đông Á.Thép Pomina sau cơn bão tiêu cực. Đây là kết quả của cuộc chuyển giao giữa lãnh đạo Ngân hàng Đông Á với Công ty Đồng Tâm. "Tân binh" Sơn Đồng Tâm sẽ thế chỗ của Đông Á.Thép Pomina thi đấu ở giải hạng Nhất 2006.

T. Tuyệt vời bóng đá nữ. Với ngôi vô địch SEA Games 23, bóng đá nữ Việt Nam đã đi vào lịch sử bằng một hat-trick HCV. Thành tích này càng trở nên có ý nghĩa hơn khi các nữ tuyển thủ đã âm thầm vượt qua biết bao khó khăn trên đương đua tới ngôi vô địch, chứ không có bất kỳ một lời kêu ca, đòi hỏi chuyện tiền thưởng như bóng đá nam. Họ thực sự xứng đáng là những "cô gái vàng" của bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.

U. U.23 Việt Nam lại một lần nữa gục ngã trước ngưỡng thiên đường khi để thua Thái Lan trong trận chung kết SEA Games. Với những CĐV Việt Nam, nỗi đau như nhân đôi khi mà thất bại tệ hại đó chỉ ra rằng chúng ta "tự thua" chính mình trước khi để thua đối thủ.

V. V-League 2006 chỉ có 13 đội bóng, thay vì 14 đội như dự kiến ban đầu. Nguyên nhân là do Ban Kỷ luật của LĐBĐVN đánh tụt hạng CLB Đông Á.Thép Pomina xuống hạng Nhất vì dính líu tới việc đưa hối lộ trọng tài ở mùa giải 2005. Đồng thời, LĐBĐVN cũng quyết định không đôn đội bóng nào lên thay thế vị trị của Đông Á ở V.League 2006.

X. "Xử treo giò vô thời hạn đối với Quốc Vượng và Văn Quyến". Đây là quyết định của LĐBĐVN áp dụng đối với 2 tuyển thủ sau khi họ bị cơ quan điều tra khởi tố và bắt giam.

Y. "Yếu nhân" là từ mà người ta có thể dùng để gọi đội tuyển U.23 Việt Nam trong thời gian tham dự SEA Games  khi có tới 2 sĩ quan an ninh đi cùng để bảo vệ. Chính sự có mặt của 2 cán bộ Công an này mà "nghi án" bán độ đã trở thành án, chứ không bị vấp phải câu hỏi "Bằng chứng đâu?" như những "nghi án" đội tuyển ở các năm trước.

Z. "Zico" Thái Lan Kiatisak có thêm trợ thủ mới trên mặt trận tấn công của HAGL. Đó chính là Vua phá lưới V.League 2005: Kelsey. Ở mùa giải 2005, dưới màu áo của Bình Dương, tiền đạo Brazil "xịn" này ghi được tổng cộng 21 bàn thắng, dẫn đầu danh sách "Vua dội bom" của mùa. Ngoài đời, Kelsey cũng kịp ghi thêm một "bàn thắng" khi đính hôn với một cô gái Việt Nam. Chuyển về đầu quân cho HAGL, Kelsey được kỳ vọng sẽ hợp cùng với Kiatisak trở thành một "bộ đôi sát thủ" đưa đội bóng phố núi tìm lại vinh quang xưa

Bảo Hân
.
.
.