Bóng đá Sông Lam Nghệ An: Tự mình níu chân mình

Thứ Sáu, 31/07/2009, 09:18
Chiều thứ tư vừa rồi, rất nhiều người đặt cửa cho Sông Lam Nghệ An trong trận bán kết Cúp Quốc gia với Thể Công. Thế nhưng rốt cuộc thì Sông Lam đã tung ra đội hình 2 để rồi thua tan nát 4 bàn. Trận thua làm người ta hồi tưởng lại một trận bán kết Cúp Quốc gia khác diễn ra cách đây 5 năm…

Trận bán kết với "cú đánh cùi chỏ thế kỷ"

Trước trận bán kết Cúp Quốc gia năm 2004 trên sân Vinh giữa Sông Lam Nghệ An với Thể Công, ai cũng tin là Sông Lam sẽ thắng. Bản thân các cầu thủ Thể Công cũng tin như thế, bằng chứng là họ đã chủ động đặt vé máy bay về Hà Nội ngay sau khi trận đấu kết thúc. Thế nhưng đường đi của trận bán kết ấy lại làm tan nát lòng người.

Cầu thủ Sông Lam dù được đánh giá là mạnh hơn nhưng chơi bóng như gà mắc tóc và như buông cho đối thủ. Đỉnh điểm nhất của trận đấu chính là khoảnh khắc thủ thành Dương Hồng Sơn đánh cùi chỏ thẳng vào mặt Huỳnh Nhật Thanh của Thể Công trong vòng cấm. Kết quả là Thể Công ăn Penalty, và nhờ quả Penalty ấy, họ đã bất ngờ vào chung kết.

Ngay sau trận đấu, khán giả Nghệ An đã phẫn nộ cực điểm, vì cho rằng các cầu thủ… giở trò. Bản thân lãnh đạo Sông Lam và ban huấn luyện cũng "ngửi" ra những chi tiết hết sức bất thường.

Một pha tranh bóng giữa cầu thủ Sông Lam (trái) và cầu thủ Thể Công. Ảnh: Quang Minh.

Thế nên Dương Hồng Sơn - tác giả của "cú đánh cùi chỏ thế kỷ" đã bị giáng xuống đội trẻ, và cả một cuộc thanh lọc lớn đã được thực hiện ở đội bóng này. Và sự thật là sau sự cố này, bóng đá Sông Lam đã xuống dốc không phanh.

Trận bán kết với "đội hình thế kỷ"

Cứ như một trò chơi của số phận khi mà đúng 5 năm sau một trận bán kết "bất hủ", Sông Lam Nghệ An và Thể Công lại tiếp tục tái ngộ nhau trong một trận bán kết thứ hai. Chỉ có một điều khác duy nhất là lần này, bóng lăn ở Hàng Đẫy, thay vì ở thành Vinh.

Lần này, người ta cũng đánh giá Sông Lam cao hơn.

Cái "cao hơn" không chỉ đơn thuần nằm ở mặt con người và phong độ, mà còn nằm ở tham vọng của một "ông lớn". Nên nhớ rằng với Sông Lam, một vị trí cao ở V.League đã ngày một tuột khỏi tầm tay, vì vậy ai cũng nghĩ, Sông Lam sẽ chơi đến cùng ở Cúp Quốc gia để vớt vát lại danh dự của mình.

Vậy mà khi bóng lăn, rốt cục Sông Lam lại tung ra một đội hình với phần đông là những cầu thủ trẻ và cầu thủ dự bị. HLV trưởng Nguyễn Văn Thịnh cố biện vẽ: "Những cầu thủ đá chính của chúng tôi bị xuống thể lực và chấn thương quá nhiều". Nhưng ông Thịnh có biện vẽ thế nào thì sự thật vẫn cứ là sự thật: Sông Lam chấp nhận "buông súng" ngay từ lúc bóng chưa lăn.

Vậy nên 1-0, 2-0, 3-0, rồi 4-1, chẳng ai bất ngờ khi một đội bóng đang khủng hoảng lớn như Thể Công lại có thể thắng Sông Lam dễ như lấy một món đồ trong túi.

Tự mình hại mình

Từ trận bán kết Cúp Quốc gia năm 2004 đến trận bán kết Cúp Quốc gia năm 2009, có thể khẳng định rằng Sông Lam Nghệ An không thua Thể Công vì trình độ yếu, mà thua vì tư tưởng "buông xuôi". Năm 2004, một đội bóng bất thường với một cú đánh cùi chỏ bất thường đã khiến Sông Lam phải tự mình đại phẫu.

Vậy thì năm 2009, cái đội hình bất thường và một trận thua bất thường có khiến người ta phải đại phẫu lần thứ hai?

Nếu những vấn đề như "đại phẫu" là to tát quá và xa xôi quá thì một vấn đề thiết thực hơn cần thiết phải đặt ra: Bao giờ các cầu thủ Sông Lam mới ra sân với tư tưởng bảo vệ danh dự của mình và nuôi giữ niềm tin của người hâm mộ?

Phan Đăng
.
.
.