Bóng đá Hải Phòng trước mùa giải 2014: Bóng chưa lăn đã rối

Thứ Bảy, 28/12/2013, 09:33
Chưa bao giờ niềm tin của người hâm mộ bóng đá Hải Phòng vào đội bóng của mình lại xuống thấp như thời điểm hiện nay. Thời điểm mà nhìn vào bất cứ chỗ nào, người ta cũng thấy đội bóng này đang rối.

Ai cũng biết là Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đã quyết định trả đội bóng về UBND thành phố, và theo "lệnh" của Ủy ban thì một công ty cổ phần quy tụ các doanh nghiệp tiếng tăm trên địa bàn sẽ được ra đời để tài trợ, cưu mang đội bóng. Cách làm này cũng na ná với cách làm của Thanh Hóa trong những mùa giải vừa qua - cách làm mà có lúc, ông bầu Nguyễn Văn Đệ đã tự tin nói rằng: "Chúng tôi không chỉ có một ông bầu, mà có tới hàng chục ông bầu".

Thực tế thì khi cơn suy thoái kinh tế quét qua làng bóng Việt Nam, khiến nhiều đội bóng có kết cấu theo kiểu "một ông bầu" lao đao thì Thanh Hóa vẫn vững như bàn thạch. Thế nên việc Hải Phòng không còn giao đội bóng cho một và chỉ một doanh nghiệp như trước, mà giao cho một công ty cổ phần, quy tụ nhiều doanh nghiệp trên địa bàn theo đúng mô hình của Thanh Hóa là một cách làm tiến bộ.

Bóng đá Hải Phòng-cuộc tái thiết khó khăn. Ảnh: H.M.

Vấn đề nằm ở chỗ, hiện tại chỉ có trên dưới 10 doanh nghiệp trong địa bàn đồng ý tham gia công ty này, và tổng số tiền mà các doanh nghiệp này rót vào công ty cũng chỉ vào khoảng 10 tỷ đồng. Khoản này cộng với khoản 15 tỷ đồng tài trợ của Vicem khiến đội bóng chỉ có cả thảy 25 tỷ đồng - nghĩa là thiếu những 10 tỷ đồng theo mức 35 tỷ đồng/đội bóng/mùa giải mà VPF và VFF đề ra.

Trao đổi với chúng tôi, những người hiểu nội tình bóng đá Hải Phòng cho biết, lẽ thường việc "chạy" thêm 10 tỷ đồng cho một đội bóng đại diện cho cả thành phố là điều chẳng khó khăn gì. Vấn đề là hiện nay, rất nhiều ông chủ doanh nghiệp yêu bóng đá, và từng sẵn sàng đổ tiền tài trợ bóng đá đang cảm thấy chán ngán, mất niềm tin vào đội bóng của địa phương mình. Và đấy là lý do khiến cho con số 10 tỷ đồng vốn "không khó" giờ lại trở thành "con số khó khăn".

Cần phải nhớ lại rằng V.League 2011, bóng đá Hải Phòng chỉ có thể trụ hạng vào phút chót, sau hai trận "chung kết ngược" vấy mùi. Những trận đấu mà sau đó, hai ông trọng tài đều bị chỉ điểm là có vấn đề, để rồi lập tức bị VFF treo còi vĩnh viễn. Sang đến V.League 2012 thì một Hải Phòng èo uột từ trong ra ngoài, thậm chí đã phải xuống hạng, nhưng nhờ mua suất trụ hạng, mua luôn HLV và dàn cầu thủ Khánh Hòa mà đội bóng vẫn có tên ở V.League 2013.

Công bằng mà nói, dưới sự tăng cường của dàn nhân sự Khánh Hòa, cũng có những thời điểm Hải Phòng thi đấu tốt, thậm chí còn đứng trong nhóm 4 đội dẫn đầu V.League. Nhưng càng ngày cái đội bóng "2 trong 1" ấy càng cho thấy sự yếu đuối về tinh thần, khát vọng. Và cứ nhìn cái cảnh chính những khán giả Hải phòng cũng lên tiếng la ó đội bóng của mình ở sân nhà Lạch Tray là đủ hiểu.

Trước thềm mùa giải 2014, khi đội bóng được chuyển từ Vicem cho Công ty cổ phần Thể thao Hải Phòng, nghe đâu giữa ông HLV người Khánh Hoà Hoàng Anh Tuấn với người đứng đầu công ty cũng có những va chạm, khiến ông Tuấn thậm chí đã tính đường khăn gói ra đi. Những cầu thủ tài năng còn lại của đội bóng cũng lần lượt được chuyển giao cho đội khác.

Không khó hình dung rằng ở V.League 2014 tới đây sẽ tiếp tục là hình ảnh một Hải Phòng uể oải. Một Hải Phòng thiếu và yếu sinh khí như những gì đã xảy ra suốt 3 mùa giải vừa qua.

Thế thì chấp nhận xóa đi làm lại - làm lại một cách tử tế và thực tâm để khơi dậy sức sống của một địa phương bóng đá giàu truyền thống có hơn không?

Diệp Xưa
.
.
.