Bơi giữa những khối thanh âm của Đại-Lâm-Linh

Chủ Nhật, 26/04/2009, 12:35
Đại-Lâm-Linh đã chạm được tới khoảng giữa tinh tế nhất của những khối âm thanh hay đúng hơn chạm được tới những sự biến ảo của xúc cảm với những mật mã khó nắm bắt và giải thích của con người.

Âm nhạc luôn tác động tới xúc cảm một cách trừu tượng nhất. Có thể nó không mang lại hòa bình cho nhân loại nhưng nó mang lại sự thấu hiểu nhau cho dù ở một khái niệm nào đó chỉ là sự hiểu biết sống giữa vài người có cùng "đơn vị". Đại-Lâm-Linh gặp nhau ở khoảng đó, vì họ đã sống chân thực với xúc cảm của mình hay đúng hơn họ sống thật với chính âm nhạc của mình.

Nhạc sĩ Ngọc Đại được biết tới như một trong những nhạc sĩ tiên phong trong một xu hướng mới vào thập niên 80-90, khi mà sau thời kỳ hào hùng và đau thương của chiến tranh thì tính tự khẳng định của tính chất dân tộc được đề cao. Khoảng thời gian đó nhạc của Ngọc Đại mới chỉ dừng lại ở những thử nghiệm đơn lẻ như những ca khúc mà "màu" của những giai điệu hay ca từ mang tính dân gian. Đó cũng là một xu hướng mang tính phản ứng khi mà tính chất kể lể, tự sự hay những minh họa cảm xúc dễ hiểu của âm nhạc chịu nhiều ảnh hưởng chất "Liên Xô" tình tứ kiểu "Bolero Pháp" đã ngự trị quá lâu và quá sâu trong âm nhạc Việt Nam.

Nhạc của Ngọc Đại thời gian đó chưa thể gọi là một mạnh mẽ về ngôn ngữ âm nhạc nhưng lúc đó nét đặc trưng "Đại" đã hình thành. Nó đã dồn nén và tích tụ trong album Nhật Thực 1. Một album tạo dấu ấn đặc biệt cho công chúng vào khoảng giữa thập niên 90.

Dĩ nhiên việc dựa vào những ca từ do Vi Thuỳ Linh, một nhà thơ nữ trẻ mới nổi lên với những uẩn ức bùng nổ mang tính tự sự về dục tính cũng đóng góp một nét mới trong việc khai thác biểu cảm mà thường bị tiết chế trong ca khúc Việt Nam như một luật bất thành văn.

Ca sĩ Trần Thu Hà cũng là một trong những nét mới của album Nhật Thực 1. Nội lực âm thanh của Hà được tiết chế trong sự kiệm âm lại là một cứu cánh cho Hà và là một ngôn ngữ mà Ngọc Đại nắm bắt và triển khai nó rất tài tình. Rất tiếc Nhật Thực 1 lại bị nhúng trong những thói quen phối khí tương đối dễ chịu và rất "ca khúc" của nhạc sĩ Đỗ Bảo. Có lẽ đây là một sự kết hợp không thuận. Nó đánh chìm những ngôn ngữ ma mị và sâu sắc của Ngọc Đại và Vi Thùy Linh cũng như Trần Thu Hà xuống. Đó quả là một điều đáng tiếc.

Trả lời phỏng vấn với một câu hỏi mang tính tổng kết thì có thể gói gọn trong câu "Ở hiền gặp lành" được thốt ra bởi Vi Thuỳ Linh cũng là điều dễ hiểu khi mà sự khó khăn ra mắt của một nét âm nhạc mới xuất hiện sau bao phiền toái của các cơ quan chức năng khi chưa biết định hình họ hay đúng hơn xếp Nhật Thực 1 vào đâu.

Nhật Thực 2 cũng là một thất bại của Ngọc Đại nếu xét ở khía cạnh nào đó. Hẳn là sự chia rẽ của nhóm làm việc Nhật Thực 1 gây nên những bất ổn trong việc lựa chọn ca sĩ truyền tải ngôn ngữ hay đúng hơn là duy trì không khí âm nhạc của ông. Tùng Dương hay Khánh Linh hay một số ca sĩ khác là những thang biểu cảm khác rất dễ chịu nhưng chưa chứa nổi sự ma mãnh khôn khéo và đầy ma mị theo kiểu chương hồi trong nhạc kịch mà Ngọc Đại muốn phát triển. Có lẽ ông hiểu, chịu đựng và im lặng với sự thật đó.

Rất nhiều thử nghiệm sau thất bại này nhưng với sự khôn ngoan của mình Ngọc Đại cũng dần hé lộ cho giới truyền thông một kết hợp mới với sự cộng tác với Thanh Lâm và Linh Dung. Một sự kết hợp mang tính định mệnh. Đó như một sự duyên khởi khi mà cả 3 người đã qua rất nhiều trải nghiệm nghề nghiệp và chạm tới nhau. Nhưng cơ hội gặp được người "đẩy" thứ xúc cảm của Ngọc Đại ra có lẽ chỉ có Lâm và Linh. Một mối tương tác tạo nên không khí âm nhạc và sáng tạo vô cùng trong sáng và ma mị.

Cả 3 là tương hỗ nhau ở những đóng góp không  chỉ mang tính đơn thuần là kỹ thuật mà chính là các xúc cảm. Dù tính ích kỷ của nghệ sĩ và sự độc lập luôn được đề cao, nhưng có nghĩa gì khi mà ngôn ngữ âm nhạc của Ngọc Đại sáng hơn, đậm hơn cùng với Lâm, Linh.

CD Đại-Lâm -Linh lần này có thể là một bước tiếp nối rất dài bù lấp khoảng trống mà Ngọc Đại tạo ra sau 10 năm kể từ sau CD Nhật Thực 1. Nhưng đúng hơn đó là một thời kỳ mới của "nhạc Đại Lâm Linh". Một đĩa đơn mà tính xúc cảm của những khối âm thanh tình cảm được đẩy lên cao nhất trong sự nhất quán của một bố cục âm nhạc mang tính chương hồi của nhạc kịch. Đây là một nét đặc biệt của nhạc Ngọc Đại. Trong album này nó đậm tới mức khó có những  nhận định khác.

Âm nhạc luôn là những tổ hợp những dải âm thanh. Tính chất này có lẽ là một trong những đặc trưng nhất của âm nhạc - chính cái tempo đó đã thiết lập lên tính chất của âm nhạc, của giai điệu hay của tình cảm. Và cảm xúc đó được xếp theo cấu trúc nhiều tổ hợp âm hưởng của xúc cảm do người nghệ sĩ sáng tạo ra. Điều này hiển nhiên là một số nhận định sơ khai nhất về âm nhạc. Nhưng điều này lại luôn khó nắm bắt nhất đối với âm nhạc của Đại-Lâm-Linh. Họ đã chạm được tới khoảng giữa tinh tế nhất của những khối âm thanh hay đúng hơn chạm được tới những sự biến ảo của xúc cảm với những mật mã khó nắm bắt và giải thích của con người.

Những khối âm thanh đầy xúc cảm họ tạo ra rất đa dạng. Từ những tiếng thốt nhỏ và đơn độc nhất, tiết kiệm nhất cho tới những rối loạn phi ngôn ngữ là những thái cực mà xúc cảm của người nghe bị đẩy tới cùng cực. Những khoảng lặng trống giữa hai thái cực này như những dẫn dụ cho xúc cảm chuyển tiếp được Đại-Lâm-Linh khai thác rất tốt. Nó nằm ngoài vấn đề kỹ thuật. Nó chỉ được Đại-Lâm-Linh tạo nên bằng chính sự sống gần gũi và thấu hiểu nhau tận cùng của cả ba. Nó như thể cả ba đang sống và bơi trong chính không khí tinh thần họ tạo ra.

Cái mật mã hay đúng hơn cái "đơn vị" họ tạo ra cho những thang âm của họ nó là một kết quả tuyệt vời của trải nghiệm. Nó chứa và gợi nhiều hơn điều mà mỗi người tưởng tượng ra. Nó là kết quả của những khối tình cảm mà mỗi người trong cả ba tự đóng góp và vẫy gọi nhau tạo ra. Đó là một sự kết hợp mang đầy tính ám ảnh của nhạc kịch Nô Nhật Bản, sự tiết chế cùng cực của những âm sắc đơn do Linh Dung tạo nên âm ỉ lén trỗi dậy ở một chiều không gian khác được che phủ một lớp ồn ào rộng do Lâm tạo nên. Các lớp chiều cảm tính đó được dẫn dụ bởi thứ nhạc bình tĩnh thả lỏng vẫy gọi kiểu Đại. Những ngắt nghỉ mang tính chương hồi như những tách biệt nhỏ giữa đơn vị tình cảm mang nét ảnh hưởng của âm nhạc cổ điển và chất dân gian được Đại-Lâm-Linh nuôi dưỡng lâu nay chỉ tới giờ họ mới giải trình ra.

Tất cả không cố tình, tự nhiên ngôn ngữ đó chảy ra. Rất tự do, lỏng bởi được tạo nên một môi trường âm thanh mà họ đang sống trong đó. Không còn trình diễn, không còn những cố gắng mang màu sắc kỹ thuật, tất thảy rất tự nhiên. Những bàn tay của Lâm-Linh luôn bơi lượn trong những lắng nghe xúc cảm được kêu gọi tới, tức thời ngay lúc ấy đầy biểu cảm và ám ảnh. Đó là hình của âm thanh, hình của nhạc. Một trong những đặc biệt mà âm nhạc đương đại của Việt Nam đáng tiếc lại bỏ qua.

Không thể xếp âm nhạc của Đại-Lâm-Linh vào thể loại nào được. Bởi vì nó không đơn giản là những định nghĩa đơn thuần về thể loại. Hẳn là để giải thích gọn gàng dễ hiểu với giới truyền thông "đơn giản", họ gọi đó là world music hay newage. Hoặc hài hước nếu gọi theo thuật ngữ âm nhạc của các cuộc thi thì là "ca khúc dân gian đương đại" nhưng nét màu của những pha trộn tính nhạc truyền thống như vở "Quan âm Thị Kính" ca Huế hay những tiếng rít của guitar blue hoặc những tiếng chuông chùa là những nét kết hợp "vô chiêu" đầy ý thức của Ngọc Đại. Âm nhạc của họ nằm ngoài những box định nghĩa đó.

Bản thân những ca từ trong album này cũng vượt qua được cái thông thường của những ca khúc. Một định nghĩa rất hạn hữu mà kể lể và tự sự luôn được người nghe đơn giản gọi như vậy. Ca từ bị Đại-Lâm-Linh triệt tiêu tính ngữ nghĩa của ngôn ngữ, nó được họ coi đó là những thang âm của xúc cảm. Điều này rất gần với chất thiền trong thực hành thiền. Chính nó là vậy chứ không chỉ vài tiếng chuông chùa đóng góp trong dải âm thiền đó. Cả ba rất tự nhiên đã gặp được điều này.

Đó là duyên, nên gọi thế khi mà từ trong lòng họ vang ra những thang âm đẹp và đầy cảm tính như chính cách họ đang sống và bơi trong các khối âm thanh đó. Hay đúng hơn trong các khối tình cảm mà họ đang sống. Đó sự sáng tạo đắm đuối đáng được trân trọng, đáng được thưởng thức

Trí Minh
.
.
.