Sau vụ diễn viên xiếc bị cá sấu táp vào mặt:

Bộc lộ nhiều “lỗ hổng” trong quản lý biểu diễn xiếc thú

Thứ Sáu, 17/03/2017, 08:53
Vụ việc diễn viên xiếc Đỗ Mạnh Hùng bị cá sấu cắn rách mặt khi thực hiện tiết mục đưa đầu vào miệng cá sấu tại Hà Nam khiến dư luận bàng hoàng. Nhiều người bày tỏ sự đồng cảm với diễn viên khi phải mạo hiểm tính mạng để biểu diễn phục vụ khán giả. Nhưng, vụ việc này cũng cho thấy khá nhiều lỗ hổng trong thẩm định, quản lý biểu diễn xiếc thú, đặc biệt là thú nguy hiểm.

Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nghệ sĩ Phạm Xuân Quang cho biết, theo quy trình, mỗi tiết mục biểu diễn xiếc thú đều trải qua một quá trình rất dài. Với mỗi tiết mục, Liên đoàn đều có các giai đoạn bài bản, từ khâu xây dựng kế hoạch, dự án, kịch bản cho đến… đầu tư xây dựng “đội ngũ” diễn viên.

Lý do là trong xiếc thú có nhiều tiết mục biểu diễn của thú dữ, thú quý hiếm. Nhiều loài đang nằm trong sách đỏ của thế giới, không được phép mua bán. Việc chọn mua thú đòi hỏi kinh phí lớn, từ khâu đầu tư vốn để sở hữu thú cho đến chuẩn bị cơ sở vật chất để nuôi dưỡng, đội ngũ nhân viên chăm sóc hằng ngày. Chưa kể, chọn thú lên sân khấu cũng đòi hỏi phải có ngoại hình đẹp, cân đối, có năng khiếu, phù hợp với tiết mục được huấn luyện để biểu diễn.

Cũng theo nghệ sĩ xiếc Phạm Xuân Quang, mỗi tiết mục biểu diễn trên sân khấu đòi hỏi phải đáp ứng những điều kiện nhất định về mặt chất lượng. Sau khi chọn được con thú phù hợp, người diễn viên phải mất một thời gian dài làm quen, chăm sóc, thậm chí ăn ngủ cùng chúng để năm bắt thói quen, tâm tính, nhịp độ sinh học của bạn diễn để lựa chọn phương pháp huấn luyện phù hợp.
Chương trình biểu diễn xiếc voi của Liên đoàn Xiếc Việt Nam trưa 15-3 khiến đông đảo khán giả nhí phấn khích.

Cả người huấn luyện và thú được huấn luyện phải đạt được chất lượng nghệ thuật, mức độ an toàn cho người biểu diễn, người xem theo tiêu chí của hội đồng thẩm định rồi mới được đưa lên sân khấu. Tuy nhiên, với nhiều nhóm xiếc thú nhỏ lẻ và một số đoàn xiếc thú ngoại tỉnh, quy trình này chưa hẳn được tuân thủ nghiêm ngặt.

Hoạt động xã hội hóa xiếc thú nhiều năm trở lại đây kéo theo sự nở rộ của các nhóm, đoàn xiếc thú tư nhân và các tỉnh lẻ. Việc quản lý chưa thực sự chặt chẽ trong hoạt động của các địa phương với xiếc thú đã tạo nên cái nhìn sai lệch về xiếc thú.

Nhiều chương trình và chủ yếu là các chương trình biểu diễn ở ngoại tỉnh còn lấy luôn danh nghĩa của Liên đoàn xiếc Việt Nam để thu hút khách. Nhiều trường hợp, địa phương cấp phép biểu diễn cũng khó kiểm soát vì hồ sơ của ban tổ chức có đầy đủ các giấy tờ theo quy định. Trên băng rôn quảng cáo không ghi họ thuộc Liên đoàn nhưng khi cho xe chạy khắp các ngõ ngách quảng cáo qua loa thì khó kiểm soát được.

Trao đổi về hoạt động quản lý, cấp phép biểu diễn xiếc thú, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho biết, xiếc Hà Nội chỉ có một số tiết mục xiếc thú và không có xiếc thú dữ.

Ngoài lý do về vốn đầu tư, nuôi dưỡng khó, tốn kém thì xiếc thú ở Hà Nội không có nhiều khán giả. Các chương trình biểu diễn xiếc thú thường tập trung ở các quận, huyện ngoại thành và các tỉnh lẻ. Việc cấp phép cũng thường chung chung vì thông thường, xiếc thú chỉ là một trong số các tiết mục của buổi biểu diễn.

Nếu có ghi trong hồ sơ cũng thường ghi là biểu diễn xiếc thú. Hỏi cụ thể thì đơn vị xin cấp phép nói một số tiết mục biểu diễn của chó, mèo. Các buổi biểu diễn như thế khó đo đếm và kiểm soát chất lượng tiết mục…

Nghệ sĩ ưu tú Tống Toàn Thắng, người có thâm niên lâu năm trong nghề biểu diễn xiếc thú, nổi tiếng trong và ngoài nước với rất nhiều tiết mục, đặc biệt là xiếc trăn cho biết, thành quả lao động của anh đang bị nhiều nhóm, đoàn xiếc nhỏ “vô tư” khai thác trong nhiều chương trình kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”.

Ban tổ chức các chương trình này không chỉ “mượn” tên tuổi của anh để quảng bá, thu hút khán giả đến mua vé mà còn sử dụng công nghệ, cắt hình ảnh anh đang biểu diễn rồi ghép đầu diễn viên của họ vào để phục vụ quảng bá chương trình. Có đoàn còn mập mờ đánh lận con đen theo kiểu lấy tên là đoàn xiếc Trưng Vương nhưng băng rôn thiết kế nhòe, khiến người xem nhầm tưởng là đoàn Xiếc Trung ương.

Nghệ sĩ Trần Văn Hoàn, Trưởng đoàn xiếc thú của Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: Xiếc thú là biểu diễn nghệ thuật rất đặc biệt. Đứng trên sân khấu không chỉ là người diễn viên mà là động vật. Dù được huấn luyện, động vật vẫn còn bản năng của thú tính.

Trong quá trình biểu diễn, điều kiện ngoại cảnh có điều gì khác thường, rất dễ dẫn đến việc các diễn viên này phản ứng theo bản năng, làm vỡ chương trình, thậm chí gây nên tai nạn đáng tiếc cho người huấn luyện. Người huấn luyện không hiểu tâm tính của bạn diễn càng dễ gặp tai nạn. Nếu không đầu tư tâm sức, thời gian gắn bó hàng ngày với con thú được huấn luyện hoặc chỉ lơ là chủ quan, mất cảnh giác, người huấn luyện dễ gặp rủi ro.

Lao động nghệ thuật trong môi trường có tính rủi ro cao như thế nhưng bảo hiểm cho nghệ sĩ biểu diễn đang là bài toán khó. Theo Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Phạm Xuân Quang, Liên đoàn là đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và là đơn vị sự nghiệp có thu, chi phí cho diễn viên phải phụ thuộc vào nguồn thu của đơn vị.

Dù đã cố gắng, đơn vị cũng mới mua được bảo hiểm thông thường cho diễn viên còn bảo hiểm đặc thù nghề nghiệp, ví dụ như bảo hiểm cho chương trình, nước ngoài họ làm lâu rồi, còn trong nước thì chịu. Lý do là bảo hiểm cho chương trình phí rất cao. Mỗi chương trình mang về doanh thu vài chục triệu đồng mà mua bảo hiểm hết 20 triệu đồng thì không thể có nguồn thu để chi phí cho đội ngũ nhân lực, phục vụ tái tạo sức lao động.

Với đơn vị xiếc chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam như Liên đoàn Xiếc còn gặp nhiều khó khăn như thế thì việc trang bị bảo hộ, bảo hiểm cho diễn viên của các nhóm, đoàn xiếc nhỏ lẻ vốn ít chịu sự kiểm soát chặt chẽ thì sẽ càng khó đảm bảo được thực hiện.

Ngọc Nguyễn
.
.
.