Bộ sưu tập áo dài gây tranh cãi – Phải chăng chuyện kiểm duyệt?

Chủ Nhật, 25/01/2015, 03:54

Bộ sưu tập áo dài của 2 NTK Thế Huy và Hải Long đang gây tranh cãi với thông tin “lấy cảm hứng từ long bào cổ của Việt Nam”. Đây không phải là lần đầu tiên, BST của những NTK trong nước nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Thời gian gần đây, có rất nhiều BST áo dài được các NTK trong nước sáng tạo và giới thiệu. Đây là một khu vực sáng tạo không giới hạn, luôn kích thích và truyền cảm hứng cho các NTK, thế nhưng đây cũng chính là những BST gây nhiều tranh cãi nhất, đó là áp lực, nhưng cũng là tiền đề thúc đẩy sự hoàn thiện hơn nữa của những BST áo dài.



Theo đó, trong hình ảnh BST mang tên “Sắc màu Malacca” của 2 NTK Thế Huy và Hải Long trên tạp chí Heritage, thông tin về việc BST lấy cảm hứng từ long bào cổ của Việt Nam hiện đang gây xôn xao dư luận, vì đa phần các NTK, nhiếp ảnh gia, hoạ sĩ đều thấy nổi bật những hoạ tiết từ một bức tranh cổ Nhật Bản. Đây là một vấn đề được quan tâm, nhất là khi nó xuất hiện trên một tờ tạp chí quảng bá văn hoá, giá trị truyền thống của Việt Nam.
NTK Cao Minh Tiến

Phát biểu ý kiến chuyên môn của mình trong vấn đề này, NTK Cao Minh Tiến cho biết, anh nhìn thấy nhiều hoạ tiết được sử dụng trên cả chiếc áo dài, từ hoạ tiết cổ của Nhật, thổ cẩm, cho đến hoạ tiết cung đình, nhưng nếu chỉ sử dụng thông tin là lấy cảm hứng từ long bào cổ thì có phần không chính xác. Anh nói: “Tất cả các mẫu áo dài hiện đại đều được sáng tạo và cách điệu, nên mình không đánh giá hay phán xét hoàn toàn được là nó có giống một hoạ tiết nào hay không, vì nếu giống thì còn gì là sáng tạo. Nhưng nếu được nhận xét, thì tôi gọi là cảm hứng từ trang phục cung đình thì chuẩn hơn. Những người biên tập và kiểm duyệt nên tránh nhạy cảm với từ ngữ nếu có kiến thức trong vấn đề này”.

Nhiếp ảnh gia Samuel Hoàng 

Nhiếp ảnh gia Samuel Hoàng cũng đưa ra những nhận định sâu sắc về vụ việc “cảm hứng từ long bào cổ” này. Anh chia sẻ: “Thứ nhất, việc chiếc váy lấy âm hưởng từ long bào này, tôi không phải là một chuyên gia về sử học nên không thể nhận định về vấn đề này, về những hình ảnh đưa ra mà tôi đã được xem trên tạp chí Heritage, thì đúng nó lấy hoạ tiết hoa văn từ Nhật Bản, tuy nhiên liệu Nhật Bản có từng lấy của Trung Quốc, hay của Việt Nam hay không thì nghiêm túc mình cần nhờ những chuyên gia về văn hoá, lịch sử thẩm định. Về chuyên môn trong nghề, tôi không thấy những trang phục đó mang tinh thần hay âm hưởng của văn hoá màu sắc việt. Trong kho tàng văn hoá Việt, chúng ta có rất nhiều dân tộc và trong số đó có rất rất nhiều dân tộc có văn hoá màu sắc hay kĩ thuật dệt vải đặc trưng của người Việt Nam, điều này đã được những nhà thiết kế bậc thầy của Việt Nam khai thác từ nhiều năm trước đây như Minh Hạnh, Sỹ Hoàng, Kiều Việt Liên.

Việc làm nghệ thuật dựa trên vốn văn hoá của quốc gia, những nghệ sĩ đến từ các quốc gia châu Á khác đã làm và làm rất tốt trong 10 năm trở lại đây, họ trang bị rất kĩ về vốn văn hoá dân tộc và xử lý thành thục từ màu sắc, chất liệu, kiểu dáng để những bộ sưu tập tôi từng xem qua, là sự kết hợp tuyệt vời giữa văn hoá dân gian và phom dáng hiện đại, tính ứng dụng cao và mang một giá trị văn hoá nhất định. Còn về vấn đề kiểm duyệt, tôi nghĩ thực ra nó là sự nhạy bén của các cơ quan truyền thông, tạp chí. Nếu như người đứng đầu tạp chí là người có thẩm mĩ và hiểu biết về thời trang, họ sẽ từ chối đăng những bộ sưu tập mà theo như đánh giá, có sự vay mượn sao chép về ý tưởng. Nhưng nếu làm như vậy, vô hình trung sẽ thành một cánh cổng đóng lại sự sáng tạo của nghệ sĩ, vì có nhiều thiên tài trên thế giới thành danh từ việc sao chép lại ý tưởng của nghệ sĩ khác, cho đến khi họ tự tìm ra con đường cho chính mình, vậy nên việc này nằm ở tư duy nhận thức và đạo đức của những người làm nghề”.

Đinh Công Đạt

Một người cũng có uy tín, và nghiên cứu về văn hoá truyền thống lâu năm, điêu khắc gia Đinh Công Đạt cũng đồng tình với 2 ý kiến trên: “Bức Stunami của Hokusai nổi tiếng đến mức nó trở thành Icon khi ai đó muốn thể hiện sự dữ dội của biển, nó giống như là đại sứ về văn hóa Nhật, ở đây không thể bào chữa, không thể bao biện rằng đã có sự nhầm lẫn. Cuốn Heritage cũng như một cửa sổ nhỏ cho khách bốn phương trước khi đặt chân vào Việt Nam, có thể tìm hiểu phần nào con người, văn hóa Việt.

Hành động không cẩn trọng của người làm biên tập dễ trở thành một thông báo cho khách bốn phương hiểu rằng một dân tộc vốn có thói quen cóp nhặt, vay mượn văn hóa một cách có truyền thống. Việc này chắc chắn đã là không mới, không phải cá biệt với riêng tờ tạp chí này, nên tôi mong nó sẽ được cải thiện tốt hơn trong tương lai”.

NTK Thế Huy và Hải Long

Về phía tạp chí Heritage, trả lời những thông tin trên, ông Dương Trí Thành, tổng biên tập Heritage cho rằng, hiện ông cũng đã nhận được thông tin về vụ việc gây tranh cãi này, và đây có thể là BST được thực hiện sản xuất bởi các cộng tác viên, và những người biên tập viên phải chịu trách nhiệm với những thông tin và hình ảnh sẽ xuất hiện. Đây không phải là lần đầu tiên BST của các NTK trong nước tạo sóng trong dư luận, ngay từ trước đó, những BST của các NTK như Đỗ Mạnh Cường, Chung Thanh Phong, Văn Thành Công… cũng từng xảy ra những tranh luận về mặt ý tưởng, nội dung.


Minh Hồng
.
.
.