Blog và những "bàn nhậu thông tin"

Chủ Nhật, 29/06/2008, 13:31
Blog đã không còn mới với công dân mạng. Nhưng blog ngày càng lộ rõ sự hai mặt của nó, khi đang tạo ra những làn sóng tin đồn không kiểm chứng. Nhiều người nổi tiếng đã và đang là "món nhậu" của giới blogger mà chính họ không hề hay biết. Và trên những màn hình phẳng, con người dường như đã nhìn nhau với ánh mắt khắc nghiệt hơn…

Mới đây, trên blog của một nhà văn nổi tiếng có đăng tải loạt bài viết về chân dung các nhà văn mà ông gọi là "Hồi ức về bạn văn". "Bạn văn" hiện lên trong mắt ông khá hóm hỉnh, nhưng cũng không kém phần bê tha, thậm chí có vấn đề về mặt nhân cách. Loạt bài viết đó ngay lập tức nhận được sự hào hứng của cư dân mạng. Và rất nhiều bình luận diễn ra sau đó theo chiều hướng tiêu cực.

Điểm lớn nhất của loạt bài này là đã "hạ bệ" những "thần tượng" trong làng văn mà báo chí đã dựng lên từ lâu. Các nhà văn, nhà thơ vốn xuất hiện trong thời kỳ mà cả dân tộc yêu quý thi ca, cái tên nhà thơ, nghệ sỹ là một thứ uy tín vững chắc trước mọi đám đông.

Hơn thế, họ đã quen được mọi người ưu ái với những ánh nhìn đẹp đẽ. Nay, chỉ qua một bài viết, những con người, không ít người trong số ấy từng là quan chức văn nghệ, bộc lộ cả sự dốt nát, hủ lậu và đầy rẫy những ham hố tầm thường. Thậm chí, trong cách hành xử của những người này còn tỏ ra là những người dễ dàng làm những chuyện không ai dám nghĩ tới trong đời sống.

Chẳng hạn như chuyện một nhà thơ sẵn sàng đi ngủ với gái trong khi được phân công đi… chống lũ. Hay nhân vật này cũng sẵn sàng tụt quần để gãi ghẻ trong cuộc họp. Vì là quan chức nên ông bổ nhiệm cho con vào những vị trí quan trọng trong một cơ quan tỉnh như chánh văn phòng (bởi vì con không biết làm gì) hay trưởng đoàn nghệ thuật (vì không biết đánh đàn)…

Nếu như những gì trong đó là sự thật, thì có vẻ như việc bổ nhiệm quan chức cũng dễ dàng như viết blog và người ta muốn làm gì cũng được. Sự thật hay không, đó là điều không thể kiểm chứng. Và sự thật được nhìn theo thiên kiến của một người thích hài hước mọi việc, có thể sẽ bị hiểu lầm.

Nhà văn có giải thích với bạn đọc rằng, đó là chuyện ông hư cấu viết cho bạn bè đọc chơi cho vui. Nhưng nó có ảnh hưởng tới những người được nhắc đến, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Và đã có những đổ vỡ thực sự trong những quan hệ cá nhân, quan hệ trong gia đình và đồng nghiệp của nhân vật. Thông thường, rất dễ để viết về một điều gì đó bên cạnh mình.

Nhưng viết một cách chính xác thì không đơn giản. Và viết qua những giai thoại, qua những lời kể thì còn dễ gây hiểu lầm hơn rất nhiều… Khi bài viết của nhà văn tung lên blog, ngay lập tức đã có phản hồi của những nhân vật được nhắc tên.

Trong đó có người đã tuyên bố, nếu nhà văn không gỡ xuống và có đính chính, ông ta sẽ đưa ra tòa kiện nhà văn vì sự xuyên tạc và bịa đặt. Nhân vật hoàn toàn có thể kiện nhà văn. Nhưng những người từng gọi nhau là "bạn văn" để rồi dẫn nhau ra tòa vì những lời "gãi ghẻ" trên blog?

Vậy thì cả người viết và người được viết sẽ đối mặt thế nào với dư luận và với những bạn đọc đã yêu mến cả hai người trong nhiều năm? Một nữ nhà văn tâm sự, chị đọc xong những bài viết ấy, cảm giác đầu tiên là chua xót. Dường như khi gọi tên những hiện tượng nào đó trong đời sống, người ta dễ dàng gán nó thành bản chất của con người.

Và rồi dựng chân dung người khác bằng một hình ảnh không được trong sáng, khiến mọi điều tốt đẹp về nhân vật đã bị lu mờ. Và chị sợ đọc những điều như thế. Nó làm cho suy nghĩ tốt đẹp của chị về nhân vật bị tác động và khiến chị rơi vào tình trạng mất niềm tin. Dẫu có là sự thật thì cũng cần được diễn đạt theo một cách khác. "Lời nói đọi máu", đó là sự thật mà những người viết ai cũng nằm lòng.

Blog đang trở thành những "nồi lẩu" thông tin và những người ngồi nhậu vô cùng ưa thích những thông tin giật gân, đụng chạm đến đời riêng của người khác. Và nó đã phát huy tác dụng khi có những kẻ mang tà tâm đến với blog. Có rất nhiều thông tin không được kiểm chứng, hoặc được bóp méo theo ý muốn của người viết. Blog sẽ trở thành một vòi bạch tuộc khát máu nếu chủ nhân của nó có ý đồ đen tối trong việc hạ nhục một ai đó.

Chẳng hạn như việc tại một tòa soạn báo tại TP HCM, các thành viên chia bè phái và ấm ức quá lâu trong việc điều hành tờ báo. Nhưng không ai dám công khai góp ý với lãnh đạo. Cũng không ai dám nói thẳng về thực trạng ấy.

Dường như sự nặng nề trong các cuộc họp đã khiến người ta mất nhuệ khí. Và blog phát huy tác dụng. Nó trở thành kênh thông tin để tất cả mọi người trong tòa soạn tìm hiểu về cái gọi là "bí mật" của bộ máy lãnh đạo. Tuy nhiên cái "bí mật" ấy chỉ có một phần nhỏ là sự thật. Số còn lại là những hiện tượng được nhìn theo con mắt tiêu cực. Và từ sự suy diễn chủ quan của người viết, nó trở thành bản chất của vấn đề…

Hay mới đây, trên một trang blog khác của nhóm phóng viên một tờ báo dành cho giới trẻ, có phanh phui những hiện tượng tiêu cực trong nội bộ tòa soạn. Trong đó có nói đến sự… thiếu hụt kiến thức của một phó tổng biên tập khi đi châu Âu, viết bài về "châu Âu du ký" nhưng không có nổi một bức ảnh minh họa, phải ghi là "ảnh sưu tầm từ Internet"...

Mặt tích cực của những phê phán đó, có thể có. Nhưng những nhân viên đó quên mất một điều rằng, đây là cơ hội rất tốt để những tờ báo có cạnh tranh cao với tờ báo của họ biết được tình hình nội bộ của mình, từ đó ra những "đòn" chí mạng. Điều đáng nói là, lẽ ra họ nên thẳng thắn trao đổi và đưa ra những giải pháp tốt thì họ lại làm công việc ngược lại, ẩn mình bằng những nick ảo để nói lén lút những bức xúc của mình.

Và thói quen "đánh lén" trong đời sống đã được dịp phát huy tác dụng tối đa trên những trang web ảo. Trên blog, chỉ việc gõ lên những gì mình thích và thỏa mãn với việc người khác sẽ "dính đòn", họ đang dùng một việc làm thiếu minh bạch để phanh phui những việc thiếu minh bạch khác. Về cơ bản, họ làm không vì mục đích cứu giúp ai đó mà chỉ để thỏa mãn những tư thù của mình mà thôi.

Blog cũng dành cho những người thiếu tự tin. Trong một công ty, khi thấy đồng nghiệp vượt lên, tạo được uy tín và được sự tín nhiệm của lãnh đạo, ngay lập tức những nhân viên thiếu năng lực sẽ trút tức giận và lòng đố kị lên blog. Thực chất điều này là dễ hiểu và nó thường xuyên xuất hiện trong suy nghĩ của rất nhiều người trong đời sống công sở.

Thậm chí từ xa xưa, những điều đó đã được ghi đầy trong những trang nhật ký đau khổ. Nhưng việc viết blog để tìm những đồng minh và xoa dịu nỗi đau thua cuộc của mình thì lại là việc khác. Sẵn sàng dựng chuyện để thóa mạ người khác lại là điều khác nữa. Khi ấy, nó lại thuộc về nhân cách của người viết.

Chỉ vì lòng đố kị và sự thua kém mà sẵn sàng đạp bỏ tất cả, phủ nhận mọi thành quả của người khác và sẵn sàng dựng lên những câu chuyện không có thật làm tổn hại người khác. Đó là thực tế đã và đang diễn ra. Đáng tiếc thay, nó đang ngày càng nhiều lên.

Blog bẩn hay sạch, chính xác hay nhảm nhí hoàn toàn phụ thuộc vào người dùng nó. Nhưng blog ở Việt Nam đang giống như một số đám đông, có một vài kẻ luôn thích làm thủ lĩnh ảo, hô hào mọi phong trào.

Nhìn những blogger ngây thơ bị hiệu ứng của tâm lý đám đông tác động đã sẵn sàng vào cuộc trong những chuyện biểu tình, lên án, đòi hỏi… mà bất chấp pháp luật, với niềm tin ngây thơ rằng, người khác làm vậy thì mình cũng làm được mà quên mất rằng, chính những kẻ to mồm nhất trên blog sẽ là những kẻ im lặng và đứng trong góc tối nhất của cuộc biểu tình.

Và khi có một biến động, ngay lập tức "bang chủ" ấy sẽ biến mất. Và đám đông bơ vơ ấy sẽ phải trả giá vì niềm tin ngây thơ của mình.

Blog, suy cho cùng, hãy để nó là phương tiện chia sẻ thông tin dành cho những người nghiêm túc. Đừng biến nó thành phương tiện tuyên truyền cho một ý đồ không trong sáng…

Duy Văn
.
.
.