Blog nhìn từ cách ứng xử của người Việt trẻ: Đâu phải bởi Yahoo!

Thứ Sáu, 26/10/2007, 10:51
Có rất nhiều bloggers dường như không dám nói thẳng những suy nghĩ của mình về người khác và đem những ý nghĩ đen tối đó lên blog để tìm kiếm đồng minh từ những cái comments. Đó chính là thái độ ứng xử kém văn minh và có sự thiếu minh bạch của một số người trẻ tuổi.

Nếu như trong mỗi xã hội, mỗi quốc gia, những hành xử của con người đều cần phải tuân theo những nguyên tắc chung của luật pháp cũng như đạo đức thì dường như trên "vương quốc ảo", các bloggers đã mỗi người mỗi kiểu để thể hiện, bộc lộ mình. Đã không còn giới hạn và chưa có hành lang nào về mặt ứng xử cho các bloggers. Thế nên, liên tiếp những lình xình từ thế giới ảo đã buộc người ta phải lôi nhau ra tòa án với những thiệt hại hoàn toàn có thật...

1. Câu chuyện giữa blogger "cogaidolong" và ca sỹ Phương Thanh thêm một lần nữa buộc người ta phải nhìn lại, đâu là giới hạn của việc phê phán người khác trên blog và blog có phải là phương tiện truyền thông mới, một loại "dân báo" hay không?

Và blog đang thể hiện tính hai mặt của nó khiến cho cả người sử dụng lẫn những người chịu sự tác động của nó đang lúng túng. Blog có thể giúp liên kết được nhiều con người trong một hoạt động từ thiện nào đó thì nó cũng có thể liên kết nhiều nhóm người thành một "tập đoàn" để chống phá điều gì đó, không loại trừ cả việc chống phá chính quyền.

Trong khi nhiều người vẫn coi những va chạm giữa các bloggers là chuyện nhỏ và chưa đáng báo động; trong khi có vị quan chức của ngành Văn hóa vẫn còn nghĩ blog là lịch bloc thì những va chạm như vậy sẽ còn có xu hướng gia tăng và ngày càng có nhiều biến thái mới.

Quay trở lại câu chuyện của Phương Thanh và "cogaidolong". Hơn ai hết, "cogaidolong" hiểu được rằng sự thật trên blog của mình cần được coi trọng vì chính cô phụ trách tới 4 trang báo "blog Cô gái đồ long" trên tờ "Điện ảnh kịch trường" cuối tháng với những hình ảnh hậu trường về giới nghệ sỹ. Và khá nhiều bài viết của cô trên blog được các tờ báo sử dụng lại.

Chủ nhân của blog "cogaidolong" hiểu rằng, mình cần có trách nhiệm với những gì mình viết ra vì những trang báo mang màu sắc blog và những trang blog mang tính public của một phương tiện truyền thông.

Với bài viết  về live show của Phương Thanh, cô đã gặp phản ứng của các fans hâm mộ ca sỹ này và sau đó là tới Phương Thanh nên đã gỡ bài viết xuống. Có lẽ nên hiểu đó là một thái độ "nhận lỗi". Nhưng sự việc đã không dừng lại ở một cái blog khi Phương Thanh vẫn quyết định đưa "cogaidolong" ra Tòa Dân sự để đòi xin lỗi.

Và Phương Thanh đang đi kiện một cái… nickname! Câu chuyện đến đây lại rẽ sang một hướng khác và vụ kiện hi hữu này đang đưa đến một vấn đề cho blog Việt, rằng đâu là điểm dừng cho những nhận xét mang tính cá nhân trên những trang blog, những trang nhật ký "của một người nhưng dành cho tất cả mọi người"?

Tòa án không phải là nơi để hòa giải các mối quan hệ của showbiz mà nó là nơi phán quyết trắng đen. Khi A bêu xấu B trên blog thì nhiều người sẽ đánh giá B là xấu. Nhưng trên phương diện luật pháp, đó là chuyện của riêng hai người và ai đúng, ai sai cần phải có những chứng cứ thuyết phục.

Vụ kiện của Phương Thanh (không biết có chìm xuồng giống như vụ người mẫu Xuân Lan kiện Tạp chí Tiếp thị & Gia đình hay không) với blogger "cogaidolong" sẽ tạo ra một tiền lệ về những vụ kiện liên quan đến việc bôi xấu danh dự người khác thông qua blog.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ngay cả mạng Yahoo! cũng chưa có được những "quy chuẩn" về những nội dung như thế nào sẽ bị cấm trên các trang blog cá nhân, và ở mức độ nào thì được coi là bôi xấu danh dự người khác.

Và Yahoo! vẫn chưa thực sự vào Việt Nam với tư cách pháp nhân của một công ty chính thức. Và điều đó sẽ khiến vụ kiện về một vấn đề rất đơn giản giữa những cá nhân trở nên um xùm và cách giải quyết sao cho thấu tình đạt lý về mặt pháp lý lại thành chuyện không dễ dàng.

2. Từ chuyện kiện tụng giữa blog "cogaidolong" và Phương Thanh có thể nhìn ra được nhiều vấn đề mang tính cơ bản của blog Việt, mà trong sự bùng phát một cách không kiểm soát được thời gian qua người ta đã chưa kịp nhận diện. Đó là cách hành xử trên những trang blog và cái gọi là "văn hóa blogger".

Bỏ qua vụ kiện này (Vì những gì Phương Thanh kiện cũng chưa thật thuyết phục và "cogaidolong" viết chưa hẳn là sai. Và họ kiện nhau chưa chắc đã vì những gì viết trên blog mà có thể vì những vụ việc nào đó bên ngoài. Quan trọng hơn, "cogaidolong" không dùng blog như một phương tiện để thóa mạ người khác như nhiều bloggers đang sử dụng) để nhìn rộng hơn, có thể thấy rằng, lâu nay rất nhiều người viết blog với đầy thiên kiến cá nhân nhưng lại muốn thật nhiều người đọc (mang ý nghĩa phát tán thông tin, nên để chế độ public) và bóp méo sự thật theo cách mà mình mong muốn vì mục đích nào đó.

Một nửa sự thật thì không còn là sự thật. Hành trình của sự thật đi qua nhiều kênh không chính thống có thể gây ra những hiệu ứng ngược, thậm chí làm ngược nội dung ban đầu.

Và blog chính là cái kênh đó, cái kênh mà ai cũng có quyền "sáng chế" ra những bản tin nóng bỏng y như thật, ai cũng có thể làm nhà báo để phản ánh vấn đề mà mình quan tâm. Không phải ngẫu nhiên mà mỗi tờ báo đều cần có những người biên tập để "gác gôn" phóng viên trước những thông tin được họ say mê mang về từ đời sống.

Bởi họ cần sự tỉnh táo và bài báo chỉ được đăng lên khi nguồn tin thực sự thuyết phục được những người giữ gôn mà thôi. Blog đang có những yếu tố của một kênh thông tin, nhưng nó lại thiếu đi những người gác gôn có bộ lọc tốt.

Nó phụ thuộc hoàn toàn vào cách nhìn nhận và phân tích vấn đề của các bloggers. Chính vì thế, từ những sự kiện mang tính đại chúng, khi vào các tay bloggers giỏi xào nấu, sự việc có thể được nhìn theo cách mà bản thân nó không hề có, nghĩa là đã trở thành vấn đề mang mục đích cá nhân.

Nếu chịu khó đọc các blog sẽ thấy được bộ mặt của rất nhiều blog Việt giống những tờ báo lá cải mà ở đó người ta thích bàn những vấn đề mang tính đời tư, soi mói cá nhân và thích bộc lộ “quan điểm của mình… về người khác” và biện hộ cho những thất bại của mình.

Trong khi đó, nếu coi blog là một trang nhật ký thì trước hết phải thành thật với chính mình, thành thật đến tận cùng, thậm chí có thể phân tích những sai lầm của bản thân mình chứ không phải là chỉ trích những sai lầm của người khác hoặc tự… bịa ra những tì vết của người khác chỉ để nhằm thỏa mãn cái Tôi của mình.

Thậm chí, việc làm ấy có thể coi như một cách để trấn an bản thân trước sự yếu ớt của mình trong cuộc sống, vùi dập người khác để thấy mình không còn nhỏ bé và hèn kém.

Có rất nhiều bloggers dường như không dám nói thẳng những suy nghĩ của mình về người khác và đem những ý nghĩ đen tối đó lên blog để tìm kiếm đồng minh từ những cái comments. Đó chính là thái độ ứng xử kém văn minh và có sự thiếu minh bạch của một số người trẻ tuổi. Họ đã biến những tiện ích của blog thành một bãi rác thay vì sự sẻ chia đích thực hay góp sức vì cộng đồng.

Nếu như bạn vào bất cứ diễn đàn nào, bạn đều phải tuân thủ những quy định của diễn đàn đó, thậm chí bạn đăng nhập vào một trang web đen, bạn cũng cần thỏa thuận những "luật chơi" nhất định.

Điều này dường như blog trên trang Yahoo! ở Việt Nam gần như đã được "xóa bỏ". Và có vẻ như yếu tố này giúp cho lượng người sử dụng dịch vụ của Yahoo! tăng lên nhanh chóng. Và những blog ẩn danh vì những mục đích đen tối đã ngày càng nhiều hơn, thậm chí nếu có cái nhìn bi quan, thì đó còn đang là một trào lưu…

3. Nhìn từ những lình xình vừa qua như kiện tụng, như những cuộc "đấu khẩu" liên tiếp trên blog, có thể nói không quá rằng, lỗi một phần ở báo chí. Không hiếm các tờ báo liên tiếp đưa thông tin về trào lưu blog nhưng thiếu cách nhìn khách quan và thấu đáo nên luôn đẩy sự kiện về hai thái cực và luôn gây  bất bình trong dư luận.

Và các tờ báo mạng đang say mê săn tìm những trang blog lạ để đưa vào chuyên mục của mình như một cách làm không mất chi phí nhưng lại tăng hiệu quả.

Đã có những chuyên mục của vài tờ báo điện tử còn bày những "mẹo vặt" để thu hút người khác vào blog, như thể blog là một sản phẩm cần trưng bày chứ không phải là một trang nhật ký của riêng chủ nhân vậy.

Chính những tờ báo mạng này đã và đang nuông chiều các bloggers hơi thái quá. Và đã có trường hợp tự bịa ra cuộc đời mình chỉ để được lên những trang báo đó và trở thành người nổi tiếng.

Ngay cả vụ việc kiện tụng giữa "Cogaidolong" và Phương Thanh, lỗi cũng là một phần ở báo chí. Nếu nhìn vào gốc vấn đề, có thể nói "chẳng có gì đáng kể" và người ta có thể giải quyết trực tiếp, nếu không giải quyết trực tiếp được thì nhờ tòa phán xử.

Việc lựa chọn vấn đề để đưa lên báo làm sao để bạn đọc hiểu được bản chất của vấn đề chứ không chỉ là bênh vực ca sỹ và "đánh đập" blogger. Chính việc làm này có thể sẽ đẩy mọi thứ đi xa thêm và không giải quyết được vấn đề.

Vấn đề là cách hành xử của con người với nhau cần được nhìn nhận như thế nào. Và blog không có tội. Yahoo! không phạm lỗi mà chỉ có cái cách con người phạm lỗi với nhau mà thôi. Cái quan trọng là phải tạo ra được một “bảng mã ứng xử” của các bloggers trên thế giới ảo.

Đó là một hành lang để các bloggers không bị rơi ngã vào những tội lỗi hồn nhiên bắt đầu từ bàn phím…

Thanh Thủy
.
.
.