Bình yên lễ hội Đền Hùng

Thứ Năm, 02/04/2009, 10:15
Theo ông Nguyễn Tiến Khôi, Giám đốc khu di tích lịch sử Đền Hùng thì năm 2009, lễ hội Đền Hùng được chuẩn bị quy mô, hoàng tráng và có nhiều nét mới và lễ hội sẽ diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 31/3 đến ngày 4/4).

Ngày khai hội (31/3), chúng tôi theo đoàn du khách nườm nượp hành hương về với Đất Tổ. Đến với lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay đến ngỡ ngàng ở khu du lịch.

Toàn bộ đường đi lối lại phong quang, sạch sẽ, các quán bán hàng được sắp xếp quy củ, khang trang, không có cảnh chèo kéo khách du lịch hay những người ăn xin thường thấy. Ở khắp quần thể di tích lịch sử Đền Hùng, đâu đâu chúng tôi cũng thấy thấp thoáng sắc áo xanh quen thuộc của các cán bộ Công an tỉnh Phú Thọ đang làm nhiệm vụ. Đi trong bồng bềnh của khung cảnh thiên nhiên, trong sự háo hức của những người con về với mảnh đất Tiên Tổ, chúng tôi vẫn cảm nhận được sự bình yên.     

Bảng phân trực của Công an tỉnh Phú Thọ những ngày này ghi dòng chữ 100% quân số. Từ trước ngày khai hội, kế hoạch đảm bảo an toàn cho lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương đã được triển khai đến các phòng nghiệp vụ trong Công an tỉnh và Công an TP Việt Trì, nơi diễn ra các hoạt động của lễ hội.

Yêu cầu mà Ban Giám đốc Công an tỉnh đặt ra trong lễ hội Đền Hùng năm 2008 là phải đảm bảo an toàn tài sản, cổ vật khu di tích, tính mạng và tài sản của nhân dân đến tham dự lễ hội.

Chỉ huy tại trung tâm chỉ huy bảo vệ lễ hội Đền Hùng.

Từ tháng 2/2009, Ban Giám đốc Công an tỉnh và Công an TP Việt Trì đã xây dựng và triển khai kế hoạch bảo vệ lễ Giỗ Tổ đến từng đội nghiệp vụ, rồi đến Công an các phường, xã trên địa bàn.

Ngoài công tác phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh xử lý các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, Công an TP Việt Trì cũng tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục thực hiện pháp luật và nếp sống văn minh; làm tốt công tác đảm bảo ANTT; quản lý vũ khí, vật liệu nổ; đảm bảo TTATGT, TTCC và phòng cháy chữa cháy. Từ trước ngày khai hội, các lực lượng đã tăng cường quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện như khách sạn, nhà nghỉ, hiệu cầm đồ...

6h ngày khai hội, Trung tâm chỉ huy bảo vệ lễ hội Đền Hùng đã đầy đủ quân số. Sau cuộc giao ban đầu giờ, các cán bộ được giao nhiệm vụ ai vào việc nấy, họ hoà mình trong dòng khách thập phương tìm về trẩy hội.

Năm nay, việc bảo vệ an toàn lễ hội Đền Hùng được Ban Giám đốc Công an tỉnh coi như "đợt cao điểm". Khắp các quần thể di tích, những lán trại cơ động của lực lượng Công an tỉnh được dựng lên, từng phương án bảo vệ, các biện pháp đối phó với những tình huống xấu nhất đều được đặt ra.

Năm nay, do tính chất cơ động của công việc nên ngoài trung tâm chỉ huy, các lán trại được bố trí ngay tại các địa bàn trung tâm của lễ hội, việc ăn uống được anh em tổ chức ngay tại lán... Nhiệm vụ của họ là bảo vệ các đoàn khách đến với Đền Hùng, khi có yêu cầu của Ban quản lý dự án. Theo dự đoán của Ban quản lý di tích thì số lượng khách sẽ tăng cao nên nhiệm vụ bảo vệ càng đặt ra đối với cán bộ Công an tỉnh Phú Thọ.  

Theo ông Nguyễn Tiến Khôi, Giám đốc khu di tích lịch sử Đền Hùng thì năm 2009, lễ hội Đền Hùng được chuẩn bị quy mô, hoàng tráng và có nhiều nét mới. Lễ hội sẽ diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 31/3 đến ngày 4/4). Ngoài các nghi lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, còn có các hoạt động đa dạng, đặc sắc với các hoạt động văn hoá như thi gói và nấu bánh chưng, giã bánh dày; giới thiệu sản phẩm làng ẩm thực.

Trong lễ hội còn diễn ra các trò chơi dân gian như cờ tướng, cờ người, cùng với các hoạt động văn hoá biểu diễn nghệ thuật của Đoàn nghệ thuật tỉnh Phú Thọ và các đoàn nghệ thuật khác trong và ngoài tỉnh, trong đó có Đoàn nghệ thuật Hwaseong (Hàn Quốc), đặc biệt là màn biểu diễn văn nghệ của các em khuyết tật TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, còn có chương trình triển lãm ảnh nghệ thuật 15 tỉnh phía Bắc, triển lãm trưng bày hiện vật thời đại Vua Hùng và triển lãm ảnh của 15 tỉnh Tây Bắc - Việt Bắc. Vào các ngày diễn ra lễ hội, khu di tích lịch sử Đền Hùng còn có các trò chơi dân gian như múa sư tử, hát xoan... Tại khu vực lễ hội còn có một bảng điện tử lớn phát những hình ảnh về lễ hội.

Ông Khôi cũng cho biết, năm nay, lễ hội Đền Hùng có nhiều cái mới: tất cả hàng quán đều phải niêm yết công khai giá bán, ký cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Các Đội liên ngành thường xuyên kiểm tra chất lượng hàng hoá ở hơn 500 cửa hàng... Ngoài ra, hơn 100 thợ chụp ảnh của Đền Hùng đều được đăng ký hành nghề. Mặt khác, Trung tâm đã thành lập Trung tâm Dịch vụ du lịch, có nhiệm vụ hướng dẫn, vận chuyển du khách.

Trong tâm thức của những người con đất Việt, dù ở nơi đâu cũng đều hướng về quê cha đất tổ với niềm thương nhớ và tự hào. Năm nay, Phú Thọ đang gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền và UNESCO công nhận không gian văn hoá vùng Đất Tổ là di sản văn hoá thế giới. Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương vừa thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" vừa tri ân công đức của Tổ tiên. Lễ hội năm nay, các hoạt động văn hoá sẽ được tổ chức trên một không gian rộng, gắn với chương trình du lịch về cội nguồn.  

Bộ sưu tập trống đồng - minh chứng khoa học về thời đại Hùng Vương

 Ngay trong ngày khai hội Đền Hùng 6/ Kỷ Sửu (tức ngày 31/), Bảo tàng Hùng Vương thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã đón hàng vạn du khách. Một trong những điểm nhấn thu hút khách tham quan đến đây, chính là bộ sưu tập trống đồng rất quý - những minh chứng khoa học về một thời đại có thật trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Trong hơn 700 hiện vật được trưng bày, bộ sưu tập trống đồng gồm 12 chiếc các loại, từ Hêgơ I đến Hêgơ IV, đã thực sự mang đến cho du khách những kiến thức bất ngờ về tín ngưỡng, văn hóa và xã hội của người xưa qua những họa tiết sống động còn lưu lại: trống đồng là biểu tượng của thủ lĩnh, được sử dụng làm âm nhạc trong lễ hội, cầu mùa, động viên binh sĩ ra trận.

Bộ sưu tập trống này không chỉ là những minh chứng có thực về một thời đại lịch sử của dân tộc Việt Nam, mà còn là nét văn hóa độc đáo để hấp dẫn du khách khi đặt bước về vùng đất thiêng Nghĩa Lĩnh.

Dạ Miên

PV
.
.
.