Biết để bình tâm sống

Thứ Bảy, 22/01/2005, 07:02

Chúng ta có lẽ ai mà chẳng biết câu "Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết là sống"... Nhưng thế nào là "biết"? Có người biết chưa nhiều lắm đã tưởng mình biết hết cả rồi và giương giương tự đắc. Có người càng biết nhiều thì càng hiểu ra rằng, thực ra cái mình chưa biết vẫn mênh mông như bể Sở! Và họ càng trở nên khiêm nhường hơn.

Cá nhân tôi thì chỉ rụt rè tự nghĩ, thôi thì mình nghĩ được tới đâu làm tới đấy, không giả vờ khiêm tốn nhưng cũng không bao giờ thấy mình "oai". Các cụ ta ngày xưa cũng đã từng nói rồi, "cao nhân tất hữu cao nhân trị". Trong bất luận trường hợp nào ta cũng nên cố gắng học hỏi ở đời, ở xung quanh, ở trên và cả ở dưới mà bổ sung cho cái sự biết  luôn là hữu hạn của mình. Không chỉ đơn thuần để sống sót, mà để sống một cách bình tâm hơn.

Những ý nghĩ như thế đã trở lại với tâm trí tôi khi tôi dịch bài thơ vô đề 8 câu của một nhà thơ cựu chiến binh Belarus, Pimen Panchenko. Lúc tuổi xế chiều, Panchenko đã viết những vần thơ thấm đẫm nhân tình thế thái và đượm buồn (hình như càng biết nhiều, con người càng đượm buồn?!). Bài thơ như sau:

"Đừng đố kị, cũng đừng hợm hĩnh!
Bạn tôi ơi, hãy làm chủ bản thân!
Tự dưới thấp, hãy nhìn thông cao vợi,
Nhìn mây trời,
Chứ không phải thế nhân!

Còn nếu bạn giữa vinh quang chói lọi,
Hãy tự mình vượt quá nó, bạn ơi!
Tự trên cao, hãy nhìn xuống suối,
Xuống cỏ hoa,
Chứ không phải con người!"

Tôi cũng công nhận với bạn rằng không có gì mới trong những lời khuyên như thế. Nhưng cái hay của nghệ thuật, dù là thơ, văn xuôi hay sân khấu, hay âm nhạc... là ở chỗ giúp chúng ta được thêm lần thấm lại những giá trị, tiêu chí cũ nhưng luôn luôn là thời sự cho mỗi một kiếp người. Có những tín điều chúng ta phải nhắc đi nhắc lại mỗi ngày để ghi nhớ hơn, để khỏi vi phạm, để giữ nhân cách của mình. Không mê tín nhưng cũng không nên coi thường những lễ nghi của những tín ngưỡng.

Đừng bao giờ lấy làm lạ lẫm khi thấy ai đó mỗi khi vào chùa trước tiên là đến trước tấm bia khắc các lời răn của Phật về những điều nên làm và không nên làm. Đừng bao giờ lấy làm lạ khi tín đồ của một tôn giáo nào đó mỗi khi bước vào bữa ăn lại khấn một câu biết ơn về người đã tạo điều kiện cho mình có được miếng cơm manh áo hàng ngày... Những hành động gần như là nghi lễ như thế, nếu được thực hiện một cách thành tâm, luôn mang lại những lợi ích đạo đức vô cùng to lớn.

Trở lại với bài thơ trên, có thể thấy 8 câu thơ đó cũng giống như một lời kệ (theo kiểu Belarus đã được Việt hóa!), có thể được ta thường xuyên nhớ lại để tự răn mình:
"Đừng đố kị, cũng đừng hợm hĩnh!
Bạn tôi ơi, hãy làm chủ bản thân!" 

Nói một cách thẳng thắn, răn dạy như thế thì nhiều người nói được. Mà ở đời cũng chẳng có ai tự nhận thấy mình đang hợm hĩnh hay đố kị cả (biết mình có những tật gọi là xấu ấy, ai dại gì mà không sửa). Oái oăm là ở chỗ, con người chúng ta lắm khi cứ "thật thà hư", mình đang làm việc không hay nhưng lại cứ nghĩ rằng như thế vẫn đúng. Panchenko là một nhà thơ nên ông đã cụ thể hóa lời răn dạy này bằng những chi tiết thực sự mang chất thơ. Ông mách nước cho chúng ta biết cách để tránh hai trong vô số những thói xấu ở đời. Làm thế nào để đừng đố kị? Rất đơn giản:
"Tự dưới thấp, hãy nhìn thông cao vợi,
Nhìn mây trời,
Chứ không phải thế nhân!"

Ở đời có rất nhiều người khả kính mà chúng ta cần trọng thị, khâm phục, học tập những điều hay sự tốt trong cách sống, cách nghĩ, cách làm việc của họ. Nhưng suy cho cùng, hình như chẳng có ai có thể khiến chúng ta phải ghen tị là tại sao họ lại sung sướng thế, mãn nguyện thế! Có thể cách nghĩ này hơi bị AQ một chút nhưng quả thực là, giời thường không cho ai tất cả. Đừng bao giờ nghĩ rằng ai đó được cái gì đó chỉ đơn thuần là do tốt số! Mọi sự ở đời đều có cái lý của nó. Không có "nhân" thì sẽ không thể nào có "quả" được. Có điều, đôi khi chúng ta không nhìn rõ được những cái mạnh của người khác và cả những cái khổ của bề trên nên cứ tưởng họ ngồi cao hơn, họ sang giàu hơn ta hoàn toàn chỉ là chuyện "may hơn khôn" và họ sung sướng toàn phần.

Hiểu được như Panchenko đã dạy thì ngay cả khi ta ngồi ở ghế thấp, ta cũng không hề cảm thấy bứt rứt khi chứng kiến sự thăng tiến hay thành đạt của người khác, kể cả người mà ta không ưa. Panchenko đã viết rất đúng, có ghen tị thì hãy chỉ ghen tị với thông, với mây trời thôi! Cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa cũng chỉ từng mơ ước, nếu có kiếp sau thì muốn "làm cây thông đứng giữa trời mà reo"!

Còn nếu khi ta thành đạt, vung vinh thì sao? Trí tuệ phương Đông dạy ta không bao giờ được "mục hạ vô nhân". Còn thi sĩ xứ sở Bạch Dương Belarus thì nói:
"Tự trên cao, hãy nhìn xuống suối,
Xuống cỏ hoa,
Chứ không phải con người!"

Đúng, từ trên cao hãy nhìn xuống suối mà hiểu rằng, nhỏ như suối cũng có sức mạnh vô địch một khi đã hòa được vào sông, vào biển. Thấp như cỏ hoa cũng luôn có sức sống vô địch không gì sánh nổi, chẳng dễ chà đạp được đâu! Hãy nhìn suối và cỏ hoa để thương lấy thân phận những con người đang tạm thời yếu thế, thấp thế hơn ta. Và trân trọng họ hơn, vì sông có khúc còn người thì có lúc!

Có lẽ phải trả giá nhiều trong đời, ta mới hiểu ra rằng, được không nên quá kiêu, bại không nên quá nản. Cái cứu rỗi con người luôn là những gì bình dị, thân thương như thế

.
.
.