“Bí mật thành Paris” đoạt giải "Oscar văn học Mỹ Latinh" 2007

Thứ Sáu, 27/04/2007, 08:04
Vượt qua 617 bản thảo tác phẩm khác đến từ 22 quốc gia ở châu Mỹ Latinh và ở Tây Ban Nha, tiểu thuyết "Bí mật thành Paris" của cây bút trẻ Pablo De Santis đã đoạt giải "Premio Planeta - Casa" - giải được coi như "Oscar văn học Mỹ Latinh".

Theo RIA Novosti ngày 25/4, tại Bogota (thủ đô Colombia) vừa công bố danh sách những nhà văn lọt vào vòng chung khảo và nhà văn đoạt giải thưởng dành cho tác phẩm xuất sắc nhất viết bằng tiếng Tây Ban Nha ở châu Mỹ Latinh (Premio Planeta - Casa). Giải thưởng này được thành lập từ tháng 1 vừa qua và được coi như một giải "Oscar văn học Mỹ Latinh".

Năm nay giải thưởng được trao lần đầu. Tham dự giải có 618 bản thảo tác phẩm từ 22 quốc gia ở châu Mỹ Latinh và ở Tây Ban Nha.

Nhà văn đoạt giải Planeta - Casa năm nay (kèm theo 200 nghìn USD) là cây bút trẻ Pablo De Santis (SN 1963) từ Argentina. Tiểu thuyết "Bí mật thành Paris" của anh đưa độc giả trở lại với "kinh đô ánh sáng" những năm cuối thế kỷ XIX, khi nước Pháp đang xây tháp Eiffel.

10 nhà văn có tên trong danh sách chung khảo được nhận mỗi người 50 nghìn USD. Tác phẩm của họ, cũng như của De Santis sẽ được phát hành trong năm nay cả ở châu Mỹ Latinh và ở Tây Ban Nha.

Giải "Oscar văn học Mỹ Latinh" do Viện văn hóa lớn nhất châu lục Casa de America phối hợp với nhà xuất bản lớn nhất trong lĩnh vực in sách Tây Ban Nha ngữ Grupo Planeta phối hợp thành lập. Mục đích là gia tăng sự hấp dẫn của văn học tiếng Tây Ban Nha đối với độc giả và hỗ trợ cho các tác giả trẻ tài năng.

Theo lời Chủ tịch Grupo Planeta, ông Jose Manuel Lara, những người lập ra giải thưởng Planeta - Casa không quan tâm tới những mục đích kinh doanh hay quảng cáo: "Đối với chúng tôi, quan trọng nhất là lôi kéo người ta tới với sách, dẫu trong vài ba phút rời mắt khỏi những trận bóng đá được truyền hình trên màn ảnh nhỏ.

Chúng tôi cũng hy vọng rằng giải thưởng này rồi sẽ trở thành một trong những giải thưởng có uy tín nhất trên thế giới và có thể tạo nên sự hấp dẫn toàn cầu đối với nền văn học viết bằng tiếng Tây Ban Nha.

Hơn nữa, nhờ sự hỗ trợ tài chính hùng hậu, những người được nhận giải thưởng và những nhà văn lọt vào vòng chung kết sẽ có thể trong một giai đoạn nào đó thoát khỏi sức ép của các nhà xuất bản, tự do tư duy sáng tác không cần quan tâm tới số lượng phát hành và những chiến dịch quảng cáo…".

Hiện nay tại châu Mỹ Latinh đang có hàng chục giải thưởng văn học khác nhưng tuyệt đại đa số không có ảnh hưởng quốc tế

K.L. (theo RIA Novosti và Wikipedia)
.
.
.