Bi kịch “nhẵn mặt” của diễn viên sân khấu

Thứ Ba, 16/08/2005, 06:43

Khi truyền hình chiếm thế thượng phong, các Nhà hát ở Hà Nội đã không còn giữ chân được các nghệ sỹ của mình bình tĩnh trên sàn gỗ. Họ "bay" theo lời mời của đạo diễn phim truyền hình và cuối cùng có những diễn viên như bị "tẩu hỏa nhập ma", diễn phim ra kịch và diễn kịch thành phim.

Nếu ai có điều kiện theo dõi kỳ thi tuyển sinh vào ĐH SK - ĐA Hà Nội năm nay thì rõ một thực trạng, cứ 10 thí sinh vào vai nghiện ma tuý thì có tới 9,9 người cùng làm động tác ngáp và… gãi cổ. Hỏi, sao lại thế? Trả lời, vì tập theo phim… truyền hình. Rất có thể sau 4 năm nữa, những thí sinh trúng tuyển hôm nay cũng sẽ vẫn mang những động tác ấy đến phim trường.

Nhiều sinh viên năm thứ 2 của trường Điện ảnh đã được đi đóng vai chính, được báo chí lăng xê, bỗng dưng thành… sao và họ chểnh mảng việc học, tự nghĩ mình đã thành công và khi ra trường không thể diễn nổi một vai tử tế trên sân khấu. Họ bị chính cái bóng của mình trùm kín khi cái bóng ấy còn quá còi cọc.

Một đạo diễn sân khấu lừng danh từng cảnh báo, bây giờ ai cũng lên truyền hình, cũng thành sao cả, để rồi về lại với sân khấu trở nên ngọng nghịu, vô duyên… Phim truyền hình nào cũng vậy, các diễn viên sẽ nhận được vai gần với chất của mình nhất, như thế diễn cho nhanh. Với tốc độ làm phim bây giờ, chuyện tập kịch bản mấy tháng trời như thời phim nhựa bao cấp là chuyện hoang đường. Một số diễn viên không cần biết kịch bản thế nào, đạo diễn chưa nói hết câu đã gật đầu nhận vai, sau đó mới tính chuyện vào vai thế nào. Thậm chí, có những diễn viên còn năn nỉ xin vai của đạo diễn, miễn là được xuất hiện khiến tình trạng các cô gái dân tộc nhuộm tóc, anh bộ đội kháng Pháp béo mập… xảy ra thường xuyên tới mức khán giả không muốn kêu ca, coi như chuyện đương nhiên.

Truyền hình "vét" gần hết diễn viên của các nhà hát kịch đổ vào phim, thậm chí có những diễn viên chèo, cải lương còn chưa thoát được nét diễn sân khấu truyền thống nên lên phim có nhiều chuyển động điệu đà rất… kịch. Ai cũng lên phim, cũng có một vài vai lớn trong vài phim nho nhỏ, cuối cùng được biết mặt quen tên, thành sao cả. Để rồi khi Nhà hát tập vở mới, tất cả cùng tập mới thấy gượng gạo, thấy khó khăn để làm tròn vai. Nhưng dường như khi đã trót nổi tiếng thì không ai chịu khép bóng của mình lại. Ai cũng muốn thể hiện, để rồi vở kịch thành những màn phô diễn vụng về.

Có trường hợp đạo diễn phân vai chính diện cho một "sao" từng nổi danh với tuýp nhân vật phản diện trên phim truyền hình. "Sao" ấm ức không nói ra nhưng quyết diễn theo kiểu của mình, thoại chính diện nhưng hành động, cử chỉ lại rất… phản diện. Nghĩa là anh ta sẵn sàng chấp nhận bỏ vai này mà không thấy tiếc, không quan tâm tới đồng nghiệp và không tôn trọng khán giả từng nuôi nấng mình mấy chục năm trời.

Nếu xem một số vở diễn gần đây mới thấy, các sao truyền hình đều cố để lại dấu ấn của mình ở vai sau bằng sự lặp lại các chi tiết, hành động, nói cười của vai trước, vai diễn mà nhờ nó họ được biết tên trên phim. Và sân khấu nhiều khi được gọi mỹ miều là… truyền hình hoá.

Nếu nhìn vào tài năng, có lẽ không ai phủ nhận Quách Thu Phương là một tài sắc của Nhà hát Tuổi trẻ. Nhưng nếu ai xem "Diễm 500 USD" mà cô thủ vai chính mới đây thì quả là thất vọng. Cô diễn giật cục như bị "nuốt bút chì", thậm chí còn bị lặp lại hình ảnh của "Vũ nữ đêm giao thừa" trước đó của mình. Rất nhiều đoạn diễn cô cứ cương lên, hét lên trên sân khấu để lộ rõ đài từ yếu.

Vai Toàn của Đức Khuê trong vở kịch trên cũng cho thấy sự lặp lại của anh với một tuýp nhân vật lẩm cẩm, nói nhiều - nhân vật đã khiến khán giả phục tài diễn hài của anh trong "Gala cười" hai năm trước. Xem rồi tiếc Đức Khuê trong phim "Của rơi", tiếc cả vai người cha thương con trong đau đớn tuyệt vọng của vở "Nhà có ba chị em gái", lấy nước mắt bao nhiêu khán giả mê kịch Hà Nội.

Một nghệ sỹ lão thành cho rằng, sự hụt hơi này buộc các diễn viên phải tự đi tìm câu trả lời cho mình, nếu họ muốn trở thành những tên tuổi lớn của sân khấu. Bởi xung quanh họ đều là những cây đa cây đề, vẫn diễn phim ra phim mà kịch hoàn toàn là kịch. Cái cần là bản lĩnh nghệ sỹ chăng?

Nếu xem Gala cười trên truyền hình, sự xuất hiện dày đặc của các diễn viên kịch khiến nhiều người tự hỏi, vậy họ lấy đâu thời gian để tham gia các vở diễn của Nhà hát? Và liên tục xuất hiện như thế, gỗ đá chắc cũng phải mòn. Về lại sân khấu kịch, nhiều diễn viên mang lên sân khấu cả hình bóng của những ngôi sao… nhẵn mặt, khiến họ rất khó hoá thân vào nhân vật của mình một cách tử tế. Bởi kịch có những ước lệ riêng, mỗi chuyển động là để diễn tả một vấn đề chứ không thể mang cái tôi của nghệ sỹ ra diễn một cách… tự nhiên chủ nghĩa.

Nghệ sỹ ưu tú Hoàng Dũng, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội tâm sự, anh không thể ngăn diễn viên của mình đi đóng phim, bởi đó là nguồn sống của họ trong thời buổi sân khấu khó khăn thế này. Nhưng điều anh mong chờ chính là việc các nghệ sỹ hãy hết mình với các vai diễn của Nhà hát.

Có thể một diễn viên nghiệp dư làm nên chuyện trong tác phẩm điện ảnh lớn. Nhưng điều đó không thể có trên sân khấu kịch. Bởi sân khấu là mồ hôi, nước mắt và tình yêu của người nghệ sỹ với sàn diễn của mình. Mỗi sai lầm của họ trước khán giả không thể rút lại được. Giải pháp mà Hoàng Dũng đưa ra với các diễn viên mê đóng phim truyền hình quá đà là mỗi khi nhận vai diễn của Nhà hát hãy gác lại phim trường, đổ nhiều mồ hôi hơn trên sàn tập. Cái cuối cùng để neo nghệ sỹ với sân khấu là cái vô cùng cũ xưa: đam mê và sự hy sinh. Có vẻ điều này với một số nghệ sỹ trẻ giờ đây không nhiều lắm

Toàn Nguyễn
.
.
.