Bê tông hóa nhà mồ

Thứ Hai, 11/05/2009, 13:45
Già làng A Juh (gần 70 tuổi) của làng Weh, xã Ya Chim cho biết: "Ngày nay vào rừng khai thác gỗ rất khó, nên dựng nhà mồ bằng bê tông cho chắc chắn"...

Tỉnh Kon Tum có 6 dân tộc thiểu số bản địa cư trú từ lâu đời, đó là: Xê Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Bờ Râu, Rơ Mâm. Song, chỉ có tộc người Gia Rai có kiểu kiến trúc nhà mồ và tượng nhà mồ khá độc đáo.

Theo quan niệm của tộc người Gia Rai, thì người chết biến thành a tâu (nghĩa là ma). Sau khi chết, linh hồn cứ lẩn quất gần nơi chôn, lưu luyến với cuộc sống dương gian. Do đó, hằng ngày người thân phải mang cơm nước đến quét dọn nhà mả.

Đến khi tình cảm giữa người sống và người chết đã nguôi ngoai, đồng thời, gia đình tích lũy, dành dụm được một khoản tiền, thì họ mới tổ chức cúng lễ bỏ mả. Khi đó, linh hồn người chết mới được siêu thoát, trở về với "thế giới bên kia" một cách nhẹ nhàng. Lúc đó, người sống mới an tâm làm ăn.

Tượng nhà mồ của tộc người Gia Rai ở xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy.

Tộc người Gia Rai còn quan niệm, ngôi mộ của người chết như là ngôi nhà ở của người sống, nên nhà mồ và tượng nhà mồ của họ được chế tác rất hoàn hảo, có tính thẩm mỹ và nghệ thuật đẽo tượng rất cao.

Trong quá trình xây dựng nhà mồ, thì tộc người Gia Rai vào rừng lấy gỗ dựng cột, thường thì tám cột, vách được dựng bằng dãy gỗ tốt, mái lợp lá, cửa mở về hướng Đông.

Các tượng xung quanh nhà mồ được chế tác hình khối, gọt đẽo thô sơ. Những bức tượng thường được biểu đạt hình ảnh người ngồi trong tư thế hài nhi, hình người đàn bà chửa, hình các con động vật như: khỉ, chó... Tất cả đã tạo nên một "bảo tàng" chân thực về cuộc sống của tộc người Gia Rai.

Thế nhưng, ngày nay do tác động của điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, nên nhà mồ và tượng nhà mồ của tộc người Gia Rai ở Kon Tum có nguy cơ bị mai một. Tộc người Gia Rai hiện cư trú chủ yếu tại các xã: Ya Ly, Ya Xiêr... (huyện Sa Thầy) và xã Ya Chim (thành phố Kon Tum).

Khi đến thăm các khu nhà mồ của tộc người Gia Rai ở xã Ya Chim, chúng tôi thấy lác đác xuất hiện một số nhà mồ được xây dựng bằng bê tông khá kiên cố. Ở đây, một số nhà mồ được sử dụng lưới B40 để rào giậu ngăn xung quanh.

Trong ngôi mộ, họ vẫn còn gìn giữ tập tục chia của cho người đã chết, nhưng ngày nay lại treo thêm hàng mã... Thậm chí có những ngôi mộ được xây thêm am thờ dùng để thắp nhang, thờ cúng. Những điều này trước đây chưa từng xảy ra, bởi trong mỗi ngôi mộ của tộc người Gia Rai chỉ để bát nhang và những vật dùng hằng ngày chia cho người quá cố. Điều này chứng tỏ, đã có sự giao thoa văn hóa giữa tộc người Gia Rai với người Kinh, theo đó, nhà mồ và tượng nhà mồ cũng đã có nguy cơ bị mai một!

Trao đổi với tôi, già làng A Juh (gần 70 tuổi) của làng Weh, xã Ya Chim cho biết: "Ngày nay vào rừng khai thác gỗ rất khó, nên dựng nhà mồ bằng bê tông cho chắc chắn"...

Còn em Y Pưn (22 tuổi), dân tộc Gia Rai đang thực tập công tác hành chính - văn thư tại xã Ya Chim thì cho rằng: "Em không thống nhất việc người sống hằng ngày thăm mả phải bỏ cơm vào miệng người chết thông qua một cái ống nứa nối từ dưới mộ lên mặt đất. Vì làm như vậy rất mất vệ sinh, dễ lây lan dịch bệnh, mà chỉ nên đem cơm ra đặt trên mộ cúng hằng ngày thôi".

Còn việc đẽo tượng nhà mồ và dựng nhà mồ của tộc người Gia Rai ngày nay rất ít người biết. Nhà mồ và tượng nhà mồ là kiến trúc văn hóa đặc sắc của tộc người Gia Rai.

Điều này rất cần sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhằm góp phần bảo tồn nét văn hoá độc đáo nhà mồ và tượng nhà mồ của tộc người Gia Rai. Nếu không, chẳng bao lâu nữa, nhà mồ và tượng nhà mồ chỉ còn lại trong ký ức của tộc người Gia Rai ở tỉnh Kon Tum

Tuấn Vũ
.
.
.