Bế mạc lễ hội "Quảng Nam - hành trình di sản 2009"

Chủ Nhật, 07/06/2009, 11:58
Diễn ra trong 3 ngày, lễ hội "Quảng Nam - Hành trình di sản 2009" đã chào đón gần 10.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Lễ hội đã quảng bá rộng rãi hình ảnh về vùng đất Quảng Nam quyến rũ, tươi đẹp với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo và những con người mộc mạc đáng mến- một nơi đáng để du khách tìm về.

Tối 6/6 tại Hội An, lễ hội đã đã khép lại bằng một chương trình nghệ thuật ấn tượng trên bến sông Hoài…

Ấn tượng và đầy xúc cảm

"Khát vọng Thu Bồn" là chủ đề của lễ bế mạc. Đêm hội tái hiện không gian thanh bình của một vùng quê sông nước. Vùng thượng lưu là hình ảnh đền Chăm linh thiêng với các vũ nữ Apsara múa quạt với tiếng kèn Sa-ra-nai huyền bí vút lên như đánh thức các tượng đá nghìn năm. Vùng hạ lưu sống động với nhịp sống đời thường.

Đó là nơi dòng sông hướng về cửa biển, là của đôi lứa hẹn hò, của cuộc sống lao động tảo tần với ruộng vườn, sông nước. Trai chăm cày cuốc, thả lưới giăng câu. Gái dệt chiếu, chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa, là mạc suối của hò khoan, hò bã trạo… Rừng dừa xanh miên man những khúc ru giấc ngủ trẻ thơ, là nơi che chở nhân dân, là nơi bà mẹ Việt Nam đau đáu tiễn con lên đường, là nơi bộ đội bắt đầu vượt sông đánh giặc và chiến thắng…

Hội ngộ giữa văn hóa Chăm và Hội An.

Nhà biên kịch xứ Quảng Phùng Tấn Đông đã tái hiện sự phát triển vượt bậc của Hội An với những cung đường trải dài ven biển, với những làng quê trù phú và gửi gắm khát vọng của vùng đất này qua hình ảnh chiếc cầu Cửa Đại trong tương lai đang được náo nức dựng xây… Dòng sông Thu chảy từ Mỹ Sơn đến Hội An là một dòng chảy lịch sử và gặp nhau một điểm tựa: Sự khát vọng vươn lên trong cuộc sống.

Đêm hội nối tiếp bằng cuộc diễu hành của các đội hình hóa trang qua các phố cổ qua cầu An Hội  và hòa vào dòng người dạo chơi, thưởng lãm "Đêm phố cổ" và khép lại bằng màn pháo hoa tỏa sáng, vút cao trên bầu trời, để lại sự luyến lưu cho hàng ngàn du khách.

Qua lễ hội, càng thêm yêu di sản

Cách đây 10 năm, thánh địa Mỹ Sơn cùng đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Hai địa danh này giờ đã là những dấu son trên "Con đường di sản miền trung", đã trở nên quen thuộc với du khách trong nước và quốc tế. Nhưng không phải ai cũng biết, ngay từ những năm vừa thoát khỏi chiến tranh, hạt gạo còn cõng lát khoai lát sắn, những di sản này đã được quan tâm tôn tạo, giữ gìn. Cả máu của những người làm công tác khảo cứu, tu bổ Mỹ Sơn- trong đó có những người bạn Ba Lan cũng đã đổ xuống vì bom đạn từ chiến tranh sót lại trong lòng di sản.

Ông Đinh Hài- Giám đốc Sở DL-TT-VH Quảng Nam nhìn nhận: Lễ hội Quảng Nam- Hành trình được tổ chức hai năm một lần, không chỉ là sự quảng bá, thu hút khách du lịch mà qua đó còn nâng cao nhận thức và tình cảm của nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị của di sản.

Điều này biểu hiện rõ qua cách ứng xử đối với di sản của người dân đất Quảng. Và chỉ riêng cách sống mộc mạc chân tình, cởi mở của người dân đã làm tăng thêm giá trị của di sản rồi. Bởi di sản không thể tách rời với truyền thống và cuộc sống hôm nay.

Lễ hội lần này được xem như là sự hồi tưởng, sự trải nghiệm về quá trình bảo tồn di sản. Qua đó, gửi gắm lời tri ân đến các nghệ nhân và cả cộng đồng đã gìn giữ, nâng niu, bồi đắp di sản bằng tất cả tình yêu và nhiệt huyết

Nằm trong chương trình lễ hội, sáng 6/6 UBND huyện Duy Xuyên đã tổ chức lễ khởi công xây dựng tượng đài kiến trúc sư người Ba Lan Kazic (Kazimiers Kwiatkowski) tại Mỹ Sơn theo chân dung phác thảo của nhà điêu khắc Phạm Hồng. Kazik là kiến trúc sư của Liên hiệp Các xí nghiệp trùng tu di tích Ba Lan, là một kiến trúc sư nổi tiếng thế giới với các công trình trùng tu tại Vassava và Ai Cập. Kiến trúc sư Kazic gắn bó với VN suốt 17 năm liền và xem Việt Nam nhu tổ quốc thứ hai của mình. Ông đã có công rất lớn trong việc nghiên cứu, trùng tu thánh địa Mỹ Sơn và đưa Mỹ Sơn trở thành Di sản văn hóa thế giới. Dự kiến công trình sẽ khánh thành vào ngày 4.12.2009 nhân kỷ niệm 10 năm Mỹ Sơn được vinh danh là di sản văn hóa thế giới.

Thân Lai
.
.
.