Bất ngờ trong ngày Nhà giáo Việt Nam

Thứ Tư, 21/11/2007, 13:47
Thời đi học phổ thông, tôi có một ước mơ cháy bỏng là được làm thầy giáo dạy văn nhưng mơ ước ấy mãi mãi không trở thành hiện thực. Có một điều bất ngờ đã xảy ra đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay. Nó đã làm cho tôi rưng rưng...

Thời đi học phổ thông, tôi có một ước mơ cháy bỏng là được làm thầy giáo dạy văn. Mơ ước ấy đồng hành cùng tôi trong những giờ nghe thầy cô giảng bài trên lớp hay ngồi tâm sự với bạn bè.

Nhưng, đất nước còn chiến tranh, học xong lớp 10 tôi tình nguyện vào bộ đội. Khi đã trở thành sĩ quan, do yêu cầu công việc tôi được cấp trên cho đi học Đại học Tổng hợp Văn. Khát vọng trở thành người giáo viên mãi mãi không trở thành hiện thực với tôi.

Nhưng có một điều bất ngờ đã xảy ra đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay.

Tôi nhận được một tấm thiệp Chúc mừng ngày 20/11 rất đẹp và kèm theo đó là một bức thư ngắn gọn nhưng chứa chan tình cảm ấm áp của Khoa Sáng tác và lý luận phê bình văn học Trường đại học Văn hóa Hà Nội. Bức thư như sau:

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2007

 Thư cảm ơn

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Khoa Sáng tác và LLPB văn học - Trường đại học Văn hóa Hà Nội trân trọng gửi tới Thầy/ Cô lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Kính chúc Thầy/ Cô cùng gia đình dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

Khoa Sáng tác và LLPB văn học trân trọng cảm ơn Thầy/ Cô đã nhiệt tình cộng tác và giúp đỡ chúng tôi trong công tác đào tạo, hướng dẫn chuyên môn cho cán bộ trẻ và sinh viên.

Kính mong Thầy/Cô tiếp tục cộng tác và giúp đỡ Khoa trong những năm tiếp theo.

         T/M BCN Khoa
PGS.TS. Nhà văn Văn Giá

À, thì ra do tôi có tham gia đọc, chấm, nhận xét trao đổi các tác phẩm định kỳ của các em sinh viên Khoa Sáng tác và LLPB văn học và cũng đã chấm môn năng khiếu cho thí sinh dự thi vào Khoa trong kỳ thi đại học nên vẫn được "phong" là giáo viên.

Tôi rất có ấn tượng với các em sinh viên trong các buổi trực tiếp trả bài, thầy trò trao đổi thẳng thắn vui vẻ lắm.

Chuyện có thể rất nhỏ, chẳng có gì để kể nhưng thực lòng nó đã làm cho tôi rưng rưng. Tấm thiệp đơn sơ và bức thư chân thành của Khoa Sáng tác và LLPB văn học Trường đại học Văn hóa Hà Nội làm cho tôi càng thấm thía câu "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư"/ Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy".

Và, tôi nghĩ đó cũng là một nét đẹp văn hóa đáng trân trọng

Nguyễn Hữu Quý
.
.
.