Bất hợp lý trong cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên du lịch

Chủ Nhật, 04/03/2012, 19:16
Quy định ngặt nghèo, chưa phù hợp với thực tiễn, hướng dẫn viên được cấp thẻ không nhiều trong khi nhu cầu vẫn cần nên nhiều đơn vị cứ “việc tôi tôi làm”. Tất nhiên là hướng dẫn viên phải hành nghề chui, chỉ có điều bị phát hiện hay không, bị phạt hay không mà thôi.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt đã bức xúc cho biết: Bản thân ông vừa tham gia giảng dạy, vừa phụ trách câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch thành phố, vừa trực tiếp hoạt động kinh doanh du lịch khá nhiều năm nên thấu hiểu khó khăn đến thế nào khi văn bản, quy định xa rời thực tế. Chỉ riêng chuyện cấp thẻ hành nghề cho hướng dẫn viên đã đủ chuyện cười ra nước mắt.

Thống kê cho thấy, TP HCM luôn dẫn đầu cả nước về lượng khách lẫn doanh thu du lịch. Thế nhưng, tính cả hướng dẫn viên cho khách trong nước đi du lịch nước ngoài, khách du lịch nội địa lẫn khách quốc tế thì con số được cấp thẻ mới vỏn vẹn có vài ngàn.

Ông Mỹ cũng cho biết, chưa có ở đâu quy định cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên du lịch lại… kỳ lạ như ở Việt Nam. Bởi, nghề hướng dẫn viên chỉ cần có kinh nghiệm, trình độ trung cấp là được. Riêng hướng dẫn viên cho khách nước ngoài đặc biệt cần ngoại ngữ. Thế nhưng, để được cấp thẻ, hướng dẫn viên buộc phải có bằng cao đẳng, đại học. Bằng đại học cũng mỗi trường đào tạo ghi mỗi kiểu, nhìn vào tấm bằng không biết sinh viên được đào tạo cái gì để mà tuyển dụng. Càng không có cái gọi là bằng cấp cho sinh viên tốt nghiệp đại học hướng dẫn viên du lịch.

Hơn thế, Việt Nam chỉ có 2 loại bằng: hướng dẫn viên du lịch nội địa và hướng dẫn viên du lịch quốc tế, còn thế giới rất rõ ràng, hướng dẫn viên tiếng Anh thì ghi hướng dẫn viên tiếng Anh, tiếng Trung Quốc ghi hướng dẫn viên tiếng Trung Quốc. Chỉ có Việt Nam thuộc hàng “siêu đẳng” nên mới có cái gọi là hướng dẫn viên quốc tế đáp ứng cho mọi đối tượng khách quốc tế.

Thiếu hướng dẫn viên du lịch cho khách quốc tế đủ điều kiện được cấp phép vẫn là vấn đề nan giải của nhiều đơn vị lữ hành.

Quy định ngặt nghèo, chưa phù hợp với thực tiễn, hướng dẫn viên được cấp thẻ không nhiều trong khi nhu cầu vẫn cần nên nhiều đơn vị cứ “việc tôi tôi làm”. Tất nhiên là hướng dẫn viên phải hành nghề chui, chỉ có điều bị phát hiện hay không, bị phạt hay không mà thôi.

Ông Mỹ ví dụ, trong lượng khách đến Việt Nam vừa qua có đến nửa triệu là khách du lịch đến từ Campuchia nhưng có mấy hướng dẫn viên thạo tiếng Campuchia? Trung Quốc, Hồng Kông là một trong những thị trường trọng điểm, có lượng khách du lịch đến TP HCM đông nhất mấy năm gần đây nhưng hầu hết người làm nghề hướng dẫn viên thạo tiếng Trung chỉ có kinh nghiệm lâu năm, đòi hỏi trình độ bằng cấp như quy định hiện nay thật khó đáp ứng được.

Rất nhiều đơn vị lữ hành buộc phải có hình thức đối phó: Cẩn thận thì cử một hướng dẫn viên có thẻ hướng dẫn viên quốc tế theo đoàn để phòng khi có kiểm tra, dù rằng có thể hướng dẫn viên này không thạo ngoại ngữ của đoàn khách đó. Hướng dẫn viên chính có khi vẫn là người chưa hề có thẻ…

Thực tế, thẻ hành nghề cho hướng dẫn viên du lịch chỉ là một trong vô vàn các vấn đề khác gây cản trở phát triển du lịch chỉ vì những quy định “thừa thì cứ thừa” trong khi văn bản pháp luật vẫn không ít các lỗ hổng khiến người trong cuộc cũng không ít phen lao đao. Cần phải sửa đổi cho phù hợp với cuộc sống

N.Nguyễn
.
.
.