Bảo tàng Y học cổ truyền đầu tiên tại Việt Nam

Thứ Sáu, 20/04/2007, 09:49
Bảo tàng này do ông Lê Khắc Tâm - Chủ tịch Công ty Dược phẩm FITO Pharma - sáng lập, trưng bày gần 3.000 hiện vật liên quan đến nền YHCT Việt Nam từ thời đồ đá đến nay với nhiều hiện vật và tài liệu quý hiếm xưa nay chưa từng thấy...

Việc tìm kiếm và sưu tầm các hiện vật liên quan đến y học cổ truyền (YHCT) thực sự là việc đãi cát tìm vàng. Từ xưa đến nay chưa thấy nơi nào ở Việt Nam lưu trữ hoặc sử dụng đầy đủ những hiện vật mà ở đó những người quan tâm đến lịch sử YHCT Việt Nam có thể tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu về YHCT.

Vì vậy, thông tin về một bảo tàng y học cổ truyền vừa mới được khai trương ngay tại TP HCM khiến chúng tôi phải tò mò đến tận nơi tìm hiểu.

Lưu giữ nhiều hiện vật và tư liệu quý

Nằm trên con đường nhỏ ở quận 10, bảo tàng là một tòa nhà (1 trệt và 5 lầu) có nội thất gồm 24 phòng (trong đó có 16 phòng trưng bày) với diện tích sử dụng gần 600m2 được xây dựng chủ yếu từ nguyên liệu gỗ theo phong cách kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Từng tầng tòa nhà có một cách trang trí riêng (tầng gỗ chạm, tầng khảm trai, tầng nhà gỗ truyền thống, tầng sơn son thếp vàng) nhưng tổng thể là một công trình hài hòa thống nhất. Nhiều họa tiết gỗ trong bảo tàng thể hiện sự tinh xảo của các nghệ nhân nghề khắc gỗ Việt Nam.

Ngoài ra, bảo tàng cũng sử dụng nguyên liệu là khung của các nhà gỗ cũ, trong đó có một số khung nhà được chế tạo từ cuối thế kỷ XIX và một khung nhà được gia đình lương y bốn đời Vũ Hữu Ấn ở Kiêu Kỵ, Gia Lâm - Hà Nội tặng.

Hiện bảo tàng trưng bày gần 3.000 hiện vật liên quan đến nền YHCT Việt Nam từ thời đồ đá đến nay cùng với nhiều dụng cụ bào chế thuốc như: dao cầu, thuyền tán, chày cối, siêu sắc thuốc, lu ngâm hũ rượu…; các bộ sưu tập những vật dụng dùng trong nghề bán thuốc như cân, tủ thuốc, bảng quảng cáo, khuôn in và đồ gốm sứ - hồ lô rượu, ấm trà, bát uống thuốc, bình vôi… và nhiều sách, tài liệu liên quan đến YHCT.

Tại bảo tàng, có rất nhiều hiện vật và tài liệu quý hiếm xưa nay chưa từng thấy. Như chiếc thuyền tán bằng đất nung bị sứt mẻ hiện chỉ còn lại một nửa có hoa văn trang trí có niên đại trước công nguyên và miếng đá có vết thuyền tán tìm thấy dưới đáy sông Hồng (những hiện vật này được trưng bày tại phòng số 3).

Bức tranh chạm gỗ "Việt Nam bách gia y" được gắn tên tuổi của 100 danh y - tác giả YHCT Việt Nam đã có công đóng góp cho sự phát triển của YHCT Việt Nam từ thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XX; kho tàng sách Hán Nôm YHCT Việt Nam cũng là một kho tư liệu quý của ngành Y, nơi đây tập trung được nhiều quyển sách quý như "Nam dược thần hiệu" của Tuệ Tĩnh xuất bản năm 1922, "Hải Thượng y tông tâm lĩnh toàn trật" - Hải Thượng Lãn Ông xuất bản năm 1822…

Bộ sưu tập ấm chén thuốc tại Bảo tàng.

Hay tập tranh "Việt Nam bản thảo" dày 12 trang, mỗi trang cao 1,6m, rộng nửa mét ghi lại hình ảnh gần 2.000 cây thuốc. Bộ sưu tập ấm, chén thuốc, trong đó có một số chén có từ thế kỷ I đến thế kỷ thứ III và cuối cùng là bức tranh khảm cẩn nổi với tên gọi "YHCT trong cuộc sống của cộng đồng người Việt". Đây là bức tranh lớn nhất Việt Nam với chủ đề về YHCT. Phần trên của bức tranh miêu tả hình ảnh của ba miền Bắc - Trung - Nam, phần dưới mô tả phố thuốc Bắc…

Ngoài các hiện vật quý hiếm trên, ấn tượng của khách tham quan là các phòng trưng bày đều có những bức tranh được gắn trên tường gỗ (tranh cũng bằng gỗ) mô tả những hoạt động liên quan đến YHCT như cảnh hái thuốc, bào chế thuốc, bắt mạch, kê đơn… được họa tiết rất tinh vi

Ra đời từ thú mê sưu tập của "ông chủ" bảo tàng

Tiếp chúng tôi tại bảo tàng, bà An Ngọc - Giám đốc Điều hành bảo tàng cho biết, bảo tàng ra đời xuất phát từ thú mê sưu tập của anh trai bà - ông Lê Khắc Tâm - Chủ tịch Công ty Dược phẩm FITO Pharma và cũng là người sáng lập ra bảo tàng. Qua nhiều năm sưu tập, bộ sưu tập ngày càng lớn, thế là ý tưởng thành lập bảo tàng ra đời.

Dù mới thành lập (tháng 2/2007), thế nhưng bảo tàng đã thu hút khá đông khách đến tham quan, nhất là khách nước ngoài dù giá vé không hề rẻ (32.000 đồng/người/lượt).

"Ngoài việc thành lập bảo tàng để bảo tồn những tài sản quý giá của ngành y học cổ truyền, chúng tôi còn mong muốn bảo tàng trở thành một điểm du lịch cho khách trong nước và quốc tế" - bà Ngọc cho biết.

Để thực hiện được điều này, hiện bảo tàng đang mời một số công ty du lịch đưa khách lữ hành đến tham quan. Và sắp tới đây, khi tới tham quan khách còn được các bác sĩ ở đây bắt mạch, kê toa, miễn phí nếu có nhu cầu

Anh Huy
.
.
.