Bạo lực bóng đá không thể làm ngơ

Thứ Tư, 28/04/2010, 10:35
Bạo lực đã, đang làm nhiều trận đấu của bóng đá Việt Nam trở nên ngột ngạt. Sự ngột ngạt mà nói như nhiều người cực đoan là đã "hết thuốc chữa", nhưng sự thật liệu có như vậy?
>> V.League bao giờ hết nạn "ném vật cứng" xuống sân?

Trận đấu mới đây nhất trong khuôn khổ bán kết Cúp QG 2010 giữa Sông Lam Nghệ An và Megastar Nam Định những tưởng sẽ diễn ra trong cảnh… hòa bình. Tưởng vậy là bởi trong khi Sông Lam quyết tâm chiến thắng thì Nam Định lại có nhiều biểu hiện "nhường sân" để dồn toàn tâm lực cho cuộc chiến trụ hạng ở V.League. Thực tế là Nam Định đã ra sân với đội hình 2, và đã chơi một thứ bóng đá phòng ngự chịu đựng đúng như nhiều người suy nghĩ. Ấy thế mà những pha va chạm trên mức cần thiết vẫn cứ diễn ra, khiến trận đấu nóng tới mức có nhiều lúc như… muốn nổ.

Vẫn ở sân Vinh, trong một trận đấu tại V.League cách đây chưa lâu giữa Sông Lam Nghệ An và SHB Đà Nẵng, điều tương tự cũng diễn ra. Theo lời kể của nhiều cầu thủ Đà Nẵng thì trận đấu ấy, họ nhiều thời điểm phải chủ động "tránh người không bóng" để các cầu thủ chủ nhà… muốn làm gì thì làm. Một cầu thủ (đề nghị giấu tên) nói với chúng tôi: "Đà Nẵng đang ở vào thế ung dung, nên chúng tôi không dại gì lao vào những pha tranh chấp mất chân như chơi mà chủ nhà cố tình… giăng ra".

Cộng hưởng với thứ bóng đá bạo lực của cầu thủ Sông Lam là những đôi chân sắt đá ở Xi Măng.Hải Phòng. Có thể nói, gần như trận đấu nào có sự tham gia của Xi Măng.Hải Phòng là trận đấu ấy nóng vì bạo lực. Leandro - người được cho là một biểu tượng của bóng đá đất Cảng cũng đồng thời là một ông thầy của những pha… đánh nguội. Chính Leandro đã đánh cùi chỏ vào mặt Võ Duy Nam của Hà Nội T&T tới mức cầu thủ này đã phải ôm mặt rời sân.

Khi gặp Xi Măng.Hải Phòng, cầu thủ Hà Nội T&T là nạn nhân của những màn bạo lực, nhưng khi gặp những đội bóng khác thì chính Hà Nội T&T lại là đối tượng tạo nên những pha bóng bạo lực đó. Bằng chứng là Benicio, một trong những con át chủ của Hà Nội T&T đã đánh người không bóng tới mức sau trận đấu đã bị BTC V.League đình chỉ thi đấu, dù cho ông trọng tài chính không phát hiện ra lỗi, và không rút thẻ.

Bạo lực bóng đá đang tràn ngập sân cỏ Việt Nam.

Nếu nhìn lại cả một chặng dài V.League và Cúp QG từ đầu năm tới giờ, có thể khẳng định là không chỉ những đội bóng nổi tiếng là "ngổ ngáo" kiểu Sông Lam Nghệ An hay Xi Măng Hải Phòng, mà ngay cả những đội bóng vốn được cho là tín đồ trung thành của bóng đá đẹp như Hoàng Anh Gia Lai hoặc luôn được ca ngợi bởi phẩm chất trong sáng như Đồng Tâm Long An cũng đã ít nhiều tham gia vào những…trò chơi bạo lực đầy phản cảm.

Điều đáng nói là bạo lực trên sân cỏ hay bạo lực trên khán đài mới chỉ là một góc của vấn đề - cái góc đã xuất hiện và đã được nhìn nhận, mổ xẻ từ những mùa giải trước đây. Nhưng hiện giờ lại có thêm một góc bạo lực khác không kém phần phản cảm mà nói như dân trong nghề là "bạo lực phóng viên". Chẳng là trong trận đấu giữa Nam Định với Đồng Tâm Long An trên sân Long An, khi một phóng viên ảnh lao vào chụp một pha đánh nguội của cầu thủ thì anh đã lập tức bị những thành viên của BTC sân "tuýt còi". Thậm chí phóng viên này còn bị "kiểm tra" máy ảnh, để từ đó, người ta tiện bề xóa đi những bức ảnh bạo lực mà anh vừa chụp.

Hành vi này chẳng khác gì việc những người có quyền (dĩ nhiên là có quyền trong khuôn khổ một cái sân) đã cố tình che đậy những biểu hiện bạo lực bằng những sự chèn ép bạo lực khác.

Bóng đá là hiện thân của cái đẹp, là môn thể thao vua - đấy là điều mà cả nhân loại này đã và đang thừa nhận. Bởi thế người ta không thể mãi chung sống với một thứ bóng đá bạo lực đã và đang tràn ngập sân bóng Việt Nam

Diệp Xưa
.
.
.