Bằng lăng chớp sáng cánh cò

Thứ Năm, 26/05/2005, 06:52

Đó là một khu vườn sầm uất trồng toàn tre, trúc, xen kẽ một vài gốc trâm bầu, bằng lăng, me, gáo. Từ chỗ vòm xanh cách chỗ chúng tôi quan sát chừng 50 mét, đã có vô số cánh cò trắng chấp chới, phát ra những âm thanh trong trẻo, lúc ồ ề, vang vọng giống như một bản hợp xướng đầy thú vị.

Điều làm tôi say mê nhất là những cánh cò đủ loại cứ thả mình trên không, lượn lờ theo một vũ điệu ngoạn mục, rồi nhẹ nhàng đáp xuống đậu sát bên nhau kề mỏ thầm thì, to nhỏ bằng một thứ ngôn ngữ kỳ quặc. Tôi say mê theo dõi một gia đình cồng cộc có bộ lông đen mun đang âu yếm, nhảy nhót theo “vũ điệu rừng xanh” trên ngọn trâm bầu, bỗng có bàn tay ai đó vỗ nhẹ vào vai tôi, giọng thân thiết:

- Chưa đâu, một lát nữa, khoảng 5giờ30 tới 6 giờ, nó sẽ bay về trắng cả khu vườn cho mà coi! Lúc đó chú tha hồ mà chụp ảnh và quay phim.

Thì ra đó là bác Nguyễn Ngọc Thuyền, chủ nhân của vườn cò Bằng Lăng ở huyện Thốt Nốt, Cần Thơ.

Từ những vạt vườn xa tít, nhiều con lông trắng, lông nâu chấp chới bay đi bay lại, gần hơn là những chị cò đang nằm trong tổ, mà cứ ló đầu ra “cãi cọ” như sợ bị ai giành nhà chiếm đất. Bên ngoài nhiều con tranh nhau chỗ đậu, kêu oang oác, ồn ào, náo động cả một góc trời. Bác Thuyền nói:

- Cò là loài động vật hoang dã nhưng chúng mang tính tập thể rất cao. Có lần tôi đến đây vào một buổi sáng tinh mơ, cả họ nhà cò đều thức giấc, cất lên âm điệu “coọc, coọc, coọc” muôn đời. Sau đó, một vài con rời cành bay vút lên cao, lấy đà lao thẳng về một phương trời đã định. Thế là ngay lập tức, hàng trăm, hàng ngàn những cánh cò khác vội vã bay lên theo một đội hình đều đặn, ít con nào tự ý tách bầy. Chúng tản đi các nơi để săn mồi, ở nhà chỉ còn lại những lũ chim non còn trong tổ, cò mẹ đi kiếm mồi cứ nuốt vào bầu diều, khi trở về há miệng cho cò con tự thọc mỏ vào lôi ra từng con cá, không giống như cách mớm mồi của các loài chim khác.

Cả một khu vườn rộng hơn 13.000m2, thế mà nơi nào cũng có chim làm tổ, ấp trứng và nở con, đông nhất là từ đầu mùa mưa cho đến tháng mười. Người dân ở đây cho biết, mỗi lần mưa giông, thân cây oằn oại, gãy đổ, trứng và chim non rơi rớt, những lúc đó, bác Thuyền phải thức đêm để tìm kiếm và cứu hộ. Có thể nói bác là hình ảnh tiêu biểu của một lão nông có tấm lòng yêu quý chim muông như yêu con. Ngày nào bác cũng rảo bước khắp vườn để theo dõi, quan sát từng lùm cây, bụi rậm và tìm kiếm những con chim non bị rớt khỏi tổ hoặc đưa những con bị thương tật về nhốt riêng nuôi dưỡng. Nhiều chú cò đi ăn xa bị mắc câu, lôi cả dây về tới vườn bị kiệt sức, bác phải tìm cách gỡ lưỡi câu ra bằng những bí quyết riêng. Nhờ vậy mà mỗi năm bác đã cứu sống hàng trăm con cò và các loại chim nước bị mắc bẫy và mắc câu.

Theo lời bác Thuyền, nơi đây trước kia chỉ là một khu vườn tạp. Không ngờ vào một ngày đầu xuân 1983 có một đàn cò không biết từ đâu đã mỏi cánh giang hồ bay về đáp xuống tìm nơi trú ngụ. Lúc đầu chỉ vài ba chục con, rồi dần dần tăng lên ngày càng đông, khiến cho khu vườn không đủ sức chứa, một số cây bị khô héo và chết vì ảnh hưởng của phân cò. Giữa lúc khó khăn tưởng chừng như bế tắc thì may thay được giáo sư Võ Tòng Xuân và ông Tám Hữu Trí, lúc đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ hết lòng hỗ trợ và giúp đỡ tài chính nên vườn cò tiếp tục phát triển.

Đầu năm 1998, vườn cò bắt đầu đón khách. Công ty Du lịch tỉnh Cần Thơ cũng quan tâm hướng dẫn chủ vườn cò trồng thêm cây xanh, mở rộng diện tích và dựng tháp quan sát để phục vụ cho du lịch. Tuy nhiên, việc quản lý vườn cò ở đây còn mang tính thủ công, nên việc đón khách và hướng dẫn khách còn nhiều bất cập, nhất là cảnh quan môi trường, chỗ nghỉ ngơi, thư giãn chưa đáp ứng nhu cầu của khách tham quan.

Vườn có Bằng Lăng tuy không phải là một khu vườn nguyên sinh thơ mộng, không có hương tràm nồng đượm như ở Tràm chim Tam Nông, hoặc như ở U Minh, nhưng vào những ngày trời êm nắng đẹp, cảnh sắc tươi đẹp như thế này, thật không gì bằng. Lúc ráng chiều ửng đỏ, vài tia nắng vàng chập choạng trên những lùm cây cũng chính là lúc đàn chim rợp trời bay về đậu oằn trên các ngọn tre, đông nhất là cò. Trong giây phút tuyệt vời đó, mọi người say sưa ngắm nhìn những đàn cò từ các hướng bay về mỗi lúc một đông, không biết cơ man nào mà kể, lớp lớn, lớp nhỏ, sắc màu đủ loại: ngà, trắng, nâu, bông, lửa, đen, xám… Cả một vườn cây xao động. Chúng vừa bay vừa sải rộng đôi cánh, chao liệng một vài vòng rồi nhí nhảnh sà xuống bãi đáp, túm năm tụm ba, con thì bù khú, đầu lắc lư, con thì ríu ra ríu rít, thỏ thẻ trông thật gợi tình.

Đặc biệt là họ hàng nhà cồng cộc, chàng bè, giang sen lúc nào cũng oang oác, khi xầm xì, khi lớn giọng tạo thành một giai điệu trầm hùng thật êm tai. Tại đây còn có cả tiếng cuốc  khắc khoải gọi bầy và tiếng chim bìm bịp kêu nước lớn nước ròng vang lên trong cái yên ắng của trời chiều mát rượi. Hình như mỗi loài chim đều có một thứ ngôn ngữ biểu cảm riêng, một cách tỏ tình bí ẩn khác nhau, mà con người đang muốn khám phá.

Hiện nay đàn cò Bằng Lăng đang ở vào thời kỳ sung túc, bình quân mỗi ngày có hàng chục vạn con quần tụ và sinh sản. Cò và bạn cò là loài chim di trú theo mùa, nên vào khoảng tháng chín âm lịch hằng năm cò về rất đông, bãi đáp ngày càng thu hẹp, nên môi trường vệ sinh nhất là mặt nước ao hồ dễ bị ô nhiễm, nguồn thức ăn thiếu thốn vì thiếu vùng đệm, thảm thực vật bị khô chết dần, mặc dù năm nào cũng trồng bổ sung nhưng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu phát triển của đàn cò.

Tuy diện tích nhỏ hẹp, nhưng nếu so với vườn cò Bạc Liêu, Trà Vinh và Vàm Hồ, Bến Tre thì vườn cò Bằng Lăng ổn định và sinh sản nhiều hơn. Có những loài chim trời bốn mùa tung cánh nhưng tới mùa ái ân lại kéo về Bằng Lăng xây tổ ấm, đẻ trứng và nuôi con cho đến lúc trưởng thành rồi lại quay về với ngàn xanh. Cũng có những loài chim sau một ngày bạt cánh giang hồ như bồ nông, bìm bịp, cuốc lại rủ nhau về "miền đất hứa” tìm một giấc ngủ yên bình để sáng hôm sau lại tiếp tục lên đường.

Từ đầu năm 2005 đến nay, khách đến tham quan vườn cò Bằng Lăng rất đông, đông nhất là vào các ngày lễ hội. Nhiều người đến vùng cò Bằng Lăng đều mong muốn vùng “đất lành chim đậu” này được ngành du lịch hoặc một hội đoàn bảo vệ động vật hoang dã đầu tư, biến nơi đây thành khu bảo tồn những loài chim quý hiếm, nâng cao các hoạt động vui chơi thưởng ngoạn, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đối với khu vực vườn chim, như giảm bớt tiếng ồn, tiếng xe, làm cho môi trường thoáng đãng, dòng nước thông lưu, xử lý phân rác một cách có hiệu quả. Phải biết kết hợp giữa du lịch với ý thức bảo tồn, không nên coi vườn cò này là một nơi tham quan đơn thuần nhằm thu tiền vào cổng

Hoài Phương
.
.
.