Ban tổ chức V.League 2006 và những dấu hỏi

Thứ Hai, 09/01/2006, 06:45

Trái bóng V.League 2006 chờ lăn. Cái tên V.League 2006 chờ ghép tên với nhà tài trợ. Ban tổ chức (BTC) V.League 2006 chờ… tiền. Thế nhưng, trong khi chờ đợi, người ta cũng đã kịp "đẻ" ra một bộ máy điều hành và tổ chức giải "khổng lồ" để… tiêu tiền?

Khác với mùa giải trước, thành phần BTC V.League 2006 "phình" ra thêm 8 tiểu ban (kỷ luật, chuyên môn, an ninh, tuyên truyền, tổng hợp, trọng tài, tư cách cầu thủ...) với chức năng "giúp việc" cho Trưởng BTC giải. Trong khi đó, ở cấp điều hành của LĐBĐVN (VFF) cũng tồn tại các phòng, ban có chức năng và nhân sự tương tự. Ví dụ như ở cấp điều hành LĐBĐVN có Phòng Pháp lý và tư cách cầu thủ, Phòng Điều hành trọng tài thì ở BTC V.League 2006 cũng có Tiểu ban tư cách cầu thủ, Tiểu ban trọng tài. Có chăng sự "trùng lắp", chồng chéo chức năng giữa các tiểu ban của BTC V.League 2006 và các phòng của LĐBĐVN trong thời gian giải diễn ra? Hay đơn giản hơn việc thành lập các tiểu ban của BTC V.League 2006 chỉ mang ý nghĩa có ban bệ, nghĩa là có thêm "lương" cho cùng một việc.

Tuy nhiên, "ngoạn mục" nhất là việc BTC làm "sống lại" cái ý tưởng "Hội đồng Thái Thượng hoàng" đã từng "chết yểu" ở cuối nhiệm kỳ 4 của VFF bằng việc thành lập một ban chỉ đạo tổ chức các giải với thành phần gồm 4 lãnh đạo của LĐBĐVN là Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ; Phó Chủ tịch Vũ Quang Vinh, Lê Hùng Dũng; Tổng Thư ký Trần Quốc Tuấn và một đại diện của Ủy ban TDTT là trợ lý Bộ trưởng Ngô Tử Hà.

"Lương bổng" của những "chỉ đạo viên" này cũng vào mức kha khá: 1,7 triệu đồng/người/lượt trận, trong khi thu nhập của một trọng tài chính, dù đã được tăng lên gấp đôi so với mùa giải trước, cũng chỉ dừng lại ở mức 1,5 triệu đồng/trận.

Phải chăng "một người lo bằng kho người làm" nên có sự "phân hóa thu nhập"? Thế nhưng, trên thực tế, ở thời điểm hiện tại, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của "Hội đồng lãnh đạo" này với công tác tổ chức của V.League 2006 lại rất mơ hồ và chung chung. Không chỉ trên phương diện tài chính, với việc "cấy" thêm Ban chỉ đạo lên trên BTC, người ta có lý do để lo ngại rằng, mỗi khi V.League "sinh chuyện", quả bóng trách nhiệm sẽ lại được đá "vòng vòng" qua lại giữa các cấp.

Chưa hết, với việc thành lập Ban Chỉ đạo các giải dường như LĐBĐVN đã vi phạm chính nguyên tắc làm việc được chế định trong điều lệ của mình. Bởi lẽ, hệ thống tổ chức bộ máy mới của Liên đoàn được chia làm 2 cấp: cấp chỉ đạo và cấp điều hành. Những chức danh chủ chốt của Liên đoàn như Chủ tịch, Phó Chủ tịch nằm ở cấp chỉ đạo, có nhiệm vụ vĩ mô như vạch ra các chiến lược, hoạch định những chính sách và giám sát hoạt động của cấp điều hành. Vậy nên việc Chủ tịch, Phó Chủ tịch VFF trực tiếp tham gia vào công việc vi mô của cấp điều hành, mà cụ thể ở đây là tổ chức các giải thi đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia, liệu có đúng chức năng, nhiệm vụ hay không?

V.League 2006 chưa có nhà tài trợ, trong khi đó các khoản chi lại tăng lên như tiền trọng tài, tiền lương cho các ban bệ "ăn theo". Gánh nặng tài chính này đổ xuống các vai CLB. Thay vì được miễn khoản lệ phí tham dự giải theo đúng lời một quan chức "to to" của Liên đoàn phát biểu trước đây, thì nay các đội vẫn phải móc "hầu bao" nộp cho BTC giải 276 triệu đồng/đội.

Hơn thế, trong khi Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban TDTT chỉ thị một trong những việc cần làm ngay để lành mạnh hóa nền bóng đá là tập trung chấn chỉnh về tổ chức và nhân sự quản lý điều hành hoạt động bóng đá với mục tiêu trong sạch, gọn nhẹ và hiệu quả thì LĐBĐVN lại cho "ra đời" một bộ máy "khổng lồ" để tổ chức và điều hành V.League 2006. Đây là một lời đáp của Liên đoàn với chỉ thị của người đứng đầu ngành thể thao chăng?

Bảo Anh
.
.
.