Vở kịch "Điều không thể mất":

Bản tình ca đẹp về phẩm chất của người lính

Thứ Năm, 12/09/2013, 14:20
Tối 10/9, Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ tiếp tục được tiếp nối với vở "Điều không thể mất" (của Nhà hát Kịch nói Quân đội, do NSND Lê Hùng đạo diễn). Đây là tác phẩm cuối cùng của nhà viết kịch tài danh Lưu Quang Vũ trong sự nghiệp sáng chói của ông.

Vở diễn tái hiện một phần ký ức chiến tranh ở Trường Sơn với những người lính đã sống, chiến đấu và sẵn sàng hy sinh cả tuổi trẻ, tình yêu của mình mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Trái lại, luôn đối mặt với sự hy sinh, gian khổ, nhưng lúc nào, họ cũng tràn đầy tinh thần lạc quan và tình yêu thương lẫn nhau.

Sau một trận bom, tiểu đội 5 cô gái TNXP trong trạm thông tin trên đỉnh núi Yên Ngựa chỉ còn lại một mình Nhâm. Sự hy sinh lớn lao này được lý giải một cách giản dị: “Vì bây giờ đang là cuộc chiến đấu. Những người tốt không hèn nhát, không lảng tránh, họ thường ở những nơi gian khổ nhất, nhận vào mình những nguy hiểm nhất…”.

Bối cảnh đau thương đó đã đẩy tình yêu tận hiến giữa Nhâm với Minh diễn ra, khi cái chết luôn rình dập và họ không thể biết được sự hy sinh đến với mình lúc nào. Rồi chia ly với lời hẹn ước.

Chiến tranh kết thúc, chỉ vì một hiểu lầm, họ không đến được với nhau, thậm chí, còn ở 2 hoàn cảnh quá xa cách. Nhưng khi gặp lại, quá khứ đẹp đẽ thời chiến vẫn là chất keo gắn kết họ. Sự hy sinh cao cả cho nhau trong cuộc sống đời thường càng tôn thêm phẩm chất cao đẹp của những người lính.

NSƯT Ngọc Thư đã nhập vai xuất sắc để hóa thân thành Nhâm, một nữ TNXP dũng cảm trong chiến đấu, yêu thương đồng đội hết mình và cũng là người phụ nữ giàu đức hy sinh, chịu đựng nỗi đau hậu chiến cũng cao thượng như trong chiến tranh. Diễn xuất nội tâm, khai thác tối đa tâm lý nhân vật của Ngọc Thư đã lấy được nước mắt của người xem và điều đó góp phần đáng kể cho thành công của đêm diễn.

Cảnh trong vở “Điều không thể mất”.

Nghệ sĩ Huệ Đàn (vai Thế Anh) cũng khiến người xem thấy tin yêu hơn anh “bộ đội cụ Hồ” khi trong bất cứ hoàn cảnh nào, phẩm chất của người lính Trường Sơn năm xưa cũng vẫn sáng lên. Một tình tiết nhỏ, nhưng lại mang ý nghĩa lớn mà vở diễn đã chạm đến, là hình ảnh ông già mang hài cốt người con trai hy sinh ở Trường Sơn về hậu phương được, là nhờ vào những đồng đội tìm kiếm và giúp đỡ đưa về, để đi đến kết luận “tình đồng đội quí lắm”. Một hình ảnh đối lập là  người thuế vụ khám xét rồi bỏ chạy khi phát hiện ra bộ hài cốt anh bộ đội, quả có sức nặng ý nghĩa về sự quay lưng của một số người với quá khứ đầy hy sinh của cha anh.

Vẫn tư tưởng lớn in dấu trong suốt vở diễn cùng những câu triết lý sâu sắc rất Lưu Quang Vũ, vở diễn đã làm lay động trái tim lẫn lý trí khán giả, để mọi người cùng ngẫm ngợi về cuộc sống với bao điều xấu-tốt, thiện –ác luôn song hành tồn tại: “Anh chỉ không làm gì cả. Nhưng không làm điều tốt, không đứng về phía điều tốt, chính là làm điều xấu. Rất có thể vì sự im lặng của anh mà bọn người vụ lợi sẽ thắng thế, còn những người trung thực sẽ bị tội oan…” Đó cũng là điều mà tác giả Lưu Quang Vũ muốn nhắn gửi đến công chúng, để đừng yên tâm rằng, sự im lặng trước tội ác chỉ là vô hại.

Tuy nhiên, vẫn còn đôi chỗ, “Điều không thể mất” chưa thật sự thuyết phục người xem, như cảnh chuyến tàu hơi dài không cần thiết và cả nhân vật “xin tiền” trên tàu xuất hiện rồi thôi; ánh sáng nhiều chỗ chưa mang lại hiệu ứng tốt cho vở diễn.

 Nhưng nhìn tổng chung, “Điều không thể mất” vẫn là một bài ca đẹp về tình đồng đội, tình yêu trong sáng, thủy chung của những người lính. Tinh thần người lính vẫn còn sáng mãi cả trong chiến trận lẫn thời bình là niềm tự hào và cũng giống như những tác phẩm của nhà biên kịch tài hoa Lưu Quang Vũ, sẽ mãi là “Điều không thể mất”: “Chúng ta là những người lính, luôn nghĩ đến người khác hơn nghĩ đến mình. Tất cả qua đi…Có những điều không thể mất, không được để mất, không bao giờ!”

Dạ Miên
.
.
.