Xét kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam 2009:

“Băn khoăn đứng giữa hai dòng nước”...

Thứ Năm, 22/10/2009, 12:39
Xin được cải biên câu thơ của nhà thơ Tố Hữu để nói về tâm trạng của một số thành viên trong Hội đồng xét kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam 2009. Đúng là, khác với thông lệ của nhiều năm trước, năm nay, mặc dù đang trong giai đoạn giữa thu nhưng không khí văn đàn đã bất ngờ "nóng" lên với việc các Hội đồng chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam xúc tiến việc bình xét kết nạp hội viên mới.

Được biết, hiện đã có tới hơn 550 đơn xin gia nhập Hội và vì thế, khi kết quả được công bố, số tác giả có tâm trạng không thỏa mãn hẳn cũng sẽ khá nhiều.

Cái quan trọng nhất đối với nhà văn là tác phẩm. Không có một người viết chân chính nào mà động lực cầm bút lại chỉ là để vào… Hội Nhà văn. Nhưng nói vậy không có nghĩa là nếu ai đó để mắt một chút tới cái danh hiệu hội viên Hội Nhà văn là một việc làm… không lương thiện (như ý kiến trên một tờ báo mạng).

Ta cần hiểu và thông cảm cho những trường hợp này, bởi, như một tác giả từng tâm sự với người viết bài này thì "Thà rằng không có Hội, như thể cái thời cụ Tản Đà, cụ Nam Cao, mình cứ việc sống và viết vô tư. Đằng này, khi Hội đã có rồi, nói gì thì nói, là người sáng tác mà không được vào Hội, mang tiếng lắm chứ. Lẽ đời, danh có chính thì ngôn mới thuận. Mà, như cậu biết đấy, hành trình vào Hội cứ như leo cột mỡ ấy, khó lắm chứ".

Đúng như tác giả nọ nhận xét, để trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam quả thật không dễ dàng.

Các ủy viên Hội đồng Thơ xét đề xuất kết nạp vào HNV VN 2009. Ảnh: Nguyễn Đình Toán chụp ngày 20/10.

Theo một bài viết của tác giả Hòa Bình được tải trên một trang web ngày 20/10 vừa qua, thì trong danh sách tác giả có hồ sơ xin vào Hội Nhà văn, có người ở tuổi có thể nói là... đại thượng thọ (92 tuổi). Còn theo như những gì tác giả bài viết này biết được, thì sinh thời, nhà thơ tài hoa Đồng Đức Bốn đã không sao vượt qua được con số... 4 (trên 9) ở cấp Hội đồng, may nhờ Ban Chấp hành Hội ra tay "can thiệp".

Trường hợp nhà thơ Đồng Đức Bốn khiến tôi lại nhớ tới trường hợp nhà thơ Trương Nam Hương cách đấy nhiều năm. Sau khi đoạt giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1991), Trương Nam Hương đã cho xuất bản tập thơ thứ hai và chính thức làm đơn xin gia nhập Hội. Ấy vậy mà lần đó anh đã suýt bị trượt (nếu những người giữ cương vị cao ở Hội không mạnh tay can thiệp)...

Nói cho sòng phẳng thì các nhà văn, nhà thơ trong các Hội đồng chuyên môn (và cả trong Ban Chấp hành) không phải là những người có thể biết rõ được "tay nghề" của tất cả những người có đơn xin gia nhập Hội.

Vả chăng, ngay trong số những người có "đơn xin" kia, vì nhiều lý do, hoàn cảnh, cũng có người chưa hẳn đã biết đến tên tác phẩm của những người bỏ phiếu xét chọn mình (bản thân tôi đã chứng kiến ở nhiệm kỳ trước, có cây bút khi ký tặng sách đã ghi nhầm họ, tên của các vị trong Ban Chấp hành như Cao Tiến Lê thì lại được viết là Cao Tiến Lên, ở nhiệm kỳ này thì Trần Anh Thái lại bị viết nhầm thành Hồ Anh Thái…), thì đòi hỏi sao được việc những vị "cầm cân nảy mực" này phải biết hết được năng lực của từng người trong số đó…

Điều đó đương nhiên dẫn đến tình trạng có vị (xin ngoại trừ mấy vị từng là và đang là ủy viên Ban Chấp hành Hội mà tôi vừa nhắc tới trên) sẽ dành lá phiếu của mình để ủng hộ những người mà các vị "biết" hơn cả. Và trong sự "biết" này, không thể loại trừ sự cảm tính.

Theo một số ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa này cho biết, hiện không khí xét kết nạp hội viên đã bắt đầu sôi sục. Máy điện thoại để bàn của họ kêu rát từ sáng đến tối, và máy di động thì nghe đến… bỏng tai.

Cũng có một nhà thơ (có chân trong Hội đồng Thơ) tâm sự rằng, ông muốn đợt này kết nạp "rộng" hơn, bởi tới nhiệm kỳ sau, "nhỡ" Hội đồng được cơ cấu theo kiểu khác, gồm những anh em trẻ hơn, "rắn" hơn, sẽ khó cho những tác giả đứng tuổi, chất lượng tác phẩm tuy chưa xuất sắc nhưng có quá trình sáng tác và có quá khứ nhiều đóng góp.

Ngược lại, có người lại lo rằng, nếu kết nạp "nới tay" hơn, có thể dư luận sẽ cho rằng, vì sắp hết nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Hội kết nạp ào ào để "gia ân" và để thêm phiếu cho kỳ Đại hội tới (sẽ diễn ra vào năm 2010), và nếu dư luận đặt vấn đề vậy thì thật là "lợi bất cập hại".

Kết quả đợt xét kết nạp này thế nào, chúng ta cùng chờ xem

Nguyễn Trường Văn
.
.
.