Băn khoăn chuyện “chạy” huy chương để "đạt chuẩn danh hiệu"

Thứ Hai, 05/11/2012, 09:42
Nhà viết kịch Chu Thơm: "Căn bệnh thành tích trong các kỳ Liên hoan sân khấu đã ủ từ lâu và phát tác mạnh vài năm trở lại đây, khi thời gian giữa các đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT ngắn lại". NSND Lê Tiến Thọ nói vui: Có khi đến năm 2020, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lại bỏ luôn chuyện bình xét danh hiệu vì làm gì còn ai mà phong với tặng…

Liên hoan sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 khai mạc ngày 20/10, quy tụ 27 vở diễn của 22 đoàn nghệ thuật trên cả nước, vừa kết thúc tối 3/11 tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. Kéo dài nửa tháng trời, thu hút gần 1.000 nghệ sỹ và cả những người nặng lòng với cải lương, nhưng Liên hoan vẫn chưa thể đánh động được sự quan tâm của dư luận rộng rãi. Rốt cục, đây cũng chỉ là cơ hội để các nghệ sỹ công lập ganh đua thành tích, dồn sức thi thố tranh những bộ huy chương vốn được phân phát rộng rãi. Sự hấp dẫn, hồn nhiên ở các kỳ Liên hoan đang mất dần đi, dẫn đến nhiều ý kiến đã phân vân lên tiếng: Có nên tiếp tục tổ chức Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp:

Đạo diễn - NSƯT Hoàng Quỳnh Mai: Ước gì có Liên hoan không giải thưởng

Tôi tham gia Liên hoan sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc lần này với 3 vở diễn: Vú cát (dàn dựng cho Nhà hát Cải lương Việt Nam), Nguồn sáng phía chân trời (Đoàn Cải lương Hoa Mai) và Người đàn bà 13 bến nước (Đoàn Cải lương Quảng Ninh). Tham dự nhiều kỳ Liên hoan, càng ngày tôi càng ao ước, giá như có một Liên hoan không giải thưởng. Đồng nghiệp, bạn bè đến đó gặp nhau đúng nghĩa giao lưu học hỏi, trình diễn tài năng và đam mê nghệ thuật của mình, chứ không bị nặng nề đè nén bởi tâm lý ăn thua, giành giật.

Liên hoan vẫn là cần thiết, và nếu tiếp tục duy trì hình thức này, thì mỗi cuộc Liên hoan nên như một sân chơi thực thụ. Ở đó, nghệ thuật là mục đích tối thượng. Hiện tại, có nhiều nghệ sỹ, nhiều đoàn nghệ thuật sợ không dám tham gia Liên hoan vì nỗi lo trượt giải. Ở Liên hoan vừa kết thúc, tôi nhận thấy cải lương phía Nam vẫn phát triển và có tiềm năng mạnh mẽ. Giờ chỉ cần những người làm nghề đồng lòng dồn tâm sức phát huy, thì cải lương sẽ sống mãi.

Cảnh trong vở Vú cát - Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai - Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Suy cho cùng, Liên hoan cũng chỉ là một khoảnh khắc. Người có giải sẽ vui một chốc, người thất bại cũng buồn một thoáng. Sau đó mới là cuộc sống thật, là những khó khăn mà sân khấu đang phải hàng ngày đối diện. Nghệ thuật lại không có điểm dừng, mãi mãi là sự sáng tạo và sáng tạo là không ngừng, vậy Liên hoan sân khấu phải là điểm hẹn để giới làm nghề vui với niềm vui sáng tạo vô bờ.

NSND Lê Tiến Thọ: Chủ tịch Hội NSSKVN: Cần chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”:

Đúng là lâu nay các nghệ sỹ, các đoàn nghệ thuật vẫn đeo đẳng tâm lý đến Liên hoan tranh huy chương giải thưởng để phục vụ cho các đợt xét tặng danh hiệu. Áp lực thành tích luôn đè nặng lên cả tập thể lẫn cá nhân. Nếu dừng không tổ chức Liên hoan nữa thì cũng thiệt thòi cho anh em nghệ sỹ, vì họ vốn ít cơ hội thể hiện mình giữa bối cảnh sân khấu còn nhiều khó khăn. Nhưng tổ chức, thì trong mỗi cuộc Liên hoan khi đưa ra quy chế cần có điều khoản phân định rõ vai trò của Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo, phải thẳng thắn đề ra nguyên tắc: các thành viên nêu trên không được có tác phẩm dự thi, tránh tuyệt đối tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” như từng diễn ra ở nhiều kỳ Liên hoan, gây bức xúc cho anh chị em nghệ sỹ.

Thời gian giữa các kỳ Liên hoan đã rút ngắn lại (3 năm thay vì 5 năm như trước đây), thời gian giữa các đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cũng gần hơn, chẳng mấy chốc sẽ hết nghệ sỹ để xét tặng danh hiệu. Nói vui thế này, có khi đến năm 2020, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lại bỏ luôn chuyện bình xét danh hiệu vì làm gì còn ai mà phong với tặng…

Nhà viết kịch Chu Thơm - Nguyên Phó phòng Nghệ thuật - Cục Nghệ thuật biểu diễn: Kỷ luật nghiêm khắc chuyện “chạy” giải thưởng

Căn bệnh thành tích trong các kỳ Liên hoan sân khấu đã ủ từ lâu và phát tác mạnh vài năm trở lại đây, khi thời gian giữa các đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT ngắn lại. Các cuộc săn lùng Giám khảo liên hoan cũng ngày càng tinh vi hơn, đã nâng quyền năng của các vị “vua sân gỗ” trở thành vô biên. Tiêu cực cũng chất chứa nguy cơ làm hỏng cả một thế hệ nghệ sỹ vì không khuyến khích kịp thời những nỗ lực của họ.

Có một số người bi quan đã đề nghị, không nên tiếp tục tổ chức Liên hoan sân khấu nữa, để đỡ tổn phí tiền bạc của nhà nước một cách vô ích. Những người lạc quan lại khẳng định: Không thể bỏ Liên hoan, đó là cơ hội gặp gỡ, thi tài và phân định thứ bậc của những người làm nghề. Nhưng họ đề ra điều kiện: Nên tổ chức Liên hoan của từng loại hình ở những địa điểm cố định, ví dụ chèo ở Thái Bình, tuồng ở Bình Định, cải lương ở Cần Thơ, kịch nói ở TP HCM, múa rối ở Hà Nội, dân ca ở Huế…

Có hình thức kỷ luật thật nghiêm khắc đối với những tổ chức, cá nhân chạy giải thưởng, cũng như với các thành viên Hội đồng giám khảo không khách quan, đàng hoàng. Chỉ khi giữ gìn được sự trong sáng của các cuộc Liên hoan, biến chúng thành ngày hội của những người làm nghề thì mới có thể “trả lại tên” và khán giả cho nghệ thuật sân khấu

Mi Sol (thực hiện)
.
.
.