Ban giám khảo báo chí ở các cuộc thi văn nghệ: Hữu danh vô thực

Thứ Bảy, 19/11/2005, 07:58

Tại cuộc thi Tiếng hát truyền hình Tp.HCM, ban giám khảo báo chí được lập ra để… bình các giải mà trách nhiệm thẩm định thuộc về "Ban giám khảo chuyên môn" như bài hát dân ca, bài hát truyền thống, phong cách tươi trẻ... Điều mà người xem chờ là "Ban giám khảo báo chí" đánh giá ra sao về các thí sinh thì lại không có.

Gần đây trong các cuộc thi sân khấu, ca nhạc có thêm "Ban giám khảo báo chí" bên cạnh "Ban giám khảo chuyên môn". Ban tổ chức các cuộc thi muốn ghi nhận tiếng nói từ công luận để bổ sung cho nhận xét của mình. Như vậy, Ban tổ chức muốn lắng nghe thêm ý kiến từ một phía khác - tất nhiên có lúc trùng, có lúc khác Ban giám khảo.

Ở một cuộc thi sân khấu tại Tp.HCM có tới ba Ban giám khảo: Chuyên môn, báo chí và khán giả. Cả ba ban chấm điểm theo ý riêng mình rồi tập hợp thành kết quả chung. Như vậy đã tránh được sự thiên vị từ Ban giám khảo.

Ở cuộc thi "Tiếng hát truyền hình Tp.HCM" luôn có Ban giám khảo báo chí. Họ có mặt suốt cả cuộc thi. Song họ đã làm gì? Đáng lý, "Ban giám khảo báo chí" phải lắng nghe ý kiến từ công luận để phản ánh với Ban tổ chức, Ban giám khảo. Thậm chí nếu sự phản ánh không được chấp nhận, họ có thể viết ngay nhận xét của mình để "thức tỉnh" Ban giám khảo, Ban tổ chức trước giờ phán xét cuối cùng. Đằng này, Ban giám khảo báo chí lại được mời bình các giải mà trách nhiệm thẩm định của "Ban giám khảo chuyên môn" như bài hát dân ca, bài hát truyền thống, phong cách tươi trẻ...

Đến khi việc chấm thi bể bạc thì các tờ báo (có phóng viên tham gia Ban giám khảo báo chí) đều lên tiếng. Đáng tiếc, khi ngồi ghế "Ban giám khảo báo chí" các phóng viên này "không nói được" hoặc nói mà Ban giám khảo chuyên môn "không nghe" về dư luận công chúng và ý kiến của mình.

Có lẽ khi có được mời làm "giám khảo báo chí", các phóng viên cần làm rõ nhiệm vụ của mình trước công luận, đừng làm "cái bóng" của Ban giám khảo chuyên môn thì…  mất vai trò báo chí..

Đinh Phong
.
.
.