Bán độ và bất mãn là hai cái tội như nhau

Thứ Năm, 17/01/2008, 10:41
Văn Quyến mắc tội bán độ, còn 3 cầu thủ Trần Trung Kiên, Nguyễn Bảo Quân, Lê Tuấn Tú là những người bỏ ĐT vì bất mãn với BHL... Trong vụ việc này, ông Nguyễn Hải Hường, Trưởng Tiểu ban Kỷ luật nói rằng tội của 3 cầu thủ này có mức độ ngang bằng với tội của Văn Quyến. Chẳng nhẽ "bán độ" và "bất mãn với BHL" là 2 cái tội ngang bằng nhau?

Trần Trung Kiên, Nguyễn Bảo Quân, Lê Tuấn Tú, ba cầu thủ futsal của đội trà Dimalh đã làm đơn gửi lên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hoàng Anh Tuấn, bày tỏ sự bất mãn của mình về một bản án mà VFF giáng lên đầu họ. Sự thật của câu chuyện này gì?

Từ một quyết định gây tranh cãi

Trước thềm SEA Games 24, dư luận đã xôn xao quanh chuyện các cầu thủ của đội trà Dimalh rời khỏi ĐTQG vì bất mãn với một quyết định của HLV phó của ĐT là cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn.

Chẳng là Nguyễn Hồng Sơn đã loại một cầu thủ của đội trà Dilmah để lấy một cầu thủ của Thể Công, có tên là Quốc Trung vào ĐT. Điều đặc biệt là Quốc Trung chưa từng đá một trận futsal chính thức nào, vì thế các cầu thủ trà Dimalh đã rất bức xúc, và kết quả là đồng loạt rời khỏi ĐT như đã nói.

Ngay ở thời điểm đó, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã lên án hành động rời khỏi ĐT của các cầu thủ này và hẹn sau SEA Games sẽ giải quyết. Và sau SEA Games thì án được ban xuống: Các cầu thủ Trần Trung Kiên, Nguyễn Bảo Quân, Lê Tuấn Tú bị phạt 10 triệu đồng và cấm thi đấu một năm.

Ngay sau khi nhận được quyết định này, các thành viên của đội trà Dimalh đã phản ứng dữ dội. Lý do là: "Chúng tôi bỏ ĐT vì ĐT có tiêu cực. Nói thẳng ra là HLV phó Nguyễn Hồng Sơn đã loại một cầu thủ đá tốt ra để đưa một cầu thủ thân quen của mình vào. Như vậy, hành động của chúng tôi có thể coi là tố cáo tiêu cực. Mà đã tố cáo tiêu cực thì sao lại bị xử lý như thế này?".

Trong lá đơn gửi lên Bộ trưởng Hoàng Anh Tuấn, các cầu thủ đã nói rõ bức xúc này. Và cho đến chiều ngày hôm qua thì họ vẫn chưa nhận được hồi âm của Bộ trưởng.

Đến những bất cập của ông Trưởng Tiểu ban Kỷ luật

Ở đây, chúng tôi không bình luận gì về những quyết định kỷ luật mà VFF, cụ thể là ông Nguyễn Hải Hường, Trưởng Tiểu ban Kỷ luật đã công bố. Nhưng chúng tôi xin nêu ra hai câu hỏi, vì nó thể hiện sự bất cập ở bộ phận "hành pháp" của VFF.

Thứ nhất, ngay sau khi VFF công bố quyết định kỷ luật 3 cầu thủ nói trên, một bộ phận dư luận thắc mắc: "Các cầu thủ bị kỷ luật, chẳng nhẽ, BHL lại vô can?". Thế là ông Hường lập tức nói rằng: "BHL ĐT cũng sẽ bị xem xét trách nhiệm, và không loại trừ khả năng sẽ phải chịu một hình thức kỷ luật nhất định".

Dễ thấy là trong câu chuyện này chỉ có thể xảy ra 2 trường hợp: Hoặc là các cầu thủ futsal sai, hoặc là BHL ĐT sai. Khi đã xử các cầu thủ futsal cũng có nghĩa là VFF khẳng định họ sai. Thế thì vì sao họ lại tiếp tục xử BHL? Có thể nói rằng, cách xử lý ở đây mang nặng hơi hướng "nghe ngóng, vỗ về" dư luận, chứ không thực sự chạm tới bản chất của vấn đề.

Thứ hai, ông Nguyễn Hải Hường nói rằng tội của 3 cầu thủ nói trên có mức độ ngang bằng với tội của Văn Quyến. Cần phải nói lại rằng, Văn Quyến mắc tội bán độ, còn 3 cầu thủ nói trên là những người bỏ ĐT vì bất mãn với BHL. Chẳng nhẽ "bán độ" và "bất mãn với BHL" là 2 cái tội ngang bằng nhau?

Như đã nói, chúng tôi không bình luận tới phán quyết của VFF với các cầu thủ futsal. Nhưng rõ ràng là từ cách xử lý đến những "tuyên ngôn xử lý" của ông Trưởng Tiểu ban Kỷ luật cho người ta thấy rất nhiều bất cập.

"Hành pháp" một cách bất cập như thế, liệu có khiến người ta tâm phục khẩu phục hay không?

Diệp Xưa
.
.
.