Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VII: Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ

Thứ Sáu, 29/04/2005, 07:42

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khoá VII đã kết thúc với việc bầu ra một BCH chỉ có 6 thành viên và những định hướng công tác khá rộng cho một nhiệm kì mới. Thời điểm sau Đại hội tất nhiên sẽ là những kì vọng về những quyết sách và hoạt động hiệu quả của BCH, đặng góp phần giúp cho nền văn học nước nhà 5 năm tới có đà khởi sắc.

Khởi đầu tíu tít

BCH mới ngay ở cuộc họp đầu tiên đã bầu một Chủ tịch Hội là nhà thơ Hữu Thỉnh, 2 Phó Chủ tịch là nhà văn Lê Văn Thảo, Tổng Thư kí Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh; nhà văn Đại tá Nguyễn Trí Huân, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Để vừa có số lẻ khi biểu quyết việc hệ trọng, vừa tăng cường số lượng chung sức mà làm việc... ai sẽ được chọn là người thứ 7 để "cơm lành canh ngọt"? Đại hội phải qua hai vòng bỏ phiếu mới bầu được 6 người, nay 6 người chọn bổ sung một người cũng khó lắm thay.

Dư luận chung cũng lo lắng với một BCH ít người như thế này, lại kiêm nhiệm đủ thứ, liệu có gánh vác nổi nhiệm vụ nặng nhọc của cả nhiệm kỳ? Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh nghe nói còn giữ tới 16 chức danh khác nữa, liệu còn đủ thời gian và tâm sức cho Hội nữa không? "Phó Hội" Lê Văn Thảo ở xa và đặc biệt là thể lực hiện không còn như thời sung sức nữa. "Phó Hội" Nguyễn Trí Huân vẫn tiếp tục phải gánh vác trọng trách nặng nề ở trong làng văn báo quân đội.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nữa, quen thuộc đấy, vui tính đấy, nhưng chắc chắn phải lo cho chức phận Trưởng Ban Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam hơn nhiều. Hơn nữa, cái tạng của Trần Đăng Khoa là đaginăng, bắt anh chuyên làm một cái nhiệm vụ gì ở Hội cũng thấy kho khó. Người có lẽ rất giàu nhiệt huyết và tính đổi mới hơn cả là nhà văn Hồ Anh Thái, Tổng Thư kí Hội Nhà văn Hà Nội, nhưng ngoài làm báo ở Tuần báo Quốc tế, anh còn một "núi" công việc ở Hội Nhà văn Hà Nội với ti tỉ việc của đời sống văn học cho một Thủ đô chuẩn bị kỉ niệm nghìn năm tuổi. Hơn nữa, Hồ Anh Thái vốn là người chỉ tích cực làm việc gì hợp với chủ kiến của mình.

Nhà văn Phan Thị Vàng Anh, người phụ nữ chân yếu tay mềm này tuy không dễ "bắt nạt", trẻ nhất, nhưng chưa chắc đã khỏe nhất, lại gánh vai trò biên tập viên của NXB Trẻ trong một thế giới sau Hiệp ước Berne bản quyền đầy phức tạp, khắc nghiệt, sẽ làm gì cho Hội Nhà văn là hiệu quả nhất? Thật khó!

Người mới, việc mới

Trong tình thế tất cả đều kiêm nhiệm ấy, chọn ai là người thường xuyên làm việc ở trụ sở Hội trên phố Nguyễn Đình Chiểu? Người đó phải có đủ thời gian, tài đức, bản lĩnh quyết đoán để có thể chủ động và nhanh nhẹn giải quyết mọi công việc của Hội để các thành viên khác yên tâm làm "việc nhà".

Theo nhà văn Phan Thị Vàng Anh, không thể là người thứ 7 được, vì ai lại đưa người "bổ sung" vào vị trí "thường trực". Chị cho rằng tốt nhất là chọn Hồ Anh Thái, trẻ, khỏe, nhanh, có ngoại ngữ tốt, từng học trường ngoại giao và có thâm niên công tác ở nước ngoài. Nhưng liệu BCH, đông đảo các nhà văn khác có ủng hộ không? Đúng là việc của Hội gỡ "trăm mối tơ vò" này không dễ. Ai đó nói vui, nhưng thật đúng: Lá phiếu bầu của các đại biểu trong Đại hội có ý "chơi khó" BCH. Nhưng khó cũng phải tìm, không lẽ lại để cái "miếu văn" không có thành viên BCH thường trực!

Với sự hiện diện của những nhân tố mới như Hồ Anh Thái và Phan Thị Vàng Anh, chắc BCH khóa VII sẽ phải có cách làm việc mới, không thể "nhất hô, bá ứng" như trước. Thành phần nhân sự ở các Hội đồng chuyên môn chắc cũng phải đổi khác. Đặc biệt lưu ý là Hội đồng chọn giải thưởng, làm sao các lần xét giải thưởng sau, không có nhà văn nào phải từ chối nhận thưởng như trường hợp nhà văn Hồ Anh Thái ở khóa trước. Nay vào BCH, không biết Hồ Anh Thái sẽ đề xuất tổ chức xét giải thưởng như thế nào để không hội viên nào buộc phải làm như anh?

Dư luận các nhà văn vẫn mong BCH kì này khi chọn thành viên vào các Hội đồng chuyên môn phải có tiêu chí rõ ràng, có uy tín chuyên môn và dũng cảm trong thẩm định công việc, tránh việc tạo lập "anh em" có tính chất phe nhóm, đồng hương, hay "trả lễ".

Vẫn chỉ là hứa hẹn

Trao đổi với một số nhà báo, tân Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh dõng dạc tuyên bố rằng, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ xây dựng một tập đoàn báo chí xuất bản riêng. Và ông cũng cho biết rằng ông sẽ sớm thôi không kiêm chức Tổng Biên tập Báo Văn nghệ nữa, mà tìm kiếm một gương mặt khác thay thế. Ai sẽ là người được chọn? Cho tới hôm nay đó vẫn là thông tin trong vòng bí ẩn.

Trưa 28/4, tại phòng làm việc của TBT Báo Văn nghệ ở 17 Trần Quốc Toản, sau khi nghe PV Báo CAND xin được tìm hiểu cụ thể hơn về hai vấn đề trên, nhà thơ Hữu Thỉnh hồ hởi nói theo phong cách quen thuộc của mình: "Rất cảm ơn và hoan nghênh nhà báo, đây là sáng kiến rất hay, tôi hết sức ủng hộ. Tuy nhiên, ngày hôm nay tôi rất bận, đang chuẩn bị báo cáo gửi Đảng đoàn nên xin hẹn PV sau ngày 30/4 sẽ trả lời...".

Thế là mọi việc liên quan tới hoạt động của BCH mới vẫn mới chỉ được thông tin một cách chung chung, bỏ ngỏ không ít những câu hỏi của tất cả những ai quan tâm tới Hội Nhà văn Việt Nam trong nhiệm kỳ mới

Song Hồng
.
.
.