Bài học tri ân sau ngày "Tôn sư trọng đạo"

Thứ Tư, 21/11/2007, 11:16
"Kính gửi phụ huynh em D.H. Tôi rất cảm ơn sự tri ân của gia đình nhân Ngày nhà giáo Việt Nam, tôi xin trân trọng nhận món quà tinh thần từ quý gia đình. Đó là nguồn động viên, khích lệ tôi trong sự nghiệp giáo dục. Còn món quà vật chất này tôi xin gửi lại quý gia đình. Xin chân thành cảm ơn! Ngày 19/11/2007. Ký tên: giáo viên chủ nhiệm lớp 7-4".

Trên đây là toàn văn bức thư một cô giáo chủ nhiệm đã gửi lại cho phụ huynh học sinh cùng phong bì mà phụ huynh đã gửi tới cô. Chắc không nói bạn đọc cũng thừa biết trong phong bì có chứa cái gì. Nó cũng như… bao phong bì khác bay qua bay lại trong ngày vui này. Khác chăng nó được gửi lại chính chủ cùng một lá thư mang đậm tính nhân văn.

Nhận lại phong bì cùng bức thư, chị bạn tôi thốt lên: "Thật khó tin!". Chị tự hỏi: "Hay là mình đưa không khéo?".

Tận mắt đọc bức thư lúc đầu tôi cũng ngạc nhiên không kém nhưng rồi quan sát kỹ tôi xác định đây là một việc làm có sự chuẩn bị kỹ của cô giáo từ tờ giấy màu hồng nhỏ xinh được cắt tỉa thật đẹp, chữ nghĩa rõ ràng cẩn thận, lời lẽ tôn trọng người đọc chứng tỏ "đây là sự thật" và mọi việc chỉ thực sự rõ ràng hơn khi cháu D.H. cho biết không phải riêng cháu mà rất nhiều bạn trong lớp cũng được nhận lại các phong bì và bức thư tương tự từ cô giáo.

Hỏi kỹ ra mới biết cô giáo đã rất vui vì những bông hoa mà D.H. cùng các bạn tặng cô. Câu chuyện của mẹ con D.H. khiến tôi và mẹ cháu đều thực sự cảm động cho thấy vẫn còn rất nhiều, rất nhiều thầy cô giáo đang vực lại đạo làm thầy.

"Tôn sư trọng đạo" luôn là một truyền thống quý báu của dân tộc. Một trong những biểu hiện văn hoá nhất của truyền thống này chính là việc tặng hoa, tặng quà mừng thầy cô trong ngày 20/11.

Hoa và "tấm lòng kính yêu" cùng khuôn mặt vui tươi, trong trắng và những điểm 10 của học sinh luôn là món quà tinh thần tốt nhất với các thầy cô. Những ngày này, các thầy cô không chỉ có hoa mà còn có cả những giọt nước mắt, những giọt nước mắt xúc động khi bất chợt nhận tin nhắn chúc mừng của những  học trò từ… lâu lắm…!

Hơn bất cứ ngành nghề nào khác, khái niệm món quà tinh thần được sự đón nhận với tất cả sự xúc động của các thầy cô. Cũng phải thẳng thắn thừa nhận ngoài việc hoa luôn cháy chợ trong những ngày này thì các shop bán hàng lưu niệm, thậm chí là những vật phẩm sinh hoạt thông thường cũng đắt hàng hẳn lên, quà cáp đủ các kiểu và cũng tùy túi tiền của từng gia đình.

Không ít gia đình khá giả chuyện quà cáp chỉ là chuyện nhỏ nhưng cũng không ít gia đình lao động chạy ngược xuôi với ít tiền "còm" để tìm cho được một món quà phù hợp. Nhưng dường như một chọn lựa mặc dù hơi thô thiển nhưng "chất lượng" là đưa phong bì được đa số chọn lựa.

Một anh bạn tôi từng tuyên bố "mưa thì mưa cho khắp". Hai đứa con với hai cô giáo chủ nhiệm cùng trên 10 thầy cô giáo bộ môn vậy là trận mưa phong bì mỗi cái trị giá một tờ xanh (500.000 đồng), riêng cô giáo chủ nhiệm có hơn một chút… sơ sơ cũng tròm trèm "cả chục".

Ấy là người có tiền, còn người có thu nhập thấp cũng ráng kiếm lấy một vài tờ xanh nhỏ hơn (100.000 đồng) cho con cái "bằng bạn bằng bè". Chỉ là một vài tờ nhưng có khi làm gia đình lao động phải điều chỉnh sinh hoạt trong cả tháng trời.

Chị bạn tôi thú thật hết sức bối rối, như nhiều người mẹ khác đang có con tới trường, cứ tới ngày này là lại có quà, có… bao thư gửi đến thầy cô giáo của các cháu và coi như một việc bình thường dù dường như ai cũng thừa nhận chẳng có chút tình cảm nào thể hiện qua những chiếc phong bì chứa những tờ giấy bạc ấy!..

Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.

Hành động của một cô giáo chủ nhiệm trên đây không chỉ để lại cho mẹ con cháu D.H mà cả mỗi chúng ta một bài học xác thực nhất về tình người. Bài học về cách "yêu thầy" trong Ngày Hiến chương Nhà giáo…

H.Nga
.
.
.