Nở rộ trào lưu phát hành sản phẩm video giải trí trực tuyến

Mặt trái của chiếc bánh ảo nhiều sắc màu rực rỡ

Thứ Sáu, 25/09/2015, 08:16
Cùng với việc ồ ạt sản xuất và phát hành video trực tuyến, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet kéo theo cơn sốt giải trí trực tuyến trong cộng đồng, bất kể tuổi tác. 

Con số vài vạn lượt cho đến triệu lượt người xem cho mỗi video được tải lên mạng đã không còn là hiện tượng hiếm. Nhưng, không phải tất cả các sản phẩm này được tìm xem vì giá trị tự thân. Chưa kể, sự lạm dụng giải trí trực tuyến trong đời sống hiện nay đang làm nảy sinh nhiều hệ lụy mà bản thân người sử dụng chưa lường hết.

Thông tin mới đây từ POPS KIDS - kênh giải trí trực tuyến dành cho thiếu nhi cho biết, POPS KIDS đã vượt ngưỡng 155 triệu lượt xem và vượt mốc 100.000 đăng ký theo dõi. 

Kênh giải trí trực tuyến chuyên về âm nhạc - POPS MUSIC vượt mức 816 triệu lượt người xem. Rất nhiều clip dán nhãn “hài bựa”, hài tục tĩu, phim về đề tài nhạy cảm khác: đồng tính, mại dâm của những ê kip sản xuất trẻ, “mới toanh” trong làng giải trí ra đời và nhanh chóng có số lượng người xem cao. Nói theo cách bộc bạch của chính họ là “ngoài sức tưởng tượng”.

Tuy nhiên, nếu chỉ cần xem xét kỹ hơn sản phẩm và những con số được công bố, người trong cuộc tỉnh táo sẽ rất khó lạc quan. Bởi, ngoài những sản phẩm “chất lượng có hạn, thủ đoạn vô biên” trong lôi kéo lượt người xem, bản thân các con số thống kê cũng tiết lộ nhiều vấn đề phải bàn. 

Khá nhiều chương trình sản xuất dành cho thiếu nhi trên POPSKIDS được yêu thích.

Với POPS KIDS, thống kê của kênh này cũng cho thấy, mặc dù số lượt người xem cao nhưng số lượt xem lại tập trung nhiều vào các sản phẩm cũ. Cùng là video dành cho thiếu nhi nhưng lượt xem các bài hát của cô bé Xuân Mai cách đây vài chục năm vẫn chiếm số lượng áp đảo so với rất nhiều sản phẩm của các cô, cậu bé khác có hình ảnh sắc nét, diễn viên nổi tiếng diễn minh họa… Lý do có thể có nhiều nhưng chất lượng clip với những màn múa minh họa một đằng, nội dung ca khúc một nẻo, thậm chí bài hát cho thiếu nhi nhưng minh họa là bi kịch gia đình đẫm nước mắt chắc chắn khiến sản phẩm “mất điểm” trong mắt người xem.

Đối với trẻ nhỏ, về mặt lâu dài, sự tăng vọt về số lượng lượt xem trên POPS KIDS không có nghĩa là hoàn toàn đáng mừng. 

Thống kê cũng cho thấy, chiếm phần lớn số đăng ký theo dõi là nam giới dưới 40 tuổi. Chắc chắn, việc đăng ký này không phải là từ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của tự thân người tham gia đăng ký mà thông thường sẽ là của các ông bố dành cho con trẻ.  Với kết nối Internet thuận tiện ở khắp mọi nơi cùng với các thiết bị công nghệ hiện đại, phụ huynh có thể chủ động kết nối con trẻ với nhiều nội dung giải trí.

Theo quan sát của không chỉ chúng tôi, với các phương tiện như smartphone, máy tính bảng, smart TV…, sự hấp dẫn với trẻ em rất dễ dàng. Phụ huynh theo đó cũng dễ “rảnh tay” làm việc của bản thân. Nhưng nếu quá lạm dụng, trẻ tiếp cận quá nhiều rất dễ dẫn đến nhiều hệ lụy mà các chuyên gia tâm lý, bác sĩ liên tục cảnh báo nhiều năm trở lại đây: mất tập trung, cận thị, tự kỷ… Chưa kể, với các sản phẩm chất lượng chưa cao, tính giáo dục yếu, thậm chí phản giáo dục như chất độc tích tụ lâu dài, mỗi ngày một chút dễ dẫn đến phát triển tính cách lệch lạc…

Với nghệ sĩ và người làm chương trình, cơn sốt giải trí trực tuyến cũng không hẳn chỉ một màu hồng. Một thực tế khác và một nghịch lý tồn tại lâu nay trong làng giải trí Việt là khá nhiều người nổi tiếng từ thế giới ảo đã thành công ngoài đời thực hoặc tìm kiếm được cơ hội để bước sâu hơn vào làng giải trí. Việc bạn trẻ có cơ hội nhận được dự án nghệ thuật nhờ cầu nối từ cộng đồng mạng đã không còn là hiện tượng nhất thời. Nhưng, đây chỉ là cơ hội đầu tiên.

Don Nguyễn - gương mặt trẻ mới nổi vài năm gần đây nhờ thế giới ảo từng chia sẻ rằng, sau khi sản phẩm được cộng đồng mạng đón nhận, được tung hô và một số nhà tổ chức mời đi biểu diễn. Niềm vui chưa trọn thì Don Nguyễn đã “vấp” ngay phải thực tế phũ phàng: một số đồng nghiệp “có nghề” và có danh không chịu đứng chung sân khấu, thẳng thừng tuyên bố sẽ không hát trong chương trình nếu có Don Nguyễn biểu diễn. 

Với khán giả bỏ tiền mua vé, không phải ai cũng thông thuộc thế giới ảo và hợp sở thích của cộng đồng mạng. Chưa kể, với những sản phẩm đã được hỗ trợ tối đa bằng công nghệ đã, đang được phát hành trực tuyến và việc thể hiện thực lực ngoài đời có khoảng cách khá xa. Chính khoảng cách này dễ khiến nhiều gương mặt nổi tiếng trong cộng đồng mạng “sốc” khi va đập vào thực tế. Một số gương mặt nhờ bình tĩnh, tìm được hướng đi đúng, kiên trì rèn luyện đã dần tìm được vị trí trong lòng khán giả. Số khác vắng bóng hoặc cố tìm cách để trụ lại, kể cả chấp nhận tai tiếng, song không phải ai cũng thành công.

Minh Hà
.
.
.