Nhìn lại hành trình AFF Suzuki Cup 2010 của ĐTVN:

Bài 2: Những lý do khiến chúng ta thất bại

Thứ Ba, 21/12/2010, 11:16
Thật khó khăn để làm công việc gọi là "nhìn lại hành trình AFF Suzuki Cup" khi mà ĐTVN đã thất bại ở vòng bán kết, và đã không thể bảo vệ được chức vô địch như mục tiêu ban đầu. Song sau một lộ trình tập luyện thi đấu kéo dài tới 3 tháng trời, vẫn cần thiết phải nhìn nhận lại mọi thứ để có thể làm tốt hơn cho tương lai, nếu thật sự là chúng ta vẫn muốn xây dựng một tương lai bền vững.
>>Bài 1: Biết sẻ chia những buồn vui

1. Khủng hoảng lực lượng

Không cần phải đợi tới trận hòa bế tắc trước Malaysia thì người ta mới chính thức phải đối diện với kết cục đáng buồn nhất. Trái lại, ngay từ trước khi AFF Suzuki Cup khởi tranh, khi mà thầy trò HLV Calisto liên tục phải đối diện với tình trạng mất người vì chấn thương, người ta đã lường trước một giải đấu khó khăn của ĐT.

Hãy thử tưởng tượng xem, một đội bóng mất cùng lúc cả 2 tiền đạo mũi nhọn của mình (Việt Thắng và Công Vinh) thì sẽ làm được gì trước bài toán phá lưới đối phương? Một đội bóng mà cho đến 5 ngày trước khi bước vào cuộc chơi đã buộc phải bổ sung gấp một tiền đạo từ ĐT Olympic (Anh Đức) thì hệ thống tấn công của đội bóng ấy chắp vá, hẫng hụt đến nhường nào? 

Thực tế chứng minh là ngoại trừ trận đấu đầu tiên với "kẻ yếu đuối" Myanmar thì khả năng dứt điểm của hàng tiền đạo ĐTVN là quá kém. Nó kém tới mức sau khi thất bại rồi, HLV Calisto đã phải thừa nhận trước đông đảo cánh báo chí: "Hàng tiền đạo của ĐTVN ở giải đấu này thua hàng tiền đạo của gần như tất cả các đội bóng, từ những đội lọt vào bán kết như Indonesia, Malaysia, Philippines, đến cả những đội bị loại sau vòng bảng như Thái Lan và Malaysia".

Trong bóng đá, bạn có thể nói câu: "chúng tôi đá hay", nhưng bạn sẽ không thể nói câu "chúng tôi chiến thắng" nếu ghi được bàn thắng nhiều hơn so với đối phương. Vậy nên sự "chết nước" của hàng tiền đạo đến từ cuộc khủng hoảng lực lượng trước giải đấu thực sự đã đẩy chúng ta vào tình cảnh… không thể không thất bại.

2. Sai lầm cá nhân

Vốn đã khủng hoảng nhân sự, thế mà những "niềm hy vọng" còn lại của ĐT lại mắc rất nhiều những sai lầm không đáng có ở phương diện cá nhân. Trận thua đầu tiên trước Philippines, thủ thành Dương Hồng Sơn phán đoán sai tình huống trong bàn thua thứ nhất, còn trung vệ Vũ Như Thành đã chuyền bóng thẳng vào chân đối thủ trong bàn thua thứ hai. Sang trận thua thứ hai trước Malaysia (bán kết lượt đi) lại đến lượt thủ thành Tấn Trường vụng vể để vuột bóng sau một pha đánh đầu không có gì là nguy hiểm của Safee.

Ngay cả ở những trận thắng trước Myanmar hay Singapore ở vòng đấu bảng, người ta cũng đã nhìn rất rõ những sai lầm cá nhân như thế, đặc biệt là ở hai vị trí: thủ thành và trung vệ dập - những vị trí phòng thủ chốt yếu của một đội bóng.

Nhưng vẫn còn may là trong trận đấu ấy, những sai sót cá nhân của chúng ta đã không được đối phương tận dụng (trận gặp Singapore) hoặc đã tận dụng thành công nhưng sau đó thì bản thân đối thủ lại sai nhiều hơn so với cái sai của ĐTVN (trận gặp Myanmar).

Trận thắng nghẹt thở của đội Việt Nam trước Singapore.

3. HLV Calisto có những sai lầm...

Khi ĐTVN lên "vua" ĐNA 2 năm về trước, nhiều người ca tụng HLV Calisto là một bậc "phù thủy" cao tay. Thực tế là ở giải năm đó, ông Calisto quả nhiên đã có những sự thay đổi con người đáng khâm phục, nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, tất cả những thay đổi đó đều sẽ vô hiệu nếu chúng ta không gặp quá nhiều may mắn.

Tới giải đấu năm nay, khi mà sự may mắn không đồng hành với chúng ta nữa thì một sự thật đã được phơi bầy: HLV Calisto bây giờ gần như đã có những chỉ đạo sai lầm. Những phương án và cả những con người thực hiện phương án mà đối thủ của chúng ta đã thuộc nằm lòng, nên không khó khăn gì trong việc "bắt bài".

Ở đây cần phải tham khảo ý kiến của chuyên gia lão làng Lê Thụy Hải khi ông nói thật ra Malaysia không hơn gì so với ĐTVN, nếu không muốn nói là kém hơn chúng ta rất nhiều. Song họ đã thắng chúng ta vì biết cách bắt bài chúng ta, cụ thể là bắt bài những "đường binh" mà HLV Calisto đã dùng đi dùng lại trong suốt 2 năm trị vì ĐT.

4. Tập trung quá dài

Tiger Cup 2004 (tiền thân của AFF Suzuki Cup bây giờ), khi ĐTVN thất bại đau đớn ở vòng đấu bảng, một nguyên nhân quan trọng đã được chỉ ra: Việc tập trung tới 6 tháng trời ròng rã cho một giải đấu đã phản tác dụng. Vì việc tập trung dài chẳng khác gì một sự hành xác đối với các cầu thủ.

Đến giải đấu năm nay, chúng ta đã rút ngắn thời lượng tập trung từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Nhưng như thừa nhận của chính HLV Calisto cùng những cầu thủ trụ cột trước giải đấu thì tập trung 3 tháng vẫn là quá dài.

Thời điểm ấy, ông Calisto đã nói rất thẳng với người viết: "3 tháng trời lặp đi lặp lại những bài tập như nhau, những cung cách sinh hoạt giống nhau, các cầu thủ, và kể cả cá nhân tôi không chán mới là chuyện lạ". Còn sau giải đấu thì người đứng đầu nền bóng đá Việt Nam - Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng đã thừa nhận: "Từ bây giờ chúng ta phải nghiên cứu lại quá trình tập trung của ĐT. Chắc chắn là sẽ phải rút lại thời gian tập trung, chứ không thể để mọi thứ kéo dài tới 3 tháng như thế này".

Kết luận

Thông thường, khi một đội bóng đã thất bại thì nói kiểu gì và mổ xẻ kiểu gì cũng… đúng, thậm chí sẽ bị cho là… nói cho sướng miệng. Song với trách nhiệm của mình, chúng tôi thấy cần thiết phải nhìn nhận lại tất cả những gì đã diễn ra, không phải để chỉ trích, mà để đúc kết lại những bài học cho mình.

Mong và rất mong những bài học như thế sẽ không bị những người có trách nhiệm… để ngoài tai

Diệp Xưa
.
.
.