Bác Hồ - tấm gương về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư

Thứ Bảy, 15/08/2009, 16:28
Trải qua mấy thập kỷ, những lời dạy bảo của Bác về cần kiệm liêm chính vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt là tấm gương của Bác Hồ thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư thì có lẽ cả đời chúng ta học tập noi theo.

Chỉ một ngày sau tết độc lập của nước nhà, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ tọa hội nghị và trình bày sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó vấn đề thứ tư cần phải giải quyết cấp bách lúc bấy giờ là "Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập". Để làm được những điều đó, Người yêu cầu "mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân ta bằng cách thực hiện: cần kiệm liêm chính".

Riêng đối với lực lượng CAND, Người dành tình thương yêu, sự quan tâm chỉ bảo đặc biệt với những lời dạy bảo tâm huyết vừa là niềm trông cậy, mong đợi, vừa là sự giao phó trọng trách nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân.

Đặc biệt, ngày 11/3/1948 Người gửi thư cho Công an Khu XII và nêu rõ "Tư cách người Công an Cách mệnh" trong đó điều đầu tiên Người đặt ra yêu cầu triệt để là: "Đối với tự mình, phải cần kiệm liêm chính".

Bác Hồ với CBCS CAND sau Hội nghị CATQ lần thứ 14 (1960) tại Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân).Ảnh: Tư liệu.

Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước thương dân, về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để chúng ta học tập noi theo.

Lúc sinh thời, Bác sống giản dị, từ lời nói, việc làm, phong cách, từ cách ăn mặc đến những sinh hoạt đời thường, ngay cả khi giữ cương vị Chủ tịch nước. Ở Người sự gần gũi, giản dị tạo ấn tượng khó quên với bất cứ ai dù chỉ một lần được gặp Bác.

Tác phong giản dị, đức tính tiết kiệm ở Bác Hồ có lẽ không ai sánh bằng. Quần áo Bác mặc chỉ có vài bộ kaki may cùng kiểu, có cái đã rách cổ vá đi vá lại, thay cổ mà Bác vẫn không cho đổi. Có lần Bác nói với một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng một cách chân tình: "Này chú! Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy, đừng bỏ cái phúc ấy đi".

Đôi dép cao su Bác đã mang theo người qua biết bao chặng đường cách mạng, quai mòn, đế mòn nhưng vẫn hành quân cùng Bác. Chiếc bút chì mòn vẹt, ngắn một đoạn hiện còn lại trên bàn làm việc tại Di tích Phủ Chủ tịch, Bác vẫn dùng để theo dõi tin tức trên báo các tin thắng trận, những gương người tốt việc tốt để đề nghị tặng thưởng kịp thời; những trang báo bản thảo được Bác viết trên mặt sau của những tờ tin tham khảo của Thông tấn xã Việt Nam.

Và còn đó chiếc xe ôtô mà Bác đi công tác hay thăm đồng bào chiến sỹ cũng chỉ là loại xe bình thường, giản dị như bộ quần áo kaki sờn mà Bác vẫn dùng hằng ngày. Bác không dùng chiếc điều hoà nhiệt độ do cán bộ ngoại giao đang công tác ở nước ngoài gửi biếu mà đề nghị chuyển món quà đó cho các đồng chí thương binh đang điều dưỡng mặc dù lúc đó Bác đang ở trong ngôi nhà của người thợ điện rất nóng. Và những bữa ăn thường ngày của Bác "thường là dưa cà đôi khi có thịt". Mỗi khi về các địa phương, Bác không cho báo trước, Người mang theo cơm nắm để tránh phiền hà nhân dân, tránh đón rước linh đình, tránh tốn kém tiền của và thì giờ của nhân dân.

Trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, khi ở chiến khu, Bác ở trong ngôi nhà sàn mái lá đơn sơ, giản dị. Đến khi hòa bình lập lại, trở về Thủ đô, Bác ở trong ngôi nhà nhỏ của người thợ điện, sau đó Bác chuyển sang ở nhà sàn, chứ Bác không ở ngôi nhà to, sang trọng của toàn quyền Đông Dương mà nơi đó Bác để làm nơi tiếp khách của Chính phủ.

Bác tiết kiệm không chỉ trong ăn, ở, mặc, đi lại mà ngay cả sử dụng cán bộ. Mỗi khi đi công tác xa, Bác chỉ sử dụng ít cán bộ, kể cả khi ở chiến khu cũng như sau này khi hòa bình lập lại và Bác luôn quan tâm tạo điều kiện trong những lần Bác đi công tác xa, không cần người cùng đi Bác cho cán bộ về thăm gia đình, Bác dặn: "Các chú tranh thủ về thăm nhà, nhưng nhớ đúng hẹn lên đón Bác". Thật là cử chỉ rất nhân văn thể hiện Bác là người luôn quan tâm đến mọi người và cũng là một biểu hiện tiết kiệm thời gian.

Trải qua mấy thập kỷ, những lời dạy bảo của Bác về cần kiệm liêm chính vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt là tấm gương của Bác Hồ thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư thì có lẽ cả đời chúng ta học tập noi theo. Tấm gương sáng về đức tính cần kiệm liêm chính, chí công vô tư của Bác Hồ đã thẳm sâu trong lòng mỗi cán bộ đảng viên và nhân dân ta được hun đúc thành ý chí của cả dân tộc trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đã có hàng vạn người con của Tổ quốc đã ngã xuống vì độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước; hàng vạn người con đã hy sinh thân mình vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Chính họ đã nối tiếp truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam yêu nước, cần cù, sáng tạo, đức hy sinh, để vì một xã hội ngày mai tươi đẹp.

Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính là mỗi cán bộ đảng viên đã góp phần lấy lại niềm tin trong nhân dân, làm giàu cho đất nước, thiết thực hưởng ứng cuộc vận động Xây dựng lực lượng CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ và cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Anh Tuấn
.
.
.