Bắc Giang tưng bừng lễ đón nhận các sự kiện văn hóa tiêu biểu

Chủ Nhật, 07/10/2012, 11:25
Lễ đón nhận Bằng công nhận mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức UNESCO; Bằng công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế; Quyết định công nhận 16 xã thuộc huyện Hiệp Hòa là ATK II và Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ V năm 2012 đã ghi đậm truyền thống văn hóa, lịch sử oai hùng và là niềm vinh dự lớn cho Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang được tổ chức tối ngày 6/10 tại TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Với chủ đề “Bắc Giang - Ký ức tỏa sáng”, buổi lễ vinh dự đón nhận các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ngành cùng đông đảo cán bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh Bắc Giang tới dự.

Trong các sự kiện kể trên, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm chính thức được công nhận là di sản ký ức thế giới vào ngày 16/5/2012 có giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt bởi tính độc đáo của nó và là điểm nhấn của ngày hội. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có lịch sử tồn tại từ 700 năm, với số lượng hơn 3.000 bản cùng 9 đầu sách lớn gồm loại kinh sách có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ được các tổ sư thiền phái Trúc Lâm kế truyền, chú dẫn theo tư tưởng Việt Nam; loại kinh sách của các tổ sư thiền phái Trúc Lâm sáng tác truyền lại. Hơn 3.000 mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm thể hiện tư tưởng, giáo lý của thiền phái Trúc Lâm được lưu khắc hết sức rõ nét mang đậm bản sắc dân tộc cùng những giá trị nhân văn sâu sắc. Ngoài ra, còn lưu lại nhiều tác phẩm đúc kết kinh nghiệm dân gian về y học cổ truyền dân tộc.

Tại buổi lễ, giá trị lịch sử của cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) một lần nữa được tôn vinh bởi Bằng công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, điều mà không ít người còn chưa biết tới hoặc không có điều kiện tìm hiểu thấu đáo.

Hình ảnh lẫm liệt của Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám cùng những dấu tích về phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế còn lưu lại qua những công trình kiến trúc cổ: đình, chùa, đền, nghè, miếu ở các huyện Tân Yên, Yên Thế, Việt Yên và Yên Dũng. Nổi bật là khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám ở làng Trũng, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên; đình Dĩnh Thép, ở xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế - nơi nghĩa quân tổ chức Đại hội để bầu ra thủ lĩnh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa năm 1888… Trong dịp này, 16 xã thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang chính thức được công nhận là ATK II vì có những đóng góp xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc.

Đội văn nghệ Công an tỉnh Bắc Giang tham gia hội diễn văn nghệ chào mừng lễ đón nhận các sự kiện văn hóa.

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang sôi động bởi chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Giao hội và tinh khiết; Khí phách hào hùng; Di sản thăng hoa” cùng các cuộc thi đấu thể thao, vật dân tộc, kéo co, triển lãm nghề thủ công truyền thống... Trước đó, tổ chức UNESCO đã công nhận hai di sản văn hóa phi vật thể của Bắc Giang là quan họ và ca trù. Trong đó, Quan họ nhận danh hiệu là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại và Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Góp phần vào sự thành công của buổi lễ, nhiều ngày qua Công an tỉnh Bắc Giang đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tổ chức các phương án bảo vệ gồm nhiều tổ công tác thực thi nhiệm vụ ở TP Bắc Giang và 4 huyện có các di tích lịch sử kể trên. Đại tá Phạm Văn Minh, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang cho biết: Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an Bắc Giang đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ đảm bảo cho sự an toàn của buổi lễ, và công tác bảo vệ các di tích lịch sử đã xếp hạng vô cùng quý báu không chỉ của Bắc Giang.

Chắc chắn, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà đồng bào các dân tộc Bắc Giang có được nói riêng, các dân tộc Việt Nam nói chung sẽ tạo nên sức mạnh nội lực góp phần vào thắng lợi của việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh nhà, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, để xứng đáng với công đức của các bậc tiền nhân trong lịch sử dân tộc

Thanh Phong
.
.
.